Bộ Nội vụ: Tiền công đức chịu sự điều chỉnh của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

Cập nhật: 21/05/2020 15:52

Bộ Nội vụ vừa có văn bản góp ý Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính về việc quản lý thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Nên cân nhắc thời điểm ban hành Thông tư

Về cơ bản, Bộ Nội vụ thống nhất việc ban hành Thông tư là cần thiết để thực hiện Điều 19, Nghị định số 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, qua đó đảm bảo sự công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích trong công tác tổ chức lễ hội, việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Kết cấu và bố cục của Fự thảo Thông tư tương đối phù hợp với các nội dung tổ chức lễ hội và quản lý di tích được quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP.

Tuy nhiên, nội dung Thông tư điều chỉnh vấn đề lễ hội và di tích có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo điều chỉnh vì vậy cần bổ sung hai văn bản này vào phần căn cứ pháp lý xây dựng Thông tư.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thêm các quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng; việc quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; đối tượng tổ chức lễ hội, quản lý di tích là các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo để đảm bảo sự thống nhất trong công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Về thời điểm ban hành Thông tư, hiện nay, Ban Tuyên giáo Trung ương đang hướng dẫn việc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 5/2/2015 của Ban Bí thư khóa XI về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong đó có việc đánh giá kết quả triển khai Nghị định số 110/2018/NĐ-CP, vì vậy, cần có thêm thời gian hoàn thiện Thông tư, chờ tham khảo kết quả việc sơ kết Chỉ thị số 41-CT/TW để đảm bảo sự thống nhất sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Về căn cứ ban hành Thông tư, cần bổ sung Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 162 vì một số cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng là di tích. Khi tổ chức lễ hội, tiền công đức, quyên góp, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162.

Thông tư cần mở rộng phạm vi điều chỉnh đến di tích thuộc sở hữu tư nhân, hộ gia đình để đảm bảo sự bao quát các loại hình di tích. Bên cạnh đó cũng cần sử dụng khái niệm“di tích thuộc sở hữu Nhà nước”  thay cho “di tích thuộc sở hữu toàn dân”  cho phù hợp với quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa.

Hiện nay, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định việc các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được tổ chức quyên góp, nhận tài trợ phục vụ cho các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trong đó có việc tổ chức lễ hội và bảo quản, tu bổ, phục hồi cơ sở thờ tự (gồm cả di tích).

Trong khi đó, khái niệm “dâng cúng, công đức” mang ý nghĩa tâm linh được sử dụng trong thực hành tín ngưỡng, tôn giáo, do đó nên sử dụng khái niệm “quyên góp, đóng góp, tài trợ” như Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định.

Việc phân loại các hình thức tài trợ có thể được xác định bằng tài sản (bao gồm tiền, hiện vật, quyền tài sản, quyền sử dụng đất) và các hình thức khác như “ngày công lao động”, “các hoạt động dịch vụ…”, quyền sở hữu trí tuệ để đảm bảo sự thống nhất với chế định về tài sản của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Quy định hình thức tài trợ bằng tài sản phi vật chất, trong đó có tài trợ bằng “chuyển quyền sử dụng đất nhưng không thu tiền, cho thuê đất không thu tiền thuê đất” chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013 (các Điều 181, 191).

Về phương thức công đức, tài trợ và phương thức tiếp nhận (Điều 4).

Khi quy định về vấn đề này cần nghiên cứu thêm các quy định về hoạt động quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc (Điều 19 Nghị định số 162/2017/NĐ-CP) và việc tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tiếp nhận tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài (Điều 20 Nghị định số 162/2017/NĐ-CP).

Trong thực tiễn, hiện nay các cá nhân, tổ chức có nhiều hình thức tài trợ, đóng góp cho việc tổ chức lễ hội và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích như bằng việc thực hiện một phần công việc trong bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích hoặc tự nguyện bỏ sức lao động “làm công quả”. Tuy nhiên, vì yếu tố tâm linh, đạo đức mà họ không muốn công khai mức đóng góp hoặc khó định lượng được bằng tiền. Bên cạnh đó, việc quy định phương thức tiếp nhận tài trợ bằng công trình xây dựng cơ bản theo hình thức “chìa khóa trao tay” (công trình này gắn liền quyền sử dụng đất nên phải theo pháp luật đất đai) cần cân nhắc.

Về quản lý, thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và hoạt động lễ hội (Điều 5). Việc Dự thảo nội dung này cần chú ý đến quy định về quản lý, sử dụng khoản thu từ việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng (Điều 15 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo).

