Bảo đảm an toàn các hồ chứa nước trọng điểm ở Quảng Ngãi

Cập nhật: 12/09/2022 08:56

Hồ chứa Nước Trong và hồ thủy điện Ðakđrinh là hai hồ chứa trọng điểm, có quy mô lớn nhất ở Quảng Ngãi, với tổng dung tích 538 triệu mét khối nước. Do vậy, vấn đề bảo đảm an toàn hồ chứa và cắt giảm lũ ở hạ du sông Trà Khúc luôn được tỉnh Quảng Ngãi quan tâm chỉ đạo sâu sát trước mỗi mùa mưa bão.

Hồ chứa Nước Trong có quy mô lớn nhất ở Quảng Ngãi.

Nhận định mùa mưa bão năm 2022 diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra các hiện tượng thiên tai cực đoan, bất thường, lượng mưa cao hơn mức trung bình nhiều năm, thời gian qua, chủ đầu tư và đơn vị vận hành hồ chứa Nước Trong và hồ thủy điện Ðakđrinh chủ động rà soát, xây dựng phương án theo các cấp độ rủi ro thiên tai để chủ động ứng phó hiệu quả trước mọi tình huống có thể xảy ra.

An toàn công trình, giảm lũ hạ du

Từ những ngày giữa tháng 8, khu vực miền núi Quảng Ngãi liên tục có mưa rào và dông, báo hiệu mùa mưa bão sắp đến gần. Thời điểm này, lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi luôn túc trực tại hiện trường hồ chứa nước Nước Trong (xã Sơn Bao, huyện miền núi Sơn Hà) chỉ đạo cán bộ, công nhân theo dõi, kiểm tra lại máy phát điện, nguồn dầu dự trữ, các cửa vận hành thủy lực cánh cửa tràn xả lũ, bảo dưỡng, sửa chữa công trình trước lũ để bảo đảm an toàn công trình.

Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi Hà Thế Vinh cho biết, hồ chứa nước Nước Trong có tổng diện tích lưu vực 460km2, diện tích mặt hồ 11,66km2, dung tích chứa 289,5 triệu mét khối. Ðây là hồ chứa có dung tích lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi và mức độ nguy hiểm cao trong mùa mưa bão cho nên cùng với sự quan tâm đặc biệt của các cấp có thẩm quyền, hằng năm, công ty luôn chủ động lập phương án, kịch bản ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai, xây dựng quy chế phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan nhằm bảo đảm vận hành công trình an toàn hồ chứa, góp phần giảm lũ cho hạ du, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản của nhân dân, bảo đảm hiệu quả cấp nước cho sản xuất, kinh doanh.

“Mùa mưa bão năm 2021, nhờ chủ động vận hành điều tiết hồ chứa nước theo đúng quy trình vận hành liên hồ, nên qua hai trận lũ lớn, hồ chứa nước Nước Trong vẫn bảo đảm an toàn công trình, góp phần giảm lũ hiệu quả cho vùng hạ du sông Trà Khúc”, ông Hà Thế Vinh chia sẻ.

Thời gian qua, chủ đầu tư và đơn vị vận hành hồ chứa Nước Trong và hồ thủy điện Ðakđrinh chủ động rà soát, xây dựng phương án theo các cấp độ rủi ro thiên tai để chủ động ứng phó hiệu quả trước mọi tình huống có thể xảy ra.

Năm nay, ngay từ đầu tháng 8, công ty đã phê duyệt phương án ứng phó thiên tai đối với hồ chứa nước Nước Trong theo phương châm “bốn tại chỗ”, thành lập Ban Chỉ huy, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của công trình trước lũ. Ðến thời điểm này, phương án ứng phó thiên tai đối với công trình hồ chứa nước Nước Trong, kể cả các tình huống khẩn cấp, nguy hiểm đã được phổ biến rộng rãi đến các địa phương, đơn vị liên quan nắm bắt, từ đó phối hợp chặt chẽ với công ty để công tác phòng, chống thiên tai đạt hiệu quả cao nhất.

Hồ thủy điện Ðakđrinh (xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây), là hồ chứa lớn thứ 2 trên địa bàn Quảng Ngãi, với dung tích 248,5 triệu mét khối nước. Những ngày qua, cán bộ, công nhân Công ty cổ phần thủy điện Ðakđrinh đang chạy đua với thời gian để hoàn tất công việc cần thiết trước mùa mưa lũ.

