Xung quanh vụ kiện liên quan dự án Hòa Lân (Bình Dương): Đạo lý và Pháp lý của vụ án

Cập nhật: 25/07/2020 06:03

Tòa có thể tiếp tục xét xử vụ kiện nhân danh pháp nhân khi 2 thành viên đại diện có ý kiến trái ngược nhau về rút đơn khởi kiện? Đây là tình tiết khá hy hữu của vụ án do Cty Thiên Phú khởi kiện, liên quan đến dự án Hòa Lân, được Tòa xử rồi hoãn nhiều lần, khiến Cty Kim Oanh trúng đấu giá nhưng không thể triển khai dự án gần 2 năm nay…

Ai đại diện cho Cty Thiên Phú?

Sau khi TAND Quận 7 TP. HCM (Tòa Q7) lại thông báo hoãn phiên xét xử vào ngày 14/7 vì luật sư phía Thiên Phú có đơn đề nghị, ngày 13/7, Cty Kim Oanh có Đơn đề nghị đình chỉ vụ án. Lý do là ngày 18/5, ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc Thiên Phú có Đơn xin rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện.

Thời điểm đề nghị rút Đơn khởi kiện, ông Sơn đã bị bắt tạm giam. Trước khi bị bắt 4 ngày, ông Sơn đã chuyển nhượng 99% vốn điều lệ tại Thiên Phú cho bà Phạm Thị Hường. Ông Trương Thành Phú cũng chuyển nhượng 1% vốn điều lệ còn lại cho bà Nguyễn Ngọc Kim Châu (con dâu bà Hường). Hai mẹ con bà Hường có 4 Cty đang bị Bộ Công an điều tra vì có dấu hiệu phân lô, bán nền trái phép tại 17 dự án ở Bình Dương.

Tại Biên bản lấy lời khai ngày 25/6, do Thẩm phán Lê Thi Phơ tiến hành, ông Sơn khai nhận: “Tại thời điểm Thiên Phú khởi kiện, có 2 thành viên góp vốn, tôi là Giám đốc (99% vốn điều lệ) và ông Đặng Bình Anh Trọng (kế toán Cty, 1% vốn điều lệ – sau này ông Trọng có đơn tố cáo ông Tuấn dùng giang hồ ép chuyển nhượng cho ông Phú). Sau khi khởi kiện tại Tòa Q7, Thiên Phú mới bổ nhiệm ông Tuấn làm PGĐ… Sau đó Cty thay đổi đại diện ủy quền cho bà Hà Thị Hồng Quyên để đại diện Cty tham gia tố tụng tại Tòa thay ông Tuấn”. Cũng tại Biên bản, Điều tra viên Nguyễn Chí Thành (người chứng kiến) có ý kiến: “Căn cứ kết quả hỏi cung bị can, Bùi Thế Sơn xác định việc chuyển nhượng vốn góp cho bà Phạm Thị Hường chỉ ký thủ tục trước, chứ chưa thực hiện việc chuyển nhượng theo pháp luật”.

Trước đó, CQĐT Bộ Công an có văn bản gửi Sở KH&ĐT Bình Dương yêu cầu chưa đăng ký biến động nhân sự cho Cty Thiên Phú nên bà Hường và bà Châu chưa được công nhận là người đại diện và là thành viên của Thiên Phú.

Về yêu cầu rút đơn khởi kiện của ông Sơn, bà Hường, bà Châu, bà Quyên, ông Phú đều trình bày với Tòa Q7 rằng: Do ông Sơn bị bắt tạm giam nên không còn là đại diện của Thiên Phú và ông Phú mới là người đại diện theo pháp luật của Cty Thiên Phú.

Căn cứ nhận định của các cá nhân trên là Khoản 6, Điều 13, Luật Doanh nghiệp 2014: “Đối với Cty TNHH có hai thành viên, nếu có thành viên là người đại diện theo pháp luật của Cty bị tạm giam (…) thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của Cty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của Cty.”

Trái lại, Kim Oanh cho rằng, ông Sơn vẫn là người đại diện theo pháp luật của Thiên Phú vì ngay chính điều luật kể trên cũng không hề có nội dung nào tước quyền đại diện theo pháp luật của Cty đối với người bị tạm giam.