Việc quy định tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di tích có trách nhiệm như “mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để tiếp nhận, quản lý tiền dâng cúng, công đức, tài trợ…” cần thực hiện theo Thông tư số 02/2019/TT-NHNN ngày 28/2/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các văn bản có liên quan.

Tiền công đức là tài sản của Giáo hội

Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cho rằng, các chùa Phật giáo là tài sản hợp pháp của GHPGVN trước lúc xếp hạng và sau khi xếp hạng di tích thì vẫn hoạt động bình thường theo quy định của pháp luật nên các hoạt động tại các cơ sở này tuân thủ quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Hơn nữa, nhiều chùa được xếp hạng di tích sau đó mới quy hoạch và được các tăng ni, Phật tử xây dựng.

Khoản 6 Điều 7 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc: “Nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tự nguyện tặng cho” (Luật quy định “cứng” chỉ có chủ thể là tổ chức tôn giáo mới có quyền “nhận” tài sản tự nguyện tặng cho).

Điều 56, 60 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: Việc quản lý, sử dụng tài sản của cơ sở, tổ chức tôn giáo phải đúng mục đích. Như vậy tiền công đức, tiền tài trợ và các tài sản khác của cơ sở, tổ chức tôn giáo được quản lý theo đúng Hiến chương, quy định của tổ chức tôn giáo đó (Hiến chương của GHPGVN đã được Nhà nước phê chuẩn).

Theo Hiến chương và Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN, vị trụ trì thay mặt Giáo hội có toàn quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Giáo hội.

“Trong các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, thì hành vi bị nghiêm cấm đầu tiên (theo khoản 1) là “phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo”. Hiện nay, tại nước ta có 16 tôn giáo, 43 tổ chức tôn giáo. Dự thảo Thông tư  này chủ yếu nhằm vào các di tích, các chùa của Phật giáo là chủ yếu; như vậy tạo nên sự phân biệt đối xử giữa các tôn giáo (tiền đóng lễ, tiền công đức của các cơ sở tôn giáo khác thì không bị Nhà nước quản lý)”, Hòa thượng Thích Quảng Tùng nói.

Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh cho biết, tiền công đức là tiền thành tâm cúng dường Tam bảo, dâng cúng tự tâm, tự nguyện của thập phương, tín thí.

Nó cũng phù hợp với khoản 4, Điều 19, Nghị định 162/2017/NĐ-CP: “Hoạt động quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc phải có sổ sách thu, chi bảo đảm công khai, minh bạch. Tài sản được quyên góp phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích đã thông báo, phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo và từ thiện xã hội”.

Việc quản lý, thu chi công khai minh bạch ở đây được hiểu là theo đúng quy định của tổ chức tôn giáo đó.

Phật giáo Việt Nam là tôn giáo yêu nước đồng hành cùng dân tộc hơn 2.000 năm lịch sử.

Phật giáo đã trở thành tư tưởng, văn hóa, tình cảm của nhân dân ta, các ngôi chùa đã trở thành biểu tượng của văn hóa dân tộc, rất nhiều ngôi chùa đã được xếp hạng di tích.

Trong nhiều năm qua Phật giáo cả nước đã góp phần tích cực trong đời sống cộng đồng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội, du lịch tâm linh, làm tốt công tác từ thiện nhân đạo, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước, góp phần xây dựng tỉnh đất nước giàu mạnh.

theo Trà Vân – thanhtra.com.vn

Tin liên quan

Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Tập trung cho công tác lập pháp - Cập nhật: 20/11/2024 09:01
Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 với nhiều nội dung quan trọng - Cập nhật: 20/11/2024 08:54
Hạnh phúc, ấm no của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu - Cập nhật: 19/11/2024 10:12
Quyền đưa ra yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - Cập nhật: 19/11/2024 08:38
Chung khảo Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp cải cách hành chính TP Hà Nội năm 2024” Thể hiện rõ tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức - Cập nhật: 18/11/2024 08:55
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 3: Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật​ - Cập nhật: 18/11/2024 08:36
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 1: Nhận diện vấn đề - Cập nhật: 15/11/2024 10:07
Nhận diện thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc để kích động “ly khai”, “tự trị” - Cập nhật: 15/11/2024 10:00
Giải trình, phản biện công khai để Nhân dân nắm rõ - Cập nhật: 12/11/2024 09:59
Chủ tịch Quốc hội: Qua chất vấn, tạo chuyển biến thực sự trong từng lĩnh vực quản lý - Cập nhật: 11/11/2024 12:50