Nhiều tồn tại, hạn chế
Bên cạnh mặt làm được, nhiều tồn tại, hạn chế cũng được chỉ rõ: Công tác QLBVR của các đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện Đức Trọng hiệu quả chưa cao; chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn các đối tượng vi phạm để lập hồ sơ xử lý 61 vụ vi phạm vắng chủ. Việc xử lý vi phạm chưa kịp thời, tại thời điểm thanh tra, còn 45 vụ vi phạm chưa được xử lý. Tỷ lệ thu nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính chỉ đạt 23%.
Một số đối tượng nhận giao khoán chưa đảm bảo thứ tự ưu tiên theo các nghị định của Chính phủ; việc thực hiện trình tự, thủ tục giao khoán tại các BQL rừng chưa đúng theo quy định tại Thông tư số 102/2006/TT-BNN ngày 13/11/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 135/2005/NĐ-CP; có 60,77 ha đất giao khoán thuộc đối tượng RPH là không đúng quy định tại Điều 1 Nghị định số 135/2005/NĐ-CP.
Công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện hợp đồng giao nhận khoán thiếu chặt chẽ, dẫn đến nhiều trường hợp nhận khoán không thực hiện đúng phương án và hợp đồng nhận khoán đã ký kết; một số hộ dân lợi dụng chuyển nhượng cho người khác hưởng lợi không đúng quy định.
Việc thực hiện DA đầu tư có liên quan đến công tác QLBVR của các doanh nghiệp (DN) ngoài Nhà nước được chỉ rõ: Qua kiểm tra tại 26 DA, có 04/26 DN chưa ký hợp đồng thuê đất; 08/26 DN chưa ký hợp đồng thuê rừng; 11/26 DA thực hiện chậm tiến độ, trong đó: 07 DA chậm tiến độ nhưng đã thực hiện một số hạng mục đầu tư; 04 DA chậm tiến độ nhưng chưa thực hiện các hạng mục đầu tư theo giấy chứng nhận đầu tư được cấp.
Về công tác QLBVR, quản lý, sử dụng đất, 26/26 DN không có phương án QLBVR; 07/26 DN không xây dựng phương án PCCCR hàng năm; 20/26 DA để xảy ra vi phạm về QLBVR, quản lý, sử dụng đất. Hiện trạng diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm phần lớn đang trồng cà phê, cây ăn trái, hoa màu và đất trống.
Về tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính, 05 DN chưa nộp tiền thuê đất; 03 DA đã có hợp đồng thuê đất nhưng chưa lập hồ sơ nộp tiền thuê đất; 01 DA chưa nộp tiền thuê rừng; 06 DN chưa nộp tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng.
Tăng cường tuần tra, phát hiện vi phạm trong QLBVR
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng tổ chức xử lý vi phạm hành chính về hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp; theo dõi, đôn đốc 20 DN thực hiện việc giải tỏa diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm; trường hợp các DN không tự giác chấp hành theo yêu cầu thì lập thủ tục tổ chức cưỡng chế giải tỏa theo quy định của pháp luật (DN phải chịu trách nhiệm chi trả kinh phí giải tỏa diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm).
Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát để có biện pháp xử lý hoặc đề xuất UBND huyện xử lý các vi phạm trong QLBVR, quản lý, sử dụng đất theo quy định đối với: Cộng đồng dân cư thôn Phú An, xã Phú Hội, và hộ ông Trần Văn Đỗ; các trường hợp nhận khoán (nhưng đã thanh lý hợp đồng) có vi phạm theo quy định; lập hồ sơ xử lý đối với 45 vụ vi phạm đã được các ban quản lý (BQL) rừng lập biên bản, đồng thời đề nghị các BQL rừng thực hiện trồng lại rừng trong mùa mưa năm 2020 trên diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm; xác minh, xử lý dứt điểm đối với số tiền xử phạt vi phạm hành chính nhưng các đối tượng chưa nộp; tăng cường kiểm tra công tác QLBVR, quản lý, sử dụng đất đối với các BQL rừng, các DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao, cho thuê, giao khoán rừng, đất lâm nghiệp để kịp thời xử lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm, sai phạm.
Chỉ đạo BQL Rừng phòng hộ (RPH) Đại Ninh, BQLRPH Tà Năng phối hợp với các phòng, ban chức năng, UBND cấp xã thường xuyên kiểm tra, giám sát, yêu cầu bên nhận khoán thực hiện đúng phương án được thẩm định, phê duyệt và hợp đồng giao khoán rừng, đất lâm nghiệp đã ký kết; căn cứ các biên bản kiểm tra từng trường hợp để lập hồ sơ xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định đối với các sai phạm như kết luận thanh tra đã nêu.
Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng phối hợp với sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp xử lý đối với diện tích đã giao khoán cho Chi hội Cựu Chiến binh Đà Lạt – Đơn Dương – Đức Trọng nhưng không thực hiện đúng phương án được phê duyệt, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, xây dựng nhà trái pháp luật, để mất rừng.
Yêu cầu các chủ rừng trên địa bàn huyện tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, lập đầy đủ hồ sơ đối với các vi phạm trong công tác QLBVR, đất lâm nghiệp để xử lý theo quy định; tuyên truyền, vận động và yêu cầu các hộ dân sản xuất nông nghiệp giáp ranh với diện tích đất được giao quản lý, bảo vệ ký cam kết không phá rừng, lấn chiếm đất rừng.