Đồng thời, cũng theo Luật Doanh nghiệp, tại Khoản 2, Điều 13 lại quy định: “Cty TNHH và Cty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật.”. Như vậy, việc ông Phú trở thành người đại diện của Thiên Phú không đồng nghĩa với việc ông Sơn bị tước mất quyền đại diện theo pháp luật của Cty.

Quy định tại Khoản 6, Điều 13, Luật Doanh nghiệp 2014 là nhằm duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Bởi khi người đại diện Cty bị tạm giam sẽ bị hạn chế về quyền đi lại cũng như tự do thực hiện các giao dịch nhân danh Cty, do đó, cần quy định thành viên góp vốn còn lại thay thế tạm thời để bảo đảm hoạt động của Cty “cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của Cty”.

Luật Doanh nghiệp không tước bỏ quyền đại diện doanh nghiệp của người bị tạm giam bởi theo Hiến pháp năm 2013, về “Quyền con người”, tại Khoản 1, Điều 31 qui định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Pháp luật hình sự, kể cả Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 đều qui định theo tinh thần của Hiến pháp: Người bị tạm giam chưa bị coi là có tội.

Chính vì thế, Luật Doanh nghiệp dù qui định người đại diện thay thế để điều hành Cty, nhưng không quy định tước quyền đại diện Cty của người bị tạm giam.

Kim Oanh không phủ nhận tư cách đại diện của ông Phú, nhưng khẳng định ông Sơn vẫn là đại diện theo pháp luật của Cty Thiên Phú là có căn cứ.

Ông Sơn có quyền rút đơn khởi kiện nhân danh Thiên Phú?

Khoản 3, Điều 19, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định: “Người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế quyền đi lại, giao dịch, tiếp xúc, thông tin, liên lạc, tuyên truyền tín ngưỡng, tôn giáo. Trường hợp cần thiết thực hiện giao dịch dân sự thì phải thông qua người đại diện hợp pháp và được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án.”

Qui định trên cho thấy, ông Sơn có quyền thực hiện giao dịch dân sự, kể cả việc rút đơn khởi kiện khi thấy cần thiết.

Thực tế, theo Phiếu chuyển đơn của Trại giam T17 – Văn phòng CQĐT Bộ Công an đính kèm công văn gửi Tòa Q7, ông Bùi Thế Sơn – đại diện pháp luật của Cty Thiên Phú có yêu cầu rút toàn bộ đơn khởi kiện ra Tòa Q7 mà ông đã ký trước đây, đồng thời hủy toàn bộ ủy quyền đối với ông Tuấn.

Theo Biên bản lấy lời khai tại Trại Tạm giam, Thẩm phán Phơ hỏi: “Việc rút đơn của ông là tự nguyện hay không? Đến thời điểm này, ông có giữ nguyên quan điểm rút đơn khởi kiện hay không?”. Ông Sơn đáp: “Tôi giữ nguyên yêu cầu rút đơn và đó là quyết định hoàn toàn tự nguyện”.

Như vậy, chuyện hy hữu đã xảy ra, có 2 người đại diện theo pháp luật của một pháp nhân trong một vụ kiện nhưng lại thể hiện 2 ý chí trái ngược nhau. Ông Sơn đòi rút đơn khởi kiện, còn ông Phú thì không. Tòa Q7 sẽ quyết định như thế nào?

Cơ sở pháp lý và đạo lý của vụ kiện?

Như Báo TNVN đã phản ánh, đây là vụ án rất đáng chú ý bởi những tình tiết mới, bất ngờ, đáng ngờ, thậm chí hy hữu liên tiếp xuất hiện trong quá trình Tòa thụ lý giải quyết.

