Ngay trong phòng, chống COVID-19 thời gian qua cũng có “virus sợ trách nhiệm”. Trong đợt phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, nhiều địa phương có tâm lý ngại mua sắm thiết bị máy móc, thiết bị, vật tư y tế do sợ bị xử lý kỷ luật, sợ bị xử lý hành chính, hình sự. Nỗi sợ trách nhiệm này còn biểu hiện trong công tác phòng, chống dịch, điều hành, phòng, kiểm dịch tại nhiều địa phương.
Ví dụ, dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NĐ-CP nhưng nhiều địa phương vẫn áp dụng những biện pháp “ngăn sông, cấm chợ”, áp dụng những biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn, hạn chế giao thông, giao lưu hàng hóa, nhằm tránh phát sinh F0. Điều này cho thấy cán bộ tiếp tục lúng túng, lo sợ nếu dịch bùng phát sẽ bị ảnh hưởng đến công tác và có thể bị phê bình, kỷ luật.
Hiện nay, vấn đề bao giờ học sinh được trở lại trường vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời. Nguyên nhân khách quan là dịch bệnh nguy hiểm, F0 ở nhiều nơi vẫn tăng, tỷ lệ tiêm vaccine chưa cao… tuy nhiên, có nguyên nhân chủ quan là sợ trách nhiệm. Đâu là nguyên nhân của “bệnh sợ trách nhiệm”? Chắc chắn do “virus” cùng tên “sợ trách nhiệm” gây ra.
Sự chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập trong các quy định của pháp luật là nguyên nhân đẩy cán bộ thực thi nhiệm vụ vào tâm trạng lo lắng, né tránh, sợ không dám quyết định. Đây có thể coi là nguyên nhân của nguyên nhân.
Nói về những bất cập này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu đã phát biểu: “Một vị lãnh đạo ngành y tế bị khiển trách, cảnh cáo, thậm chí vướng vào vòng lao lý là điều khiến chúng ta hết sức đau lòng. Nhưng lỗi cá nhân chắc chắn phải trả giá, còn lỗi quy trình, lỗi hệ thống cho dù đã được chỉ ra nhưng thay đổi lại khó vô cùng”. Ông thống thiết, “những bất cập trong hệ thống cần được điều chỉnh càng sớm càng tốt, nếu không muốn hậu quả lớn hơn”.
Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Theo đó, khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại, nếu thực hiện đúng chủ trương có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn giảm trách nhiệm. Tuy nhiên, hiện nay văn bản mới có ý nghĩa tinh thần, chưa được “luật hóa”.
Để đẩy lùi COVID-19, thích ứng an toàn, linh hoạt phải “phủ sóng” vaccine. Để chống lại “bệnh sợ trách nhiệm” chắc chắn cũng cần vaccine, đó là nhanh chóng khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn của luật pháp.