Tổng Bí thư Tô Lâm dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau. (Ảnh: TTXVN) |
Di sản Hồ Chí Minh để lại có đại đoàn kết dân tộc. Sinh thời, Người từng căn dặn: “Chính sách của Ðảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống Nhân dân. Nếu dân đói, Ðảng và Chính phủ có lỗi (…), nếu dân ốm là Ðảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy, cán bộ Ðảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống Nhân dân”.
Thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh, trước yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước, Đảng ta xác định đây là một trong những vấn đề mang tính cấp bách, nội dung quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; năng lực quản lý, điều hành của Nhà nước.
Thời gian gần đây, ngoài việc chuyển đổi số, tăng cường các kênh thông tin để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; trong thực tiễn điều hành, nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo. Có thể kể đến các mô hình “Gần dân, sát dân”, “Ngày thứ Bảy với dân”, “Chính quyền thân thiện của dân, do dân và vì dân”; “Gần công nhân, sát công nhân, lắng nghe ý kiến công nhân”…; hoặc các diễn đàn “Nhân dân nói về chúng tôi”, “Cà phê doanh nhân”… Một trong những yêu cầu đặt ra với mỗi cán bộ là phải thay đổi cách nghĩ, cách làm; bỏ tư duy “xin – cho”, “ban phát”, “ra lệnh”; chuyển sang tư duy phụng sự, thực sự là “đầy tớ của Nhân dân”.
Ngày 13/11, khi làm việc với Tiểu ban Kinh tế – Xã hội Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Mọi chủ trương, chính sách đều phải xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân; lấy hạnh phúc và ấm no của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu”.
Đất nước đang ở thời điểm quan trọng. Thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” chính là sự bảo đảm cho đất nước bước vào “kỷ nguyên vươn mình”.