Thống nhất từ nhận thức đến hành động về trách nhiệm cải cách hành chính
Ông Phạm Minh Hùng cho hay, với cấu trúc gồm 8 lĩnh vực đánh giá, 37 tiêu chí, 88 tiêu chí thành phần (trong đó 27 tiêu chí, tiêu chí thành phần đánh giá qua điều tra xã hội học), Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 của các tỉnh, TP trên cả nước lần thứ 5 liên tiếp đạt giá trị trung bình trên 80%, với kết quả 86,98%, tăng 2,19% so với năm trước.
Nhìn lại cả 12 năm trở lại đây, Hà Nội luôn đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%, trong đó năm 2014 và 2023 đạt trên 90%: năm 2023 đạt 91,43%, xếp thứ 3/63 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Ba năm TP xếp hạng tốt nhất là 2017, 2018, 2019, đều xếp thứ 2/63 tỉnh, TP; năm tăng hạng nhiều nhất là 2022, tăng 7 bậc, xếp thứ 3/63 tỉnh, TP.
Đáng chú ý, so sánh với năm 2022, PAR INDEX năm 2023 của TP có 5 chỉ số thành phần tăng điểm, trong đó tăng trưởng mạnh nhất (13,2%) là chỉ số “chính quyền điện tử, chính quyền số” và đạt kết quả cao nhất (99,33%) là chỉ số “chỉ đạo điều hành”.
Phân tích sâu hơn về 2 “nửa” của PAR INDEX là “kết quả” và “tác động”, ông Phạm Minh Hùng cho hay, năm 2023, về “kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC”, Hà Nội đạt điểm số 95,29%, đứng thứ hai trên cả nước, trong khi về “tác động của CCHC đến người dân, phát triển KT-XH”, TP đạt 85,26%, đứng thứ 10/63 tỉnh, TP. Điều đó cho thấy Hà Nội đã làm tốt về tiêu chí kết quả các chương trình, mục tiêu đề ra so với tiêu chí về tác động của CCHC đến người dân, đội ngũ cán bộ công chức và phát triển KT-XH.
Theo ông Phạm Minh Hùng, khảo sát thực tế cho thấy, các ngành, lĩnh vực đánh giá tích cực về CCHC là Tư pháp, Tài chính và Kế hoạch-Đầu tư (đều trên 90%), trong khi các ngành Thanh tra, Ngoại vụ và Quy hoạch-Kiến trúc chỉ đánh giá đạt trên 66 – 73%.
“Những điều này thể hiện sự khác biệt trong đánh giá tương đối lớn giữa các nhóm, ngành, lĩnh vực; cùng về kết quả CCHC nhưng có sự nhìn nhận khác nhau, chưa thống nhất. Như vậy, câu chuyện đặt ra với TP là tiếp tục đẩy mạnh sự truyền thông trong nội bộ, để nhận thức được rằng CCHC là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, địa phương, chứ không phải của riêng sở ngành nào. Tiếp tục tănb cường những hội nghị tuyên truyền phổ biến, quán triệt các nội dung CCHC cũng như các chương trình, kế hoạch hành động của TP, đẩy mạnh phối hợp giữa các đơn vị trong hệ thống đối với công tác CCHC”- ông Phạm Minh Hùng nêu quan điểm.
Tiên phong thí điểm những mô hình, cách làm hiệu quả trong cải cách hành chính
Mặc dù đã đạt những kết quả tích cực trong Chỉ số CCHC, song theo Vụ trưởng Vụ CCHC – Bộ Nội vụ, thực tế cho thấy có một số tồn tại của Hà Nội dẫn đến mất điểm ở một số tiêu chí, đó là: Công khai, cập nhật thủ tục hành chính (TTHC) chậm ở một số lĩnh vực; tình trạng trễ hẹn TTHC vẫn còn; giải ngân đầu tư công chưa hoàn thành 100% kế hoạch…
Chỉ số thành phần “Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và các tiêu chí phát triển KT-XH” của TP năm 2023 đã giảm nhẹ (2,09%) và cũng là chỉ số đạt kết quả thấp nhất (86,54%).
Từ đó, ông Phạm Minh Hùng đa ra 9 khuyến nghị về giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số PAR INDEX cho Hà Nội, với phương châm tiêu chí, chỉ số thành phần nào đã đạt cao, đang ở vị trí có thể tiếp tục phấn đấu được thì TP tiếp tục quan tâm cải thiện; chỉ số thành phần, tiêu chí nào đang thấp, cần được tập trung phấn đấu để nâng cao.
Trong đó, tiếp tục đổi mới sáng tạo, từ xây dựng chương trình kế hoạch sát thực tiễn, phân công bố trí nguồn lực và kiểm tra theo dõi, đánh giá; ra kết quả rồi thì tổng hợp, tuyên truyền không chỉ cho người dân mà cả chính trong đội ngũ cán bộ công chức nhằm thống nhất từ nhận thức đến hành đng; chấn chỉnh tình trạng không làm mà đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm.
Hoan nghênh TP Hà Nội vừa qua đã sáp nhập các Ban chỉ đạo về CCHC, chuyển đổi số và Đề án 06, tạo được thống nhất, đồng bộ, hiệu lực hiệu quả cao hơn trong chỉ đạo điều hành, hệ thống giải pháp, Vụ trưởng Vụ CCHC cũng đề xuất TP tiếp tục thực hiện phân công, phân nhiệm, có cơ chế chế tài để đôn đốc, tạo áp lực cho chính các cơ quan, tránh tình trạng “không muốn làm” hoặc “không làm cũng không sao”.
Đồng thời, ông Phạm Minh Hùng khuyến nghị, TP tiếp tục đổi mới sáng tạo, tiên phong thí điểm những mô hình, cách làm mới, hiệu quả; nhìn thẳng vào những điểm nghẽn để có giải pháp khắc phục, cải thiện…
Cũng theo Vụ trưởng Vụ CCHC, căn cứ 6 nội dung, 6 trụ cột ca CCHC do T.Ư ban hành, TP Hà Nội nên áp dụng một cách đồng bộ nhưng có trọng tâm trọng điểm. Trước hết tập trung cải cách thể chế, rà soát tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển KT-XH, trọng tâm nên là chuyển đổi số. Cùng đó, TP nên có cơ chế phối hợp, kết nối tốt hơn giữa cơ quan thường trực công tác CCHC (Sở Nội vụ) và các đầu mối của 6 trụ cột CCHC (Sở TT&TT, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Văn phòng UBND TP) để tham mưu thống nhất, toàn diện, đồng bộ cho lãnh đạo UBND TP, từ đó sẽ lan tỏa tới các sở ngành khác và hệ thống chính quyền cơ sở. Đồng thời, chú trọng nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước; nâng cao kỷ luật, kỷ cương cũng như hiệu quả xây dựng, thực thi các chính sách mà người dân quan tâm nhiều…
theo Linh Chi – Báo Kinh tế và Đô thị