Ảnh minh họa.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết: Từ ngày 01/01/2023 thực hiện Luật Cư trú 2020, người dân, các cơ quan chức năng giải quyết thủ tục hành chính phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Khi sổ hộ khẩu giấy không còn, người dân có thể sử dụng Giấy xác nhận thông tin về cư trú để thay thế trong các trường hợp cần xuất trình giấy tờ chứng minh thông tin cư trú. Trên giấy này sẽ có thông tin về thời gian, địa điểm, hình thức đăng ký cư trú.
Người dân đến công an xã, phường, thị trấn; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… để đề nghị cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú.
Sau đó, gửi yêu cầu xác nhận thông tin cư trú qua Cổng dịch vụ công của Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú hay Cổng dịch vụ công quốc gia.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng đề nghị người từ đủ 14 tuổi trở lên cần sớm làm cước công dân gắn chip để thuận tiện trong các giao dịch. Hiện có trên 76 triệu căn cước công dân đã được cấp. Người dân sử dụng căn cước công dân gắn chip là một loại giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin cá nhân, nơi thường trú khi làm các thủ tục hành chính. Trên mặt thẻ căn cước công dân thể hiện các thông tin cơ bản về: Số cước công dân (chính là số định danh cá nhân); họ, chữ đệm và tên khai sinh; ảnh chân dung; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; quê quán; nơi thường trú; ngày thẻ hết hạn; vân tay; ngày cấp thẻ; đặc điểm nhân dạng…
theo HỒNG HẠNH – Tạp chí luật sư VN