Một số lưu ý đối với bài viết pháp lý

Cập nhật: 25/11/2024 10:34

Kỹ năng viết pháp lý là khả năng trình bày bằng hình thức văn bản nhằm thể hiện nội dung pháp lý nhất định, qua đó giải quyết vấn đề, xử lý vụ việc hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Cũng như nhiều ngành khác, đối với nghề luật nói chung, kỹ năng viết đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động hành nghề. Có thể nói, kĩ năng viết có vai trò căn bản trong việc xây dựng hình ảnh người hành nghề luật trong đời sống xã hội, khẳng định năng lực chuyên môn, kinh nghiệm và hiệu quả công việc của họ. Qua từng văn bản, người hành nghề luật đặc biệt là Luật sư, Thẩm phán, Kiểm sát viên để lại tên tuổi, tâm huyết và dấu ấn của nghề trong cuộc đời mình.

Các dạng bài viết pháp lý điển hình là bản cáo trạng, thư tư vấn của luật sư, bài trình bày của luật sư, bản luận cứ, bài viết nghiên cứu pháp luật, công văn gửi cơ quan Nhà nước; bên thứ ba trình bày vấn đề yêu cầu pháp lý. Đối tượng độc giải của bài viết pháp lý rất đa dạng với trình độ văn hóa và hiểu biết pháp luật rất khác nhau như khách hàng, Thẩm phán, Luật sư…

Về cơ bản, bài viết pháp lý phải tuân theo các yêu cầu đối với kỹ thuật soạn thảo văn bản thông thường. Tuy nhiên, do những yêu cầu đặc biệt với bài viết pháp lý, lĩ thuật soạn thảo có một số nguyên tắc/ yêu cầu chặt chẽ hơn. Đó là:

Thứ nhất, bài viết pháp lý phải khách quan và có căn cứ

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bài viết pháp lý là bài viết nhằm giải quyết một vụ việc/ vấn đề pháp lý cho một đối tượng xác định. Chính vì vậy, để đảm bảo tính thuyết phục của bài viết, người viết phải thể hiện nội dung vụ việc, các đánh giá, lập luận, không bị tác động bởi tình cảm, nhận định chủ quan của bản thân. Bài viết thể hiện tính khách quan sẽ giúp độc giả có niềm tin vào những lập luận, phân tích và phương án giải quyết vấn đề mà bài viết đề cập. trong mọi trường hợp, bài viết pháp lý cần trình bày đúng sự thật, tránh việc thiên vị, phân tích, đánh giá một chiều, cảm tính. Đồng thời, bài viết phải tuân theo nguyên tắc có căn cứ pháp luật chính xác, các lập luận cần dựa trên quy định của pháp luật, cần vận dụng đúng pháp luật, tránh thể hiện ý chí một cách chủ quan, thiếu căn cứ. Tính khách quan và có căn cứ pháp luật sẽ làm cho bài viết pháp lý có sức thuyết phục cao, đạt hiệu quả tốt trong giao tiếp nghề nghiệp, đáp ứng kỳ vọng thực tế của người đọc, Để bài viết có tính khách quan và có căn cứ cần lưu ý những điểm sau:

– Luôn luôn có tinh thần tôn trọng sự thật khách quan;

– Thông tin, số liệu, dữ liệu sử dụng trong bài viết phải được kiểm chứng, đảm bảo sự chân thực, tính chính xác;

– Tránh những tư tưởng thiên vị, những đánh giá, quy kết một chiều;

– Tránh những lập luận cảm tính, dựa trên ý chí chủ quan;

– Luôn phân tích, lập luận, đánh giá trên cơ sở căn cứ pháp luật.

Thứ hai, bài viết pháp lý phải đầy đủ, toàn diện nhưng ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc

Chúng ta không thể đánh đồng việc lập luận chặt chẽ, phân tích đầy đủ, chi tiết hoặc xây dựng căn cứ vững chắc với việc “viết dài”, ôm đồm quá nhiều tiểu tiết, viết lan man, lặp đi lặp lại những nội dung tương tự nhau. Vấn đề mấu chốt là người viết phải biết mình muốn truyền tải điều gì và luôn bám sát tiêu chí này trong quá trình viết. Sự dài dòng, thiếu súc tích khiến cho bài viết thiếu minh bạch, rõ ràng, dễ khiến độc giả hiểu không đúng, không chính xác. Vì vậy, việc cần viết ngắn, xúc tích, cô đọng, đủ ý là một kỹ năng quan trọng và cần được rèn luyện.

Để đáp ứng được yêu cầu này, người viết cần lưu ý:

– Khi xây dựng ý tưởng, cần tách ý để nhấn mạnh ý tưởng và đảm bảo sự ngắn gọn;

– Viết câu ngắn, không gộp nhiều ý vào một ý, dùng các dấu câu để giảm tốc độ đọc của độc giả;

– Dùng các từ nối để liên kết các lập luận;

– Luôn lưu ý khắc phục bệnh ôm đồm, bệnh “sợ thiếu” mà hầu như ai cũng mắc ít hoặc nhiều.

