Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; các thành viên Ủy ban Pháp luật; đại diện Thường trực một số cơ quan của Quốc hội; đại diện lãnh đạo một số cơ quan liên quan.
Tại phiên họp này, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra đề nghị bổ sung các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 197 Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và khoản 1 Điều 82 Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, để Luật Đất đai năm 2024 sớm đi vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực đất đai, giải quyết những vướng mắc, bất cập, tồn tại, hạn chế trong quản lý đất đai đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15 theo hướng quy định Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024.
Bên cạnh đó, để bảo đảm Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực đồng thời, thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, khả thi, tránh phát sinh vướng mắc, bất cập khi triển khai, Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 197 Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và khoản 1 Điều 82 Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 theo hướng quy định Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024.
Đồng thời, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự thảo các Nghị quyết nêu trên vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội quyết định việc xây dựng, ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ Bảy đang diễn ra theo quy trình xem xét, thông qua tại một kỳ họp.
Các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với sự cần thiết sớm triển khai các Luật này. Tuy nhiên, để có đầy đủ cơ sở trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 cũng như cho phép 3 Luật này có hiệu lực thi hành sớm hơn 6 tháng, các thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ cần làm rõ cơ sở chính trị và cơ sở pháp lý trong hồ sơ dự thảo Nghị quyết; đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng hơn nữa về các tác động chính sách, nhất là tác động đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, đối với các điều khoản trong những luật khác, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, liệu có ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp hay không?
Về lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động, có ý kiến chỉ rõ, trong báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, mới chỉ có 6 địa phương gửi ý kiến đối với việc đẩy sớm thời gian có hiệu lực của các Luật này. Do đó, đề nghị cần đánh giá rõ hơn mức độ đáp ứng của các điều kiện bảo đảm thi hành luật, nhất là về công tác ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật của các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương theo trách nhiệm được Quốc hội giao tại 3 Luật.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật đánh giá cao Chính phủ và các bộ liên quan đã rất tích cực, khẩn trương trong việc triển khai 3 Luật, chuẩn bị các điều kiện để các Luật này sớm đi vào cuộc sống. Đến nay, các nghị định, thông tư đã xây dựng sớm hơn rất nhiều so với tiến độ đề ra. Nếu có thể rút ngắn thời gian để các Luật này có hiệu lực thì sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc ở các địa phương, tạo điều kiện thu hút đầu tư.
Nhấn mạnh yêu cầu quan trọng là phải đáp ứng các điều kiện để triển khai thi hành, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, Ủy ban Pháp luật ủng hộ trên cơ sở Chính phủ phải rà soát, đánh giá rất kỹ lưỡng các điều kiện triển khai thi hành Luật để quá trình triển khai được thông suốt, không có vướng mắc. Qua đó, đề nghị Chính phủ làm rõ hơn trong hồ sơ dự thảo các Nghị quyết về sự cấp thiết và lợi ích mang lại nếu 3 Luật này có hiệu lực sớm hơn 6 tháng. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, nhất là báo cáo đánh giá tác động; cung cấp thêm thông tin tình hình ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết của các bộ, ngành, địa phương hiện nay đã chuẩn bị đến đâu.
Về thời hạn, Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng yêu cầu hồ sơ của Chính phủ cần gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất vào ngày 27.5 tới để kịp thời xem xét trình Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp sáng 30.5 thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.