5 nội dung cơ bản cần lưu ý về kiểm định chất lượng đầu vào công chức

Cập nhật: 25/12/2023 10:23

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết ngành Nội vụ năm 2023, đại diện Vụ Công chức – Viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết, thể chế hóa chủ trương của Đảng, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Đây là hoạt động đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với ứng viên trước khi tham gia tuyển dụng công chức tại cơ quan có thẩm quyền – là một bước trong quy trình tuyển dụng.

Ảnh minh họa.

Việc thực hiện thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức sẽ bảo đảm mặt bằng chất lượng chung, tạo ra nguồn ứng viên thực sự có chất lượng để các cơ quan, đơn vị thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình tuyển dụng; đồng thời khắc phục sự phân tán trong tuyển dụng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh và cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức; góp phần khoa học hóa, minh bạch hóa quy trình tuyển dụng công chức đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách công chức, công vụ hiện nay.

Theo đại diện Vụ Công chức – Viên chức có 5 nội dung cơ bản về kiểm định chất lượng đầu vào công chức của Nghị định số 06 của Chính phủ, tập trung vào các điểm mới sau:

Một là, việc thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức tập trung trên phạm vi toàn quốc nhằm khắc phục sự phân tán trước đây, đồng thời sẽ bảo đảm mặt bằng chất lượng chung, rút ngắn trình tự, thủ tục cho các cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng và tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước.

Theo đó, việc tổ chức kiểm định sẽ được được tiến hành thường xuyên, thực hiện định kỳ 2 lần/năm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có nhu cầu tuyển dụng công chức, bảo đảm quyền lợi của ứng viên và sự chủ động của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức; giảm chi phí so với việc tổ chức tuyển dụng công chức do các bộ, ngành, địa phương phải tự tổ chức.

Tổ chức tập trung nên sẽ rút ngắn thời gian tuyển dụng công chức. Thực tế tuyển dụng công chức ở nhiều bộ, ngành và địa phương cho thấy, từ khi được phân bổ chỉ tiêu biên chế đến tổ chức thi đủ 2 vòng và có kết quả phải mất khoảng thời gian từ 4 – 6 tháng. Kết quả kiểm định có giá trị 24 tháng tương tự như thời hạn của một số chứng chỉ quốc gia, quốc tế và được thống nhất sử dụng trong toàn quốc.

Hai là, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm định vừa đảm bảo công khai, minh bạch; vừa giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Từ việc bảo đảm tính công khai, minh bạch và công bằng, đã tạo khả năng thu hút được những người có tài năng vào nền công vụ, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức của từng bộ, ngành, địa phương và của cả nước.

Ba là, tạo nguồn tuyển dụng rộng rãi và linh hoạt từ những ứng viên đạt kết quả kiểm định trong phạm vi toàn quốc, thay vì giới hạn bó hẹp trong 1 kỳ tuyển dụng của từng cơ quan tổ chức như trước đây, từ đó cơ quan tuyển dụng công chức có điều kiện lựa chọn những ứng viên có năng lực tham gia kỳ thi tuyển chuyên môn để trở thành công chức phù hợp với vị trí việc làm và khung năng lực của vị trí cần tuyển. Đồng thời, tạo cơ hội cho ứng viên có quyền lựa chọn, đăng ký tham gia dự tuyển ở bất cứ bộ ngành, địa phương nào và thuận lợi trong việc hướng nghiệp, chọn lựa việc làm.

Bốn là, điểm nổi bật nhất của việc kiểm định là nâng cao chất lượng và đổi mới về nội dung câu hỏi, theo hướng tập trung đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn của thí sinh, bổ sung kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử. Các hiểu biết chung, cơ bản của thí sinh về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội; quản lý hành chính nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức; đạo đức công vụ được kế thừa từ những nội dung còn phù hợp trước đây và xây dựng nội dung mới đảm bảo phù hợp hơn với thực tiễn.

Năm là, Nghị định số 06/2023/NĐ-CP quy định rõ, từ ngày 01/8/2024, người tuyển dụng vào công chức chỉ được tuyển dụng khi đã đạt kết quả kiểm định. Tính đến hết ngày 31/7/2024, công chức vẫn được tuyển dụng thông qua việc tổ chức thi tuyển vòng 01 như Nghị định số 138/2020/NĐ-CP với 03 môn thi kiến thức chung, ngoại ngữ và tin học.

Theo Bộ Nội vụ, thực hiện Nghị định 06 của Chính phủ về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, Bộ đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể tiến hành kỳ thi kiểm định chất lượng đầu vào công chức vào tháng 7 và tháng 11 năm 2024, bảo đảm chất lượng đầu vào với mặt bằng chung.

theo DUY ANH – Tạp chí luật sư VN

https://lsvn.vn/5-noi-dung-co-ban-ca-n-luu-y-ve-kiem-dinh-chat-luong-dau-vao-cong-chuc-1703459737.html

Tin liên quan

Tuần cuối Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV (ngày 25-30/11): Quốc hội xem xét công tác nhân sự, thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng - Cập nhật: 25/11/2024 14:27
Bế mạc Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bảo đảm chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội - Cập nhật: 20/11/2024 08:57
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 4: Dấu ấn ngành Tư pháp - Cập nhật: 19/11/2024 08:47
Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam - Cập nhật: 18/11/2024 08:41
Đột phá từ Trung ương - Cập nhật: 15/11/2024 09:58
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 13/11/2024 10:16
Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành, quán triệt, thực hiện Nghị quyết của Đảng - Cập nhật: 12/11/2024 12:51
Lắng nghe, thấu hiểu và quyết liệt tháo gỡ - Cập nhật: 11/11/2024 10:08
Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Trọng tâm là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 11/11/2024 09:04
90 tác phẩm được trao Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” - Cập nhật: 10/11/2024 11:24