+ PV: Thưa Phó Tổng Thanh tra, đồng chí từng chia sẻ, Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra) đã đặt ra nhiệm vụ toàn diện cho công tác đào tạo?
– Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh: Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra tại Quyết định số 2213/QĐ-TTg ngày 8/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong phần nhiệm vụ, giải pháp đã xác định 7 mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 – 2030. Đó là: Xây dựng và tăng cường tính hệ thống của ngành Thanh tra theo hướng quản lý tập trung, thống nhất về tổ chức, biên chế; nâng cao vai trò của các cơ quan thanh tra trong quản lý Nhà nước về giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tăng cường tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra; bảo đảm vị thế chính trị của người đứng đầu các cơ quan thanh tra Nhà nước tương xứng với chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; nghiên cứu, sửa đổi các quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý đội ngũ thanh tra viên theo hướng bảo đảm tính chuyên nghiệp, kỷ cương, trách nhiệm; nghiên cứu sửa đổi các quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thanh tra nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả việc giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước; nghiên cứu, đề xuất chế độ đãi ngộ phù hợp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thanh tra; thực hiện rà soát, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng và sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chính quy, hiện đại, bản lĩnh, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Như vậy, tâm điểm của các giải pháp, mục tiêu đều là cán bộ ngành Thanh tra và cái gốc của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức chính quy hiện đại chính là công tác đào tạo. May mắn là được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ngành Thanh tra có riêng một ngôi trường đào tạo cho cán bộ của ngành là Trường Cán bộ Thanh tra gần 5 thập kỷ qua.
Thực tế cho thấy, ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, người đứng đầu và tập thể lãnh đạo của ngành Thanh tra cũng rất chú trọng, quan tâm đến công tác đào tạo. Bởi đây chính là cái gốc để có đội ngũ cán bộ chính quy, hiện đại. Cái gốc này được vun chắc thì không lo thân cây ốm yếu.
+ PV: Là người trực tiếp phụ trách công tác đào tạo của ngành, đồng chí đánh giá như thế nào về việc đáp ứng các mục tiêu nói trên?
– Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh: Như các bạn đã biết, tôi mới gắn bó với mảng công tác này, gắn bó với Trường Cán bộ Thanh tra từ đầu năm 2019. Đây cũng là năm nhà trường bắt đầu kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự các phòng, khoa theo định hướng cơ chế tự chủ về tài chính, tiến tới là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi tiêu thường xuyên, năm đầu tiên trường thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Quyết định số 984/QĐ-TTCP của TTCP, cũng là năm đầu tiên trường thực hiện kế hoạch công tác bao gồm cả Trung tâm Nha Trang.
Nhiều cái “đầu tiên” như vậy nên tôi cũng chia sẻ thêm để các bạn hiểu cả đặc thù đào tạo cán bộ cho ngành Thanh tra trước yêu cầu của nhiệm vụ mới. Đơn cử, kế hoạch công tác cũng có sự đột biến, ngoài kế hoạch nhiệm vụ được Thanh tra Chính phủ giao, nhà trường phải chủ động xây dựng kế hoạch các lớp bồi dưỡng ngắn hạn như tiếp công dân, lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo quản lý; các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên được giao nhiệm vụ thực hiện thanh tra chuyên ngành bảo hiểm theo Nghị định số 21/2016/NĐ-CP ngày 31/3/2016 của Chính phủ. Đặc biệt triển khai thực hiện Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg, ngày 26/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đối với 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… Đây là các khóa đào tạo với số lượng lớn học viên trong thời gian ngắn nhưng phải đảm bảo chất lượng.
Hơn nữa, trong xu thế các đơn vị công lập trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Trường Cán bộ Thanh tra phải từng bước thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, tiến tới là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi tiêu thường xuyên theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Như vậy, khác với tính ổn định tương đối của ngành Giáo dục, công tác đào tạo cán bộ cho ngành Thanh tra luôn phải chủ động để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Có thể thấy, quá trình triển khai, thực hiện, nhà trường gặp không ít khó khăn vướng mắc, áp lực về thời gian, lực lượng giảng viên còn thiếu, cơ chế chính sách về khai thác, quản lý, sử dụng tài sản công còn chậm được ban hành… Tuy nhiên, tôi thấy rất mừng là trường đã có những bước phấn đấu và lớn lên không ngừng cả về cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy.
