Trên thực tế, việc cha mẹ học sinh đặt quá nhiều kỳ vọng vào con, xem trọng điểm số, trường chuyên, lớp chọn đã tạo tâm lý và áp lực nặng nề cho học sinh. Nhiều cơ sở giáo dục còn đặt nặng thành tích trong các cuộc thi. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết liệt chỉ đạo, ban hành văn bản yêu cầu cơ sở giáo dục từng bước khắc phục bệnh thành tích; giảm các cuộc thi cho giáo viên và học sinh; phát động cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”… nhưng trên thực tế, “bệnh thành tích” vẫn tồn tại, có nơi có lúc còn nặng hơn.
Thông tin về một trường THCS gợi ý để học sinh có điểm số thấp chuyển trường hoặc cam kết không thi vào lớp 10 đã làm dậy sóng dư luận. Theo các chuyên gia giáo dục, đây là việc làm gây phản cảm. Học tập và đăng ký tuyển sinh là quyền, nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh.
Thi đua, khen thưởng là cần thiết. Tuy nhiên, đừng để thi đua biến thành ganh đua. Cơ sở giáo dục cần chú ý đến hiệu quả giáo dục. Có thể thấy, phòng chống “bệnh thành tích” trong giáo dục không chỉ dừng lại ở sự hô hào mà cần có sự phối hợp và vào cuộc của toàn xã hội.
Trước hết, ngành giáo dục cần rà soát lại các quy định dẫn đến “bệnh thành tích” trong giáo dục. Cơ sở giáo dục xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn thi đua theo hướng sát thực tế. Bên cạnh đó, rà soát, giảm các cuộc thi không phù hợp; gây áp lực cho giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh; không lấy kết quả của các kỳ thi, các hoạt động giao lưu do địa phương tổ chức để đánh giá xếp loại thi đua, xét khen thưởng đối với cá nhân, đơn vị.
Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương hướng dẫn tổ chức thực hiện ở cấp cơ sở không máy móc, tạo áp lực, hình thức trong thực hiện phong trào thi đua; tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi, biểu hiện tiêu cực trong dạy học và bệnh thành tích trong giáo dục để kịp thời chấn chỉnh những lệch lạc trong việc tổ chức các phong trào thi đua; đổi mới, hoàn thiện chương trình, nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả ở tất cả các cấp học. Bên cạnh trách nhiệm của ngành giáo dục, chính cha mẹ học sinh cũng cần vào cuộc, sẵn sàng đấu tranh, lên tiếng, kiên quyết chống lại các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục; không nên tạo thêm áp lực không đáng có đối với con em mình…