Các kế hoạch vẫn chưa rõ ràng
WB lưu ý rằng, những hành động của Chính phủ Pakatan Harapan (PH) trong 2 năm cầm quyền đã nâng cao xếp hạng của Malaysia trong các cuộc khảo sát toàn cầu về nhận thức tham nhũng.
Cũng theo WB, sự sụp đổ của Chính phủ PH vào tháng 3/2020 đã dẫn đến sự không chắc chắn về việc, liệu động lực cải cách chống tham nhũng của Malaysia có được duy trì hay không.
Trong một báo cáo đưa ra tại sự kiện do WB tổ chức ngày 19/5, WB cho biết, Chính phủ mới của Malaysia đã phát tín hiệu rằng, họ cam kết thực hiện những cải cách này.
“Tuy nhiên, các kế hoạch vẫn chưa rõ ràng”, WB nhận định và cho rằng, điều quan trọng đối với Malaysia là xem xét lại các quy định của tất cả cơ quan luật định của mình, định hướng rõ ràng việc phát triển các cơ quan quản lý và giám sát để tập trung giám sát việc quản trị doanh nghiệp, thúc đẩy quản trị chính trị…
Tại báo cáo có tiêu đề “Phương pháp tiếp cận của Malaysia trong việc chống tham nhũng – Sự phát triển, thất bại và thành công của các nỗ lực chống tham nhũng của Malaysia”, WB cho rằng cần phải có những cải cách tiếp theo để đưa ra “kết quả hợp lý”.
Chúng bao gồm mua sắm, tài trợ chính trị, kê khai tài sản, bổ nhiệm hội đồng quản trị có liên hệ chính trị trong các cơ quan luật định và hiệu quả của sự giám sát của các cơ quan quản lý.
Với tuyên bố rằng các cải cách được thực hiện trong cơ quan tư pháp, Quốc hội, ủy ban bầu cử và dịch vụ công là nền tảng tốt để thể chế hóa các thay đổi, WB nhấn mạnh, các nỗ lực cải cách đang diễn ra ở cấp liên bang của Malaysia cần được giám sát ở các bang và chính quyền địa phương.
Báo cáo của WB cũng nhấn mạnh một số trở ngại chính đối với các nỗ lực cải cách trước đây, trong đó quan trọng nhất là sự can thiệp chính trị.
WB tuyên bố rằng, khung thể chế chống tham nhũng của Malaysia bị thiếu quyền tự chủ trao cho các cơ quan chủ chốt được giao nhiệm vụ.
Theo WB, có sự “tập trung quyền lực quá mức” trong hành pháp, với cả Ủy ban Chống Tham nhũng Malaysia (MACC) và Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp đều thiếu tính độc lập để giải quyết các vụ tham nhũng lớn, chẳng hạn 1MDB và Felda, khi chúng mới được phanh phui.
MACC: 29 sáng kiến trong kế hoạch chống tham nhũng quốc gia đã được áp dụng
Trong khi đó, tại bài phát biểu trực tuyến quan trọng ngày 19/5 có tiêu đề “Nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của Chính phủ: Cuộc chiến chống tham nhũng”, Giám đốc MACC Datuk Seri Azam Baki cho biết, 29 trong số 115 sáng kiến nêu trong Kế hoạch Chống Tham nhũng Quốc gia 2019 – 2023 (NACP) đã được thực hiện kể từ năm ngoái, trong khi 86 sáng kiến khác đang được thực hiện.
Giám đốc MACC Datuk Seri Azam Baki. Ảnh: Thestar |
“Thừa nhận rằng các nỗ lực phối hợp là rất quan trọng để đảm bảo những biện pháp phòng ngừa tham nhũng toàn diện, Malaysia đã thu hút các bên liên quan khác nhau làm cơ quan chủ trì để thực hiện các sáng kiến trong khuôn khổ NACP”, ông Datuk Seri Azam Baki nói.
NACP, được đưa ra vào tháng 1/2019 bởi Thủ tướng Tun Dr Mahathir Mohamad, nhằm mục đích đưa Malaysia trở thành quốc gia không có tham nhũng vào năm 2023.
Ông Datuk Seri Azam Baki cho biết, tầm nhìn của NACP là tạo ra một quốc gia không có tham nhũng thông qua 3 mục tiêu cụ thể.
Đó là: Trách nhiệm giải trình và sự tín nhiệm của các cơ quan tư pháp, công tố và hành pháp; hiệu quả và khả năng đáp ứng trong cung cấp dịch vụ công; và liêm chính trong kinh doanh.
Với tư cách là cơ quan chủ chốt chịu trách nhiệm thực hiện Kế hoạch, MACC được giao nhiệm vụ dẫn đầu 12 trong số 115 sáng kiến.
Ông cho biết, 2 sáng kiến, đó là áp dụng kê khai tài sản đối với thành viên chính quyền và cải thiện chính sách về quà tặng, trợ cấp và trả lương cho thành viên chính quyền đã được hoàn thành.
Ông nói thêm rằng, MACC cũng đi đầu trong việc thực hiện Kế hoạch chống tham nhũng của tổ chức (OACP), nhằm giúp các tổ chức, cụ thể là tất cả bộ, ban và cơ quan Chính phủ, xây dựng kế hoạch chiến lược chống tham nhũng của riêng họ.
Ông Azam cũng cho biết, tổng cộng 582.812 hiệp ước liêm chính liên quan đến hơn 29 tỷ RM trong các hợp đồng mua sắm công đã được ký kết từ năm 2018 đến năm 2020.
Ông nói: “MACC đang làm việc với Bộ Tài chính để cải thiện việc thực hiện hiệp ước liêm chính, bao gồm cả cơ chế kiểm tra giám sát”.
Lãnh đạo MACC cho rằng, cần phải thiết lập các chuỗi hành động chống tham nhũng và cơ chế giải trình để đảm bảo rằng hỗ trợ nhân đạo được phân phối kịp thời và các quỹ phục hồi được sử dụng một cách hiệu quả, khách quan.
Khi đề cập đến các gói viện trợ như ngân sách kích thích để phục hồi nền kinh tế, ông Azam nói rằng, trong những thời điểm như thế này, khi tốc độ là quan trọng, có xu hướng đặt ra ít yêu cầu chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn đối với các gói viện trợ và chi tiêu khẩn cấp.
Theo Hoài Phương – Báo thanh tra
https://thanhtra.com.vn/phong-chong-tham-nhung/ho-so-tu-lieu/wb-yeu-cau-malaysia-ro-rang-hon-ve-cac-cai-cach-chong-tham-nhung-181792.html