Thứ ba, bài viết pháp lý phải giản dị, dễ hiểu và giàu sức thuyết phục

Mọi bài viết pháp lý phải luôn hướng tới đối tượng độc giả nhất định, vì lẽ đó, tính giản dị, dễ hiểu giúp cho độc giả hiểu được, nhớ được, làm được, Con người thường suy nghĩ bằng hình ảnh và ngôn ngữ trong đầu mình. Ngôn ngữ trừu tượng trong đầu sẽ làm suy nghĩ của ta mơ hồ. Trong tư duy, giản dị thường đồng nghĩa với cụ thể. Bởi vậy, viết đúng với trình độ của độc giả, viết rõ ràng, ngắn gọn, ngôn từ phải trong sáng và mạch lạc, tránh để độc giả hiểu đa nghĩa, hiểu sai ý tưởng.

Cách sử dụng thuật ngữ chuyên môn trong các văn bản là cần thiết , tuy nhiên trường hợp phải sử dụng thuật ngữ chuyên môn quá chuyên biệt mà đối tượng người đọc khó hiểu thì phương án tốt hơn là hãy dùng một từ phổ thông có nghĩa tương đương hoặc định nghĩa, giải thích thuật ngữ đó.

Trong mối liên hệ giữa suy tư sâu sắc và cách viết giản dị, chỉ khi người viết hiểu được vấn đề một cách rất sâu sắc thì mới đủ khả năng để trình bày vấn đề đó một cách dễ hiểu nhất.

Để viết bài viết pháp lý phải giản dị, dễ hiểu và giàu sức thuyết phục cần một số lưu ý sau :

– Diễn tả ý tưởng rõ ràng, đi thẳng vào chủ đề, nội dung cần viết;

– Tránh sự khác biệt hoặc mâu thuẫn trong các quan điểm, lập luận; không dùng những từ ngữ và cách viết có thể gây ra hiểu lầm;

– Viết đúng ngữ pháp, chính tả; sử dụng từ chính xác, ưu tiên dùng từ thuần Việt, nếu dùng từ nước ngoài phải có giải thích nghĩa của từ;

– Sử dụng đúng thuật ngữ nhưng không lạm dụng thuật ngữ pháp lý; Tránh sử dụng những từ quá phức tạp và trừu tượng.

Tiếp theo, bài viết pháp lý phải đảm bảo chất lượng chuyên mônKhi viết, người viết cần phải cẩn trọng từ nội dung đến hình thức của bài viết, nếu dễ dãi trong việc viết chính là lucs uy tín của người viết có nguy cơ bị xói mòn. Một bài viết cẩn trọng và thể hiện sự kiên trì là bài viết có chiều sâu chuyên môn, thể hiện sự đầu tưu tìm tòi để giải quyết vấn đề một cách toàn diện, các quan điểm của người viết thể hiện đúng mực, nghiêm túc và có căn cứ không có sự luộm thuộm, cẩu thả trong nội dung, hình thức, văn phong và ngôn từ.

Trong quá trình viết, để bài viết đảm bảo chất lượng chuyên môn, người viết cần lưu ý :

– Luôn suy nghĩ từng nội dung một cách thấu đáo, lật đi lật lại vấn đề;

– Đánh giá vấn đề một cách toàn diện, tránh cách nhìn phiến diện, võ đoán;

– Chỉ chấp nhận đưa vào bài viết một quan điểm, lập luận nếu có căn cứ và xác thực;

– Sắp đặt tỉ mỉ cho từng ý tưởng, từng câu viết;

– Luôn tìm tòi, học hỏi những cách nhìn nhận khác biệt đối với vấn đề đang được giải quyết để tìm ra những ý hay, xác đáng, và sẵn sàng thay đổi quan điểm của mình để lựa chọn quan điểm khác phù hợp hơn;

– Không tự hài lòng với những gì mình đã viết ra, luôn tìm kiếm cơ hội chỉnh sửa, không ngại xóa đi để viết lại những nội dung mà mình chưa thực sự hài lòng về chất lượng;

– Rà soát kỹ càng kết cấu bài viết, văn phong, câu chữ, từ ngữ của bài viết.

Hơn nữa, bài viết pháp lý phải đảm bảo tính trang trọng, lịch sự, văn phạm khi viết phải thể hiện sự nghiêm túc, ngôn ngữ trong văn bản viết thể hiện sự tôn trọng độc giả, phản ánh trình độ giao tiếp, văn hóa, văn minh trong hành nghề. Đồng thời, người viết cũng cần lưu ý một số yêu cầu sau để đảm bảo tính trang trọng của bài viết pháp lý :

– Sử dụng các cách diễn đạt và từ ngữ thể hiện cảm nghĩ, quan điểm của mình một cách nhã nhặn, lịch thiệp;

– Hết sức tránh việc thể hiện trực tiếp tình cảm, thái độ cá nhân của mình trong bài viết;

– Xưng danh phải khiêm tốn, sử dụng các đại từ nhân xưng trong bài viết một cách hợp lí;

– Câu chữ sử dụng trong bài viết cần phù hợp với ngữ cảnh, phù hợp với thuần phong mỹ tục và văn hóa Việt Nam nhưng không được dùng từ dân dã, xô bồ;

– Những ý kiến đánh giá, kiến nghị trực tiếp cần đúng mực, tránh sự thổi phồng, nói quá hoặc sự gay gắt, quyết liệt thái quá.