Tổ chức họp kiểm điểm đối với lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc có liên quan và UBND các xã, thị trấn về những tồn tại qua kiểm tra; các trường hợp sai phạm, thiếu trách nhiệm đến mức kỷ luật thì phải xử lý kỷ luật theo đúng quy định; đề ra biện pháp cụ thể nhằm khắc phục các tồn tại.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi kết luận của Thanh tra Chính phủ để tham mưu UBND tỉnh xem xét thu hồi, chấm dứt hoạt động đối với 05 DA do triển khai thực hiện DA đầu tư chậm tiến độ, để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên diện tích được giao, thuê để thực hiện DA (gồm: DA khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái của Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn – Đại Ninh; DA trồng rừng kinh tế và quản lý bảo vệ rừng của Công ty Cổ phần Đầu tư Vĩnh Tuyên Lâm; DA trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, khai thác khoáng sản của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Việt Nguyên; DA đầu tư xây dựng sân golf và khu du lịch nghỉ dưỡng của Công ty TNHH Đầu tư Hàn Việt; DA đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái, mỏ nước khoáng, nghỉ dưỡng của Công ty Cổ phần Quốc An).
Không điều chỉnh tiến độ đầu tư các DA có vi phạm mà chủ đầu tư chưa khắc phục.
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát việc thực hiện các DA do Công ty Cổ phần Du lịch sinh thái Phương Nam làm chủ đầu tư trên địa bàn huyện Đức Trọng; tình hình quản lý, sử dụng diện tích rừng, đất lâm nghiệp được Nhà nước giao khoán/cho thuê trước đây; báo cáo UBND tỉnh hướng xử lý phù hợp, đúng quy định.
Giám đốc Sở NN&PTNT nghiên cứu các quy định hiện hành và tình hình thực tế để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh về cơ chế trồng rừng thay thế, trồng rừng sau giải tỏa phù hợp, tạo điều kiện để các chủ rừng hoàn thành kế hoạch trồng và chăm sóc rừng trồng hàng năm.
Đôn đốc, hướng dẫn các DN có DA trên địa bàn xây dựng phương án QLBVR, ký hợp đồng thuê rừng và thu nộp tiền thuê rừng theo quy định; xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND tỉnh xử lý đối với các trường hợp vi phạm (không ký hợp đồng thuê rừng, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính thuê rừng).
Chủ trì, phối hợp với UBND huyện Đức Trọng xác định khối lượng, trữ lượng lâm sản bị thiệt hại tại DA của 16 DN để mất rừng nhưng chưa xác định số tiền tài nguyên rừng phải bồi thường, gửi Sở Tài chính tính toán, xác định giá trị thiệt hại tài nguyên rừng và yêu cầu các DN bồi thường theo quy định.
Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với lãnh đạo và công chức thuộc Chi cục Kiểm lâm (qua các thời kỳ) đối với những tồn tại, sai phạm như kết luận thanh tra đã nêu trên. Trường hợp sai phạm, thiếu trách nhiệm đến mức kỷ luật thì phải xử lý kỷ luật; đề ra biện pháp cụ thể nhằm khắc phục các tồn tại.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát các thủ tục thuê đất lâm nghiệp đối với các DN (trong đó có Công ty Cổ phần Du lịch sinh thái Phương Nam) và các hộ dân để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng ký và thực hiện hợp đồng thuê đất theo đúng quy định pháp luật.
Đôn đốc, hướng dẫn các DN có DA trên địa bàn huyện Đức Trọng nói riêng và địa bàn tỉnh nói chung (chưa ký hợp đồng thuê đất) khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục ký hợp đồng thuê đất, nộp tiền thuê đất theo quy định; xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND tỉnh xử lý đối với các trường hợp vi phạm, cố tình không thực hiện.
Giám đốc Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh hướng xử lý về tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật, đảm bảo tính khả thi, phù hợp tình hình thực tế địa phương, đồng thời giảm bớt khó khăn cho DN; khẩn trương đôn đốc các DN nộp tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng theo quy định.
Chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT tính toán, xác định giá trị tài nguyên rừng bị thiệt hại và yêu cầu 16 DN bồi thường giá trị tài nguyên rừng bị mất theo quy định của pháp luật.
Cục trưởng Cục Thuế tỉnh kiểm tra, lập hồ sơ quản lý và truy thu tiền thuê đất của 03 DN (Công ty TNHH Huỳnh Vũ, Công ty TNHH Kim Tài Phát, Công ty TNHH Phương Vinh) tại huyện Đức Trọng đã có hợp đồng thuê đất nhưng chưa lập hồ sơ nộp tiền thuê đất theo quy định.
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ quản lý thu tiền thuê đất đối với 04 DN chưa ký hợp đồng thuê đất tại huyện Đức Trọng.
Yêu cầu 05 DN là chủ đầu tư DA tại huyện Đức Trọng nộp đủ số tiền thuê đất vào ngân sách Nhà nước; xử lý việc chậm nộp của các DN theo quy định.
Các tổ chức, DN ngoài Nhà nước tiến hành giải tỏa và đưa đất vào quản lý, trồng rừng theo đúng mục đích đầu tư DA đối với diện tích đất bị lấn chiếm. Chấp hành nghiêm việc nộp số tiền bồi thường tài nguyên rừng, tiền thuê đất còn phải nộp theo yêu cầu của các cơ quan chức năng. Thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất, QLBVR trên diện tích DA theo đúng quy định của pháp luật; thực hiện đúng tiến độ đầu tư DA và chấp hành quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xử lý các tồn tại, sai phạm qua thanh tra.
Box: Sở Nội vụ được giao tham mưu UBND tỉnh tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, tập thể, cá nhân liên quan (lãnh đạo: Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Đức Trọng) qua các thời kỳ, do thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm/sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích phức tạp, kéo dài tại các đơn vị chủ rừng, DA đầu tư; sai phạm trong giao khoán rừng và đất lâm nghiệp theo Nghị định số 01-CP, Nghị định số 135/2005/NĐ-CP trên địa bàn huyện Đức Trọng
theo Bảo Thạch – thanhtra.com.vn