Xây dựng, thi hành pháp luật: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phân công rõ trách nhiệm

Cập nhật: 30/09/2021 08:39

Đó là nhấn mạnh của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội diễn ra hôm qua (29/9).

Toàn cảnh phiên họp.

Chuyển biến tích cực trong ban hành văn bản quy định chi tiết

Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Pháp luật diễn ra trong hai ngày 29-30/9 để cho ý kiến, xem xét một số nội dung quan trọng. Trong phiên làm việc ngày hôm qua, Ủy ban Pháp luật (UBPL) đã cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội năm 2021.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, tính từ ngày 1/10/2020 đến ngày 24/9/2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 102 văn bản quy định chi tiết. Đến nay, 94/102 văn bản đã được ban hành. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng và các bộ còn có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 55 văn bản quy định chi tiết 5 luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Thảo luận tại Phiên họp, các đại biểu đánh giá, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch COVID-19 nhưng về cơ bản, việc thi hành Hiến pháp, pháp luật được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cán bộ, công chức thực hiện nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả, nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết đã có những chuyển biến tích cực, góp phần đưa luật, pháp lệnh, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, công tác xây dựng pháp luật để triển khai thi hành Hiến pháp còn chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Việc tổ chức thi hành pháp lệnh, nghị quyết trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao, việc áp dụng pháp luật có lúc, có nơi còn chưa đồng bộ, thống nhất. Đáng chú ý, tình trạng nợ văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật đã nhiều lần đề cập nhưng kết quả trên thực tế chưa thực sự có chuyển biến rõ nét.

Nhiều đại biểu cũng nhận định, trong năm 2021, do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành quy định các chính sách cụ thể về miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động có khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch… Tuy nhiên, tổ chức thực hiện ở một số thời điểm, một số địa phương vẫn còn lúng túng, chưa kịp thời, chưa bảo đảm sự thống nhất, làm ảnh hưởng đến công tác lưu thông hàng hóa, hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ chú trọng hơn các giải pháp bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong công tác triển khai thi hành pháp luật. Đối với các văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc soạn thảo trình Chính phủ ban hành.

Xây dựng, thi hành pháp luật: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phân công rõ trách nhiệm ảnh 1
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp. (ảnh P.Thủy)

Với 5 Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 gồm: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Phòng, chống ma túy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy định chi tiết; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khi các Luật có hiệu lực được thực thi nghiêm túc.

Ưu tiên nguồn lực cho xây dựng, hoàn thiện pháp luật

Tiếp thu và giải trình thêm tại Phiên họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục xác định triển khai thi hành Hiến pháp là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên. Ưu tiên xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và 2022, nhất là các dự án luật để thể chế hóa các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, ban hành 63 văn bản quy định chi tiết.

Ngoài việc tiếp tục thực hiện những giải pháp đã báo cáo, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, Chính phủ, các bộ, ngành thời gian tới sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể. Các Bộ trưởng tiếp tục trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân.

Xây dựng, thi hành pháp luật: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phân công rõ trách nhiệm ảnh 2
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày báo cáo của Chính phủ. (ảnh P.Thủy)

Trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết cần tập trung nguồn lực để tổ chức soạn thảo, trình bảo đảm đúng thời hạn; áp dụng nguyên tắc một văn bản để quy định chi tiết nhiều nội dung được giao. Bên cạnh đó, tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức triển khai tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh.

Đặc biệt, tiếp tục ưu tiên, tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng luật, pháp lệnh, triển khai thực hiện Hiến pháp và ban hành văn bản quy định chi tiết; củng cố kiện toàn tổ chức pháp chế; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật. Đề cao tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, chính quyền địa phương đối với việc xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, gắn kết công tác kiểm tra, rà soát công tác xây dựng, theo dõi thi hành pháp luật để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật.

theo T.Quyên – Báo Pháp luật Việt Nam

Tin liên quan