Lấy kết quả cụ thể, năm 2019, Trường Cán bộ Thanh tra đã đào tạo được 93 khóa đào tạo với 9.102 học viên, trong đó có 2 khóa đào tạo cho học viên Campuchia và Lào, 66 khóa bồi dưỡng theo nhu cầu cho một số bộ, ngành, địa phương. Công tác đào tạo nghiệp vụ diễn ra tại nhiều địa điểm, tạo điều kiện tối đa cho học viên: Tại Trường Cán bộ Thanh tra, Khánh Hòa, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Gia Lai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Kiên Giang, tỉnh Cà Mau…
Tôi đánh giá cao những kết quả đó. Và kết quả đó cũng thể hiện rằng lãnh đạo Thanh tra Chính phủ chú trọng đến công tác đào tạo. Trong đó phải kể đến công tác xây dựng và tổ chức và lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức ngành Thanh tra hàng năm được Tổng Thanh tra Chính phủ phê duyệt ban hành kịp thời đã tạo điều kiện thuận lợi, chủ động cho Trường Cán bộ Thanh tra triển khai các khóa đào tạo, bồi dưỡng.
Bên cạnh đó, chương trình, tài liệu, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng đang được đổi mới theo hướng tích cực, tập trung bồi dưỡng kỹ năng làm việc và kinh nghiệm thực tiễn về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Thanh tra.
+ PV: Thưa Phó Tổng Thanh tra, không ít người lo rằng, số lượng gần 30.000 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ tạo áp lực lên công tác đào tạo. Đồng chí có nhận thấy điều này?
– Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh: Đúng là như vậy. Nếu các bạn quan tâm đến công tác đào tạo thì sẽ nhớ một mốc thời gian quan trọng sau khi Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt không lâu, đó là tính đến ngày 6/9/2018, toàn ngành Thanh tra có 28.729 công chức, viên chức, người lao động, trong đó có 12.792 người giữ ngạch thanh tra, chiếm tỷ lệ 44,52%; 15.937 người chưa giữ ngạch thanh tra, chiếm tỷ lệ 55,48%.
Đây là số liệu tạo áp lực rất lớn, buộc ngành Thanh tra phải đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ ngành đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Chúng ta cũng biết rằng, từ năm 2016 đến năm 2019, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức được 225 lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 21.681 lượt cán bộ, công chức ngành Thanh tra. Đây là một kết quả không nhỏ nhưng rõ ràng là chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo của cán bộ ngành.
Có thể nói đội ngũ cán bộ, công chức ngành Thanh tra là một bộ phận quan trọng của nền hành chính Nhà nước nói chung và của ngành Thanh tra nói riêng. Chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức có tính chất quyết định chất lượng của nền hành chính và hiệu quả công tác quản lý Nhà nước. Do đó, nhu cầu chỉnh đốn và nâng cao chất lượng và trình độ của đội ngũ công chức trong điều kiện hội nhập hiện nay là cần thiết và đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp hữu hiệu nhằm xây dựng đội ngũ công chức ngành Thanh tra vững mạnh, chuyên nghiệp.
+ PV: Một nhiệm vụ rất quan trọng trong Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là xây dựng Đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra. Xin Phó Tổng Thanh tra chia sẻ thêm về nhiệm vụ này?
– Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh: Đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra đã được Tổng thanh tra Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2690/QĐ-TTCP ngày 10/10/2016 về ban hành Chương trình Hành động của Thanh tra Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 22/7/2016 về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2016 – 2020).
Mục tiêu chương trình hành động của Đề án xác định “… triển khai đồng bộ, hiệu quả các nội dung trong Chương trình Hành động của Thanh tra Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ; tập trung nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo chuyển biến tích cực trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, về phòng, chống tham nhũng, tiết kiệm, chống lãng phí, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020”.
Trên cơ sở đó, Tổng Thanh tra Chính phủ đã giao nhiệm vụ thực hiện Đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra cho Trường Cán bộ Thanh tra chủ trì. Đến nay, nhiều phần việc quan trọng đã được thực hiện. Trong đó, quan trọng nhất là xác định được các giải pháp trước mắt và lâu dài để nâng cao chất lượng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra.
Tôi cho rằng, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có 2 giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Thanh tra.
Một là, nâng cao công tác quản lý Nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng, coi đào tạo, bồi dưỡng chính là cái gốc để có được nguồn nhân lực chính quy, hiện đại. Để làm được điều đó, cần sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức; nâng cao chất lượng xây dựng, hiệu quả xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm; phân cấp và nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong đào tạo, bồi dưỡng…
Hai là, cần nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức của ngành Thanh tra. Đây chính là giải pháp tự thân, đòi hỏi Trường Cán bộ Thanh tra phải không ngừng nâng cao chất lượng của chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng; của đội ngũ giảng viên giảng dạy. Đồng thời không ngừng đổi mới, cải tiến phương pháp giảng dạy, công tác tổ chức, triển khai khóa đào tạo, bồi dưỡng và hình thức các khóa đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch và đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng… Chỉ có làm tốt các giải pháp này mới có thể vun chắc cái gốc đào tạo cho nguồn lao động toàn ngành.
+ PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Thanh tra!
theo Thúy Nhài (Thực hiện) – thanhtra.com.vn