Vụ Phó Công an phường đánh phụ nữ: Đã hòa giải liệu có đủ căn cứ xử lý?

Cập nhật: 06/05/2022 08:56

Luật sư cho biết, trong tố tụng hình sự việc hòa giải giữa hai bên sau khi xảy ra sự việc không phải là căn cứ để chấm dứt vụ việc, việc hòa giải đó chỉ có thể áp dụng giải quyết đối với phần dân sự, thỏa thuận về những khoản bồi thường do tổn thất về tinh thần, sức khỏe. Còn về trách nhiệm hình sự thì có thể xem xét tính chất, mức độ và hậu quả tới đâu sẽ xử lý tới đó.

Hình ảnh cắt từ clip.

Tối 28/4, chị M.K. (ở TP. Cao Bằng) đã cùng bạn trai đến tiệm cắt tóc của anh Đ.K. ở phường Đề Thám, TP. Cao Bằng. Sau đó, Phó Công an phường Sông Bằng cùng 02 người khác đi ôtô đến đây và yêu cầu một người mặc trang phục Cảnh sát bắt giữ bạn trai chị K.

Khi người phụ nữ phản ứng, đôi bên xảy ra xô xát. Nhóm của vị Phó Công an phường sau đó rời đi khi Công an sở tại có mặt tại hiện trường. Theo chỉ huy Công an phường Đề Thám, đôi bên đã đồng ý giảng hòa.

Tuy nhiên, lãnh đạo Công an TP. Cao Bằng cho biết vẫn sẽ xử lý nghiêm hành vi của vị Phó Công an phường Sông Bằng, việc xử lý không ảnh hưởng bởi quyết định hòa giải.

Vậy, theo quy định pháp luật, trường hợp đôi bên đã giảng hòa, Công an có thể tiếp tục giải quyết vụ việc không?

Theo Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, trong tố tụng hình sự việc hòa giải giữa hai bên sau khi xảy ra sự việc không phải là căn cứ để chấm dứt vụ việc, việc hòa giải đó chỉ có thể áp dụng giải quyết đối với phần dân sự, thỏa thuận về những khoản bồi thường do tổn thất về tinh thần, sức khỏe. Còn về trách nhiệm hình sự thì có thể xem xét tính chất, mức độ và hậu quả tới đâu sẽ xử lý tới đó.

Cụ thể, hành vi của vị Phó Công an phường có thể bị xử lý về tội “Bắt người trái pháp luật” quy định tại Điều 157, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 155, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về “Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại” thì đây không thuộc tội khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Nên mặc dù 02 bên đã hòa giải những Cơ quan điều tra vẫn tiến hành xác minh, nếu thấy dấu hiệu tội phạm thì sẽ khởi tố vụ án về tội “Bắt người trái pháp luật”.

Luật sư cũng cho hay, trong trường hợp vị Phó Công an phường bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Bắt người trái pháp luật” thì sẽ phải đối mặt với tình tiết định khung tăng nặng là “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 157, Bộ luật Hình sự 2015 và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tội “Lợi dụng dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội” quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 52, Bộ luật Hình sự 2015.

“Đối với vị Phó Công an phường vừa là người có chức vụ, quyền hạn, lại có hiểu biết pháp luật, thực thi công vụ, nhưng lại ngang nhiên phạm luật thì rất cần áp dụng một chế tài nghiêm khắc nhằm thanh lọc những cán bộ thoái hóa, biến chất khỏi lực lượng Công an nhân dân”, Luật sư bày tỏ quan điểm.

theo QUÝ NGUYỄN – Tạp chí Luật sư Việt Nam

https://lsvn.vn/vu-pho-cong-an-phuong-danh-phu-nu-da-hoa-giai-lieu-van-du-can-cu-xu-ly1651766763.html

Tin liên quan