Nguồn cơn của sự việc là Thiên Phú sa vào nợ xấu hơn 1.117 tỷ đồng, tự nguyện dùng dự án Hòa Lân làm tài sản bán đấu giá để xử lý nợ xấu. Thời điểm bán, không ai mua, phải đến phiên thứ 13 mới có Kim Oanh mua và trúng đấu giá với giá 1.353 tỷ đồng, cao hơn 390 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Nhưng thay vì giúp Kim Oanh triển khai dự án, Thiên Phú lại liên tục gây khó khăn. “Tiết lộ” chuyện này, ông Sơn, Giám đốc Thiên Phú cho biết có một thế lực ngầm đang “cầm cán cuộc chơi”, Kim Oanh muốn yên ổn làm ăn thì phải gặp người “cầm cán” là người đã bí mật mua Thiên Phú để nói chuyện “chia đều miếng bánh Hòa Lân”. Kim Oanh không chịu, liền gặp rất nhiều sức ép, phải làm đơn kêu cứu khắp nơi. Còn Thiên Phú, sau khi làm đơn gửi Thanh tra Bộ Tư pháp đòi hủy kết quả đấu giá không thành, thay vì phản đối kết luận Thanh tra, đã ngoắt sang khởi kiện ra Tòa Q7 cũng nội dung đòi hủy kết quả đấu giá. Thực tế, gần 2 năm qua Kim Oanh không thể yên ổn, phải cay đắng “chôn” số vốn 1.600 tỷ vào dự án, cùng hành trình theo hầu vụ kiện hết xử rồi hoãn, đến nay vẫn chưa xong.

“Cái kim trong bọc” là cả dàn 3 lãnh đạo Thiên Phú, trong đó có ông Sơn, bị bắt vì tội lừa đảo Kim Oanh để chiếm đoạt 30 tỷ đồng khi chuyển giao dự án Hòa Lân. Lộ rõ đạo đức xấu xa của nguyên đơn khởi kiện.

Cùng với đó là hàng loạt thương vụ khuất tất mua bán vốn tại Thiên Phú nhằm “đổi chủ”, chỉ để lấy tư cách kiện tụng, kéo dài vụ án. Đầu tiên là ông Trọng, có Đơn tố cáo ông Tuấn dùng giang hồ ép chuyển nhượng 1% vốn điều lệ cho ông Phú. Dù thế, ông Trọng vẫn phải chuyển nhượng. Tiếp đó, ông Sơn phải bổ nhiệm ông Tuấn làm PGĐ và ủy quyền đại diện để ông này tham gia vụ kiện. Cuối cùng, đúng như những gì ông Sơn đã “tiết lộ”, trước khi bị bắt 4 ngày, ông Sơn và ông Phú phải “ký thủ tục trước” về việc chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Thiên Phú cho mẹ con bà Hường với giá 90 tỷ đồng, khiến nhiều người kinh ngạc.

Trong khi đó, Tòa Q7 xử rồi hoãn, liên tục tiếp nhận các yêu cầu thay đổi người đại diện từ ông Tuấn, bà Quyên đến ông Phú; thêm người có quyền nghĩa vụ liên quan và thêm yêu cầu độc lập cho vụ kiện là bà Hường, bà Châu…

Diễn biến quá trình trên, cùng với việc khởi tố vụ án và mở rộng điều tra của Bộ Công an liên quan đến Thiên Phú, đến bà Hường, cho thấy Tòa Q7 phải có phán quyết công bằng, đúng pháp luật, không để bất kỳ cá nhân nào dùng pháp luật để thực hiện ý đồ trái đạo lý.

Nền tảng của pháp lý là đạo lý. Pháp lý trong vụ án này là phải bảo vệ đạo lý, trong đó có đạo đức kinh doanh, môi trường đầu tư lành mạnh, giải quyết nợ xấu, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp có đóng góp hiệu quả cho nhà nước và xã hội. Đồng thời, không thể căn cứ vào yệu cầu của người chỉ chiếm 1% vốn điều lệ để coi đó là yêu cầu của Cty để xét xử, để bác bỏ yêu cầu của người chiếm tới 99% vốn điều lệ của Cty../.

 Ngày 3/7/2020, VPCP có văn bản số 5386 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc Tập đoàn Kim Oanh có đơn gửi Thủ ướng phản ánh, kiến nghị liên quan đến việc thực hiện một số dự án của Kim Oanh tại Bình Dương. Chính phủ chuyển những phản ánh, kiến nghị của Kim Oanh đến UBND tỉnh Bình Dương kiểm tra, xem xét, giải quyết, trả lời doanh nghiệp, yêu cầu báo cáo kết quả lên Thủ tướng trước ngày 30/8/2020.

theo LÊ Hải (VOV)

http://baotnvn.vn/tin-tuc/Phap-luat/8300/Xung-quanh-vu-kien-lien-quan-du-an-Hoa-Lan-Binh-Duong-Dao-ly-va-Phap-ly-cua-vu-an

Tin liên quan