07 luật, 09 nghị quyết đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Cập nhật: 29/11/2023 14:06

Tại Kỳ họp thứ 6, sáng 29/11/2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường Trình đã bày dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Dự thảo nghị quyết nêu rõ, Quốc hội quyết nghị thông qua 07 luật:

– Luật Căn cước;

– Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi);

– Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;

– Luật Nhà ở (sửa đổi);

– Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự;

– Luật Tài nguyên nước (sửa đổi);

– Luật Viễn thông (sửa đổi).

Thông qua 09 nghị quyết:

– Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;

– Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024;

– Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024;

– Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024;

– Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ;

– Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu;

– Nghị quyết về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”;

– Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn;

– Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức quán triệt, triển khai các luật, nghị quyết nêu trên.

Bên cạnh đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án. Trong đó, tăng cường biện pháp phòng ngừa, đấu tranh triệt phá các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người, tội phạm công nghệ cao, tội phạm xâm hại, bạo hành trẻ em, quan tâm đúng mức việc giải quyết kịp thời các kiến nghị của Nhân dân về việc xem xét, quyết định các bản án mà Nhân dân quan tâm.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Khẩn trương giải quyết các vụ việc, vụ án tạm đình chỉ, trong đó tập trung xử lý những vụ đã hết hoặc gần hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, các trường hợp còn tồn đọng do lỗi chủ quan, không để xảy ra việc tạm đình chỉ không đúng pháp luật; đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong tố tụng hình sự bảo đảm thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Tòa án nhân dân Tối cao tiếp tục có giải pháp để nâng cao chất lượng giải quyết án hành chính; tăng cường công tác hòa giải các vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; đẩy mạnh giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao triển khai các giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới không để xảy ra trường hợp bị oan sai trong tố tụng hình sự; nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; tăng cường kiểm sát và kiến nghị xử lý các trường hợp chậm thi hành án hành chính; đẩy mạnh giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền.

Đồng ý chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành. Đồng thời, rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Dự thảo Nghị quyết giao Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết số 97/2019/QH14, số 119/2020/QH14, số 131/2020/QH14 và số 160/2021/QH14 của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Đồng ý cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024; bổ sung 966,749 tỷ đồng từ dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 cho Dự án.

Chính phủ chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin, số liệu báo cáo Quốc hội; chỉ đạo Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phối hợp, thực hiện và hoàn thành Dự án theo đúng tiến độ và quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan.

Bổ sung nội dung đầu tư các dự án xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mua sắm đầu tư trang thiết bị các bệnh viện tại Báo cáo số 581/BC-CP ngày 20/10/2023 của Chính phủ vào điểm a, mục 1.2, khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 và cho phép chuyển nguồn 2.920,7 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 bố trí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo quy định tại điểm a, mục 1.3, khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 còn dư sang năm 2024 cho các Bộ, cơ quan trung ương để triển khai thực hiện các dự án thuộc nội dung đầu tư nêu trên.

Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc phân bổ vốn cho các Bộ, cơ quan trung ương để thực hiện các dự án thuộc nội dung đầu tư nêu trên khi đủ điều kiện, thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội và quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp cấp bách, trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024.

Đồng ý bổ sung 1.275 tỉ đồng chi đầu tư cho tỉnh Nghệ An từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 để giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng (bao gồm cả phần chậm trả) của các dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Nghệ An thuộc nhiệm vụ ngân sách trung ương phát sinh sau khi các dự án này đã quyết toán. Chính phủ chịu trách nhiệm về nội dung đề xuất, tính chính xác của thông tin, số liệu, căn cứ pháp lý khi triển khai thực hiện, chỉ thanh toán những nghĩa vụ thuộc trách nhiệm của Nhà nước, bảo đảm không phát sinh khiếu kiện.

Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a, mục 1.1, khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024.

Giao Chính phủ tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách nhà nước năm 2024 theo Nghị quyết của Quốc hội, báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Sau khi nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 96,56%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

theo DUY ANH (t/h) – Tạp chí luật sư VN

https://lsvn.vn/07-luat-09-nghi-quyet-da-duo-c-thong-qua-ta-i-ky-hop-thu-6-quoc-hoi-khoa-xv-1701226829.html

Tin liên quan

Nghiên cứu đa dạng hoá chính sách ưu đãi thuế - Cập nhật: 22/11/2024 14:13
Công an TP Hồ Chí Minh: Mục tiêu không để tội phạm xảy ra tại bất kỳ cây ATM, ngân hàng nào - Cập nhật: 22/11/2024 08:23
Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Tập trung cho công tác lập pháp - Cập nhật: 20/11/2024 09:01
Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 với nhiều nội dung quan trọng - Cập nhật: 20/11/2024 08:54
Hạnh phúc, ấm no của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu - Cập nhật: 19/11/2024 10:12
Quyền đưa ra yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - Cập nhật: 19/11/2024 08:38
Chung khảo Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp cải cách hành chính TP Hà Nội năm 2024” Thể hiện rõ tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức - Cập nhật: 18/11/2024 08:55
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 3: Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật​ - Cập nhật: 18/11/2024 08:36
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 1: Nhận diện vấn đề - Cập nhật: 15/11/2024 10:07
Nhận diện thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc để kích động “ly khai”, “tự trị” - Cập nhật: 15/11/2024 10:00