Vai trò hạt nhân trong hợp tác khu vực

Cập nhật: 30/12/2021 10:06

Trong năm 2021 nhiều biến động, nhất là dịch Covid-19 vẫn đe dọa nỗ lực phục hồi của các quốc gia, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tiếp tục giữ vững đà hợp tác, vượt qua nhiều sóng gió và đạt được các mục tiêu quan trọng đã đề ra. Điều này góp phần củng cố liên kết, duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy thực hiện tầm nhìn phát triển của ASEAN và APEC trong giai đoạn mới.

Việt Nam chủ động, tích cực đóng góp trách nhiệm vào công việc chung của ASEAN. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO

Chủ đề của Năm ASEAN 2021 và Năm APEC 2021, cũng như những nội dung được trao đổi, các tuyên bố và văn kiện được ghi nhận, thông qua đã cho thấy đoàn kết, đồng thuận, hợp tác, khát vọng thực hiện tầm nhìn phát triển tiếp tục được ASEAN và APEC đề cao.

Nền tảng triển khai tầm nhìn 

Đối thoại và hợp tác cùng có lợi, phù hợp các văn kiện nền tảng tiếp tục là câu trả lời của ASEAN trước những thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài. Trên tinh thần “Chúng ta quan tâm, chúng ta chuẩn bị, chúng ta cùng phát triển thịnh vượng”, ASEAN tiếp tục phát triển vững mạnh, phát huy nỗ lực chung của cả khối, đạt được nhiều kết quả tích cực trong ứng phó dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi toàn diện. Song song với việc đẩy mạnh thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025, ASEAN cũng đã thông qua lộ trình xây dựng tầm nhìn sau năm 2025 để đưa ra những định hướng cụ thể cho giai đoạn tiếp theo.

Nhằm thích ứng với bối cảnh mới, ASEAN đã thông qua, ghi nhận và công bố khoảng 100 văn kiện, trong đó có nhiều sáng kiến hợp tác như Tuyên bố Bandar Seri Begawan về Sáng kiến tổng thể kết nối các Sáng kiến ASEAN về Ứng phó với thảm họa và các tình huống khẩn cấp; Lộ trình, Chiến lược hợp nhất về cách mạng công nghiệp lần thứ tư; các tuyên bố của lãnh đạo ASEAN về đề cao chủ nghĩa đa phương, kinh tế biển xanh.

Trong năm qua, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được các nước thành viên ASEAN và các đối tác thúc đẩy phê chuẩn, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2022. Theo Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi (Lim Giốc Hoi), quá trình phê chuẩn khẩn trương phản ánh cam kết mạnh mẽ với việc thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương công bằng và cởi mở. Các bên tham gia đều kỳ vọng RCEP sẽ tạo động lực phục hồi kinh tế của khu vực được coi là trung tâm tăng trưởng của thế giới.

Với chủ đề “Cùng phối hợp, cùng hành động, cùng tăng trưởng”, chủ nhà APEC New Zealand (Niu Di-lân) đã cùng các nền kinh tế thành viên thúc đẩy ứng phó dịch Covid-19, đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế, khơi dậy động lực mới hướng tới tăng trưởng sáng tạo, bền vững và bao trùm, đem lại cơ hội phát triển cho mọi người dân. Một trong những kết quả nổi bật của hợp tác APEC trong năm qua là việc thông qua Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo và Kế hoạch hành động triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Nhận định các kết quả đạt được trong năm nay là nền tảng của sự thịnh vượng trong ngắn hạn, song Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern (G.A-đơn) khẳng định, Kế hoạch hành động sẽ góp phần triển khai hiệu quả tầm nhìn về khu vực châu Á-Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường, hòa bình, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và thế hệ tương lai trong 20 năm tới.