Phó Giám đốc Công ty Lê Năng cho biết, để thực hiện tốt phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn công trình thủy điện Ðakđrinh theo phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”; Công ty gấp rút duy tu các mái cơ đập, nhà máy, công trình xây dựng, đường giao thông; bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị cơ khí thủy công; kiểm tra các thiết bị quan trắc nhất là quan trắc mực nước, lưu lượng mưa bảo đảm các thiết bị sẵn sàng hoạt động. Ðơn vị đã bảo dưỡng, sửa chữa hoàn thành đường dây 35kV Nhà máy đi khu đầu mối và 2 máy phát điện 500kVA, bảo đảm có đủ ba nguồn cung cấp điện (một chính, hai dự phòng) cho khu vực đập trong mùa mưa lũ năm 2022.

Lực lượng chức năng đã hoàn thiện lắp đặt camera quan trắc mực nước, độ mở cửa van cung, lưu lượng xả qua cửa van kết nối về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi và điều hành điều tiết nước hồ chứa; kết nối Zalo các nhóm vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Trà Khúc, nhóm thủy điện Quảng Ngãi, nhóm phòng, chống thiên tai huyện Sơn Tây và Sơn Hà để truyền thông tin điều tiết nước hồ chứa về lưu lượng xả, thời gian xả; phối hợp với địa phương chuẩn bị sẵn sàng công tác “bốn tại chỗ”.

Phối hợp nhịp nhàng, sẵn sàng ứng phó thiên tai

Trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại công trình hồ chứa nước Nước Trong và hồ thủy điện Ðakđrinh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của chủ đầu tư, đơn vị quản lý, vận hành hai hồ chứa nước.

Ðồng chí Trần Phước Hiền cho rằng, trước tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp và cực đoan, đòi hỏi các đơn vị liên quan cần chú ý bảo dưỡng thiết bị điều khiển, hệ thống các van đóng mở để bảo đảm cho việc điều tiết, quản lý vận hành được tốt nhất trong thời gian trước, trong và sau mưa lũ. Trong phương án ứng phó, cần chủ động cập nhật thường xuyên, liên tục, phù hợp với điều kiện tình hình thực tế diễn biến thời tiết trên địa bàn.

“Các địa phương liên quan và đơn vị vận hành, chủ đầu tư cần khắc phục những tồn tại, hạn chế của những năm trước, chủ động nắm chắc địa bàn, các vị trí có nguy cơ cao về sạt lở. Ðặc biệt, phải có sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất trong việc thực hiện các phương án ứng phó đã được xây dựng nhằm bảo đảm an toàn hồ chứa, điều tiết nước, giảm cắt lũ khu vực hạ du và giữ nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sản xuất điện”, đồng chí Trần Phước Hiền lưu ý

21 HỒ CHỨA NƯỚC XUỐNG CẤP NẶNG CẦN SỬA CHỮA, NÂNG CẤP

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có 800 công trình thủy lợi (gồm 126 hồ chứa nước, 528 đập dâng, 7 đập ngăn mặn và 139 trạm bơm) được đưa vào khai thác để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. Qua kiểm tra cho thấy, về cơ bản, các công trình thủy lợi trong tỉnh bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ năm 2022. Một số hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp đã được các địa phương, chủ đập xử lý tạm thời những vị trí xung yếu. Về lâu dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đề nghị xem xét, bố trí khoảng 370 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp 21 hồ chứa nước bị xuống cấp nặng.

Tin liên quan

Tuần cuối Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV (ngày 25-30/11): Quốc hội xem xét công tác nhân sự, thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng - Cập nhật: 25/11/2024 14:27
Bế mạc Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bảo đảm chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội - Cập nhật: 20/11/2024 08:57
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 4: Dấu ấn ngành Tư pháp - Cập nhật: 19/11/2024 08:47
Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam - Cập nhật: 18/11/2024 08:41
Đột phá từ Trung ương - Cập nhật: 15/11/2024 09:58
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 13/11/2024 10:16
Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành, quán triệt, thực hiện Nghị quyết của Đảng - Cập nhật: 12/11/2024 12:51
Lắng nghe, thấu hiểu và quyết liệt tháo gỡ - Cập nhật: 11/11/2024 10:08
Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Trọng tâm là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 11/11/2024 09:04
90 tác phẩm được trao Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” - Cập nhật: 10/11/2024 11:24