Ảnh minh họa.
Trước tình hình ngày càng có nhiều đối tượng mạo danh cơ quan thuế để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên môi trường mạng Internet, Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) đã nhận diện và phát đi cảnh báo tới các đơn vị trong toàn ngành Thuế và người nộp thuế (NNT).
Cục Công nghệ thông tin thông tin một số thủ đoạn mà đối tượng lừa đảo thực hiện như: Dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI như là deepfake, deep voice để tạo ra các video giả mạo cán bộ thuế, người thân, bạn bè để lừa đảo.
Các đối tượng tạo trang web có giao diện gần giống trang web của cơ quan, doanh nghiệp từ hình ảnh, giao diện và nội dung để người dùng nhầm tưởng là trang web của cơ quan thuế hoặc đơn vị cung cấp.
Sau đó, các đối tượng sử dụng tin nhắn giả mạo thương hiệu với các nội dung yêu cầu người dùng phải truy cập vào liên kết giả mạo, khai báo thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và từ đó thực hiện hành vi đánh cắp, chiếm đoạt thông tin dữ liệu người dùng, lừa đảo.
Một số địa chỉ đã từng được các đối tượng sử dụng đều có đường dẫn đến có định dạng bất thường như là vn-cbs.xyz. vn-ms.top…
Nghiêm trọng hơn, các đối tượng giả mạo tin nhắn SMS Brandname cơ quan thuế để thông báo nộp thuế, quyết định xử phạt… yêu cầu NNT cung cấp thông tin cá nhân hoặc cài đặt ứng dụng qua đường dẫn không chính thống, không phải do Tổng cục Thuế cung cấp.
Có trường hợp, các đối tượng giả mạo cơ quan thuế để gọi điện hăm dọa, sử dụng chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của NNT như mời chào, dụ dỗ, dọa nạt, lừa đảo ép buộc NNT mua sách, tài liệu, cẩm nang về thuế với hình thức đặt hàng và thanh toán qua bưu điện…
Nếu NNT không mua sẽ bị dọa là bị kiểm tra, thanh tra thuế hoặc gây khó dễ khi làm việc với cơ quan thuế.
Hoặc gửi mail thông báo NNT cần hoàn thành thủ tục cập nhật căn cước công dân gắn chip cho người đại diện theo pháp luật trên Đăng ký kinh doanh và có thu phí từ vài trăm đến vài triệu đồng.
Ngoài ra, các đối tượng cũng có thể giả mạo cơ quan thuế phát hành thông báo về việc ủy quyền đóng thuế cho công ty/cá nhân trung gian (trừ hệ thống bưu điện được ủy quyền thu thuế hộ kinh doanh) nhằm chiếm đoạt tiền của NNT.
Trước đó, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, đã ghi nhận nhiều trường hợp mạo danh cơ quan thuế, công chức thuế gọi điện thoại người nộp thuế để lừa đảo.
Theo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, cơ quan thuế chỉ tiếp nhận hoặc yêu cầu NNT bổ sung hồ sơ theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019. Khi cần phổ biến các quy định pháp luật mới về thuế, cơ quan thuế sẽ tổ chức tập huấn (có thư mời) hoặc có văn bản thông báo, tuyên truyền cho NNT được biết.
Một số thủ đoạn như: Thứ nhất, đối tượng gọi điện thoại tự xưng là công chức thuế đề nghị NNT mang căn cước công dân, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép kinh doanh… đến cơ quan thuế để được gia hạn các loại thuế, làm thủ tục miễn, giảm, hưởng ưu đãi về thuế… Các đối tượng yêu cầu NNT trước khi đến làm việc phải chụp hình các giấy tờ trên và gửi vào các số điện thoại đã gọi.
Thứ hai, đối tượng giả mạo cơ quan thuế gọi điện thoại mời chào, dụ dỗ, dọa nạt, lừa đảo, ép NNT mua sách, tài liệu, cẩm nang về thuế dưới hình thức đặt hàng và thanh toán qua bưu điện, nếu NNT không mua sẽ bị kiểm tra, thanh tra thuế, hoặc gây khó dễ khi làm việc với cơ quan thuế.
Thứ ba, đối tượng gọi điện thoại, nhắn tin, kết bạn zalo, cung cấp đường dẫn và hướng dẫn NNT cài đặt các phần mềm giả mạo ứng dụng của ngành thuế (nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng với mục đích chiếm đoạt tài sản). Các ứng dụng lừa đảo thường yêu cầu cấp quyền như xem màn hình, dữ liệu nhập, điều khiển màn hình. Từ đó, sẽ chiếm quyền điều khiển điện thoại, thiết bị thông minh, lấy cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng của người dùng.
Thứ tư, đối tượng gọi điện thoại tự xưng là công chức thuế yêu cầu NNT mang theo căn cước công dân, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, laptop lên trụ sở cơ quan thuế để điều chỉnh, giải trình, bổ sung thông tin nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của NNT.
Tổng cục Thuế chỉ ra một số dấu hiệu nhận biết không phải Trang Thông tin điện tử của cơ quan thuế:
– Đường dẫn URL trên thanh địa chỉ của trình duyệt phải được bắt đầu bằng “https://” và có một biểu tượng ổ khóa trên thanh địa chỉ (Lưu ý rằng, ổ khóa phải xuất hiện ở thanh địa chỉ trình duyệt chứ không phải trong nội dung của website). Lưu ý, nếu cụm từ https:// chuyển sang màu đỏ và xuất hiện biểu tượng ổ khóa bị đánh dấu chéo, tức là có thể website mà người dùng truy cập vào đang sử dụng chứng chỉ số SSL hết hạn hoặc được cấp bởi một nguồn không đáng tin cậy. – Khi người dùng vừa truy cập website mà đã yêu cầu cung cấp những thông tin cá nhân như địa chỉ nhà, số điện thoại, số CMND/CCCD thì nên cảnh giác và không thực hiện theo yêu cầu. |
theo QUÝ MINH – Tạp chí luật sư VN
https://lsvn.vn/cac-dau-hieu-nhan-biet-cac-hanh-vi-mao-danh-co-quan-thue-de-lua-dao-1696993078.html