Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN: Cần có cơ chế đầy đủ để nhân dân cùng giám sát

Cập nhật: 25/11/2021 08:50

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTW MTTQ) Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”, tại Hà Nội.

Đoàn giám sát của UB MTTQ thị xã Phổ Yên giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân của Chủ tịch UBND phường Ba Hàng (Thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên).

Phát huy vai trò một cách thực chất

Phát biểu khai mạc, ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký UBTW MTTQ khẳng định, trong những năm qua, MTTQ và các tổ chức thành viên đã góp phần tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Cụ thể là trong công tác tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp; tham gia góp ý, kiến nghị với Đảng, Nhà nước; tham gia phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, tiêu cực…

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập. Điển hình là quy định của pháp luật chưa đầy đủ, cụ thể; chưa có cơ chế chặt chẽ trong công tác khen thưởng, xử lý kỷ luật, bảo vệ người dám đấu tranh với những hành vi không đúng, nhất là trong PCTN, tiêu cực, nên chưa trở thành động lực cho nhân dân… Những hạn chế, bất cập này cần được khắc phục sớm nhất.

Tại Hội thảo, các ý kiến thống nhất cho rằng, MTTQ và các tổ chức thành viên có vai trò rất quan trọng trong việc phát huy dân chủ và đại diện cho nhân dân tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Do vậy, phải làm sao để Mặt trận và các tổ chức thành viên phát huy được vai trò này một cách thực chất trong thực tiễn giúp người dân có thể phát huy được quyền làm chủ trên tất cả các lĩnh vực, nhất là dân chủ trực tiếp.

Nhấn mạnh tới công tác giám sát và phản biện xã hội, ông Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương đề nghị phải có cơ chế đảm bảo cho việc giám sát được thực hiện tốt ngay từ cơ sở; tránh việc thiếu giám sát trong các cơ quan nhà nước, nhất là về công tác PCTN, tiêu cực, kiểm soát quyền lực, công tác cán bộ, xây dựng tổ chức bộ máy,… Theo ông Linh, phải có cơ chế đầy đủ để nhân dân cùng giám sát, tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị…

Trong đánh giá thực trạng, phải chỉ ra những “điểm nghẽn” trong việc phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, từ đó mới có thể đề ra giải pháp và phương hướng sát thực tế trong thời gian tới.

Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN: Cần có cơ chế đầy đủ để nhân dân cùng giám sát ảnh 1
Ủy ban MTTQ giám sát bãi chôn lấp rác thải tại Bình Định.

Mở rộng và đa dạng hóa các hình thức vận động

Đề xuất những định hướng nhằm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, GS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ – Pháp luật (UBTW MTTQ) cho rằng, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên phải góp phần cùng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ, thực hiện có hiệu quả phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

“MTTQ và tổ chức chính trị xã hội phải là lực lượng nòng cốt để nhân dân làm chủ. Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật tạo nền tảng chính trị pháp lý cho việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. MTTQ các cấp và tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị phải nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội”, GS Đường nhấn mạnh.

Cùng với đó, tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Theo định hướng này, MTTQ các cấp và các thành viên cần tập trung làm tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân nói chung, của công dân, tập thể công nhân nói riêng. Quan tâm, động viên, khuyến khích tạo động lực cho thế hệ trẻ khát vọng vươn lên, xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, phát huy vai trò quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Để thực hiện thành công những định hướng trên, theo GS Đường, MTTQ phải tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân để nhân dân biết và ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Cần nâng cao chất lượng các cuộc vận động như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, như Phong trào “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bỏ lại phía sau”…

Song song những giải pháp trên, phải tăng cường công tác giám sát xã hội trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là giám sát các hoạt động quản lý nhà nước liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân. Đồng thời tổ chức và thực hiện có chất lượng công tác phản biện xã hội với các dự thảo về đường lối, chủ trương của cấp ủy Đảng, chính sách, pháp luật của chính quyền các cấp có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân…

Báo cáo tóm tắt chuyên đề tại Hội thảo, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTW MTTQ cho biết, trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, MTTQ và tổ chức thành viên các cấp đã phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là những văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân… Nhiều ý kiến của MTTQ và các tổ chức thành viên là cơ sở quan trọng giúp cơ quan thẩm quyền xem xét, thông qua các văn bản quy phạm pháp luật.

Trong những năm gần đây, cử tri và nhân dân thường xuyên quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội; về lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân; về xây dựng chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện; y tế và an toàn thực phẩm; giải quyết khiếu nại, tố cáo; về quản lý đô thị…

Thông qua việc tập hợp ý kiến, kiến nghị trên nhiều lĩnh vực cụ thể, MTTQ đã phát hiện ra nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội, trong thực thi chính sách; để từ đó có kiến nghị cụ thể, xác đáng, giúp cơ quan nhà nước tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, kịp thời điều chỉnh, bổ sung những chính sách, quy định.

theo Khánh Chi – Báo Pháp luật Việt Nam

Tin liên quan