Vai trò gắn kết khu vực

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 và các hội nghị cấp cao liên quan, chuỗi hội nghị quan trọng nhất trong năm, được tổ chức với sự tham gia của tất cả lãnh đạo các bên đối tác, trong đó có cả Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn), là minh chứng cho thấy tầm quan trọng của ASEAN với an ninh và thịnh vượng của khu vực. Lãnh đạo các bên đối tác đều khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong nỗ lực xây dựng cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ và các nguyên tắc nêu trong văn kiện Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong năm qua, ASEAN tiếp tục thắt chặt và mở rộng quan hệ với các đối tác, nổi bật là việc nâng cấp quan hệ với Trung Quốc, Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao quy chế Đối tác đối thoại đầy đủ cho Anh.

Duy trì và củng cố vai trò của APEC là diễn đàn hàng đầu khu vực về hợp tác và liên kết kinh tế, tiên phong trong các nỗ lực ứng phó thách thức toàn cầu, hướng tới một khu vực châu Á-Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình vì sự thịnh vượng vẫn là những mục tiêu được APEC thúc đẩy thực hiện trong năm qua.

Bài viết trên trang eastasiaforum nhận định, vai trò gắn kết khu vực của APEC ngày càng trở nên quan trọng, nhất là trong tình hình thế giới, khu vực đầy biến động. Trong thời gian tới, APEC tiếp tục nỗ lực trở thành động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu; là trung tâm khởi xướng các ý tưởng sáng tạo, xu thế phát triển mới; mở rộng liên kết kinh tế trong phục hồi, tăng trưởng bền vững; góp phần định hình nền kinh tế thế giới sau đại dịch.

Thành viên tích cực, trách nhiệm

Tiếp nối những thành công trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 và chủ nhà APEC 2017, cũng như những đóng góp thiết thực với tư cách là thành viên trong những năm qua, Việt Nam tiếp tục góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu mà ASEAN và APEC đề ra trong năm 2021. Các đề xuất, đóng góp của Việt Nam vào nỗ lực chung nhằm phục hồi kinh tế, phát triển bền vững và bao trùm, giải quyết những thách thức chung được các nền kinh tế thành viên APEC tán đồng và được phản ánh trong các tuyên bố được thông qua.

Các giải pháp do Việt Nam đề xuất nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nâng cao khả năng thích ứng trong tình hình mới được đánh giá cao. Trong ứng phó và phục hồi hậu dịch bệnh, Việt Nam là một trong những thành viên đi đầu thúc đẩy APEC cam kết hợp tác chia sẻ vắc-xin, bảo đảm phân phối và tiếp cận vắc-xin bình đẳng, hiệu quả với chi phí hợp lý.

Việt Nam đã tham gia trao đổi, chia sẻ và đóng góp xây dựng khoảng 100 văn kiện đệ trình các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua, ghi nhận. Trang Modern Diplomacy đăng tải bài viết nhận định, những ý kiến đóng góp, sáng kiến của Việt Nam góp phần định hướng hợp tác ASEAN trong năm 2021. Cách tiếp cận thẳng thắn, chân thành, minh bạch của Việt Nam về các vấn đề khu vực và quốc tế, thúc đẩy phát triển tiểu vùng gắn với tổng thể phát triển chung của ASEAN, đẩy mạnh liên kết khu vực đã được thể hiện đầy đủ trong các văn kiện của năm nay. Là một trong những nước thúc đẩy và ký kết RCEP trong năm 2020, Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định này trong năm 2021, góp phần đưa Hiệp định đi vào hiệu lực vào năm 2022, mở ra cơ hội tăng trưởng kinh tế của khu vực hậu dịch bệnh.

Với tinh thần là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cùng các thành viên của ASEAN và APEC nỗ lực “vượt bão” trong năm 2021. Bước sang giai đoạn mới, Việt Nam tiếp tục cùng các thành viên đẩy mạnh hợp tác, nhằm sớm thực hiện thành công mục tiêu phát triển thịnh vượng, bền vững, duy trì ASEAN và APEC là hạt nhân của các tiến trình đối thoại, hợp tác và liên kết ở khu vực và trên thế giới.

theo NHƯ NGỌC – Báo nhân dân điện tử

Tin liên quan