Cuối cùng, bài viết pháp lý phải tuân thủ kĩ thuật bày văn bản và có hình thức văn bản phù hợp, một bài viết pháp lý cần được trình bày một cách cẩn thận, sáng sủa, không mắc lỗi kĩ thuật, lỗi chính tả, có hình thức phù hợp. Cách trình bày cần đảm bảo tính khoa học, nên chia đoạn và xuống dòng theo từng ý nhằm giúp độc giả dễ dàng nắm bắt nội dung của văn bản. Một nguyên tắc mà người soạn thảo cần phải biết là mỗi trang đánh máy phải được chia tối thiểu thành hai đoạn.

Sau khi soạn thảo văn bản xong, cần rà soát toàn bộ nội dung văn bản để chỉnh sửa những sai sót. Nếu có thể, với những văn bản quan trọng, hãy nhờ người khác đọc lại vì người ngoài sẽ dễ dàng phát hiện những sai sót mà nhiều khi người soạn thảo không thấy.Cần lưu ý một số nội dung cơ bản về kỹ thuật trình bày văn bản như sau :

– Viết tắt hợp lý, cần có giải thích, ghi chú về từ viết tắt đó trong lần đầu tiên sử dụng trong văn bản;

– Cần có sự thống nhất về phông chữ sử dụng trong toàn bộ văn bản, tránh sử dụng các phông chữ khác nhau. Lưu ý, trong trường hợp cắt dán một đoạn trích nào cần đổi phông chữ, màu nền của cả đoạn trích dẫn đó cho phù hợp với tổng thể văn bản, tránh cảm tượng người soạn thảo sao chép, cắt dán khi soạn thảo văn bản;

– Không được quên đánh số trang;

– Tuân thủ mẫu văn bản cả về phông chữ, cỡ chữ, cách trình bày ( đối với văn bản yêu cầu mẫu theo quy định pháp luật hoặc theo mẫu của tổ chức hành nghề Luật sư). Trường hợp không có yêu cầu về mẫu, cần chủ động lựa chọn phông chữ, cỡ chữ phù hợp, thông thường là cỡ chữ 12 hoặc 13; chú ý cách đoạn, cách dòng, lùi đầu dòng hợp lý để đảm bảo văn bản sáng sủa, dễ theo dõi. Hạn chế sử dụng chữ in hoa quá dài ( vài dòng) vì sử dụng chữ in hoa liên tục giống như bạn đang “quát” lên thông điệp của mình với độc giả.

Như vậy, để có một bài viết pháp lý chất lượng người viết cần phải tuân thủ một số điều kiện nêu trên, những điều kiện đó giúp bài viết pháp lý mang tính chuyên môn hóa cao hơn, phù hợp với thị hiếu độc giả đặc biệt sẽ phản ánh đúng năng lực và chuyên người viết bài. Những điều kiện nêu trên không chỉ là kim chỉ nam cho những cá nhân, tổ chức hành nghề luật mà còn là nền tảng để tạo ra những người viết pháp lý chất lượng, tương xứng với công sức họ bỏ ra.

Việc tuân thủ những nguyên tắc này sẽ giúp người viết không chỉ nâng cao năng lực cá nhân mà còn góp phần nâng cao chất lượng của ngành luật, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Viết pháp lý không chỉ là một nghề mà còn là một nghệ thuật, đòi hỏi sự cống hiến, tâm huyết và trách nhiệm từ người viết.

theo Luật sư TRẦN XUÂN TIỀN
 Đoàn Luật sư TP. Hà Nội – Tạp chí luật sư VN

Tin liên quan

Một số lưu ý đối với bài viết pháp lý - Cập nhật: 25/11/2024 10:34
Nghiên cứu đa dạng hoá chính sách ưu đãi thuế - Cập nhật: 22/11/2024 14:13
Công an TP Hồ Chí Minh: Mục tiêu không để tội phạm xảy ra tại bất kỳ cây ATM, ngân hàng nào - Cập nhật: 22/11/2024 08:23
Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Tập trung cho công tác lập pháp - Cập nhật: 20/11/2024 09:01
Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 với nhiều nội dung quan trọng - Cập nhật: 20/11/2024 08:54
Hạnh phúc, ấm no của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu - Cập nhật: 19/11/2024 10:12
Quyền đưa ra yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - Cập nhật: 19/11/2024 08:38
Chung khảo Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp cải cách hành chính TP Hà Nội năm 2024” Thể hiện rõ tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức - Cập nhật: 18/11/2024 08:55
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 3: Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật​ - Cập nhật: 18/11/2024 08:36
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 1: Nhận diện vấn đề - Cập nhật: 15/11/2024 10:07