Cảnh báo của WHO ngày 11/3 đã tạo ra một đợt mua sắm chưa từng có. Trong đó, các Chính phủ ồ ạt mua sắm thiết bị bảo hộ cá nhân, thiết bị y tế và những hàng hóa khác. Khi số ca mắc và tử vong tăng mạnh, khó khăn về kinh tế trở nên trầm trọng hơn, các nhu cầu mới xuất hiện, bao gồm: Thiết lập bệnh viện mới/bệnh viện tạm thời, cung cấp hỗ trợ lương thực cho cộng đồng dễ bị tổn thương…
“Khẩn cấp” đi kèm với nguy cơ
6 tháng sau công bố đại dịch, nhiều Chính phủ vẫn đang mua hàng hóa và dịch vụ theo kiểu “khẩn cấp” với các thủ tục nhanh chóng mà thường thiếu kế hoạch và sự giám sát thích hợp.
Trong thời gian này, mức độ phức tạp của dịch bệnh không chỉ được đánh dấu bằng sự khẩn cấp và hoảng loạn tại các hợp đồng công, mà nó còn cho thấy các Chính phủ dễ bị tổn thương và không có sự chuẩn bị như thế nào trong việc đối phó với mạng lưới tham nhũng để mua sắm một cách an toàn.
Nhiều vụ việc gian lận, sai phạm đã được phát hiện bởi các cơ quan kiểm toán và thực thi pháp luật cũng như các nhà báo điều tra, các nhà hoạt động xã hội như Dự án Tố cáo tội phạm và Tham nhũng có tổ chức (OCCRP) và các nhóm xã hội dân sự trên toàn thế giới.
Xã hội dân sự đi lên
Thông qua việc áp dụng các hợp đồng sạch, các Chính phủ có thể cứu sống nhiều người dân và ngăn chặn tình trạng lạm dụng công quỹ. Điều quan trọng là đòi hỏi phải bảo đảm tính minh bạch và không gian để giám sát độc lập trong toàn bộ quá trình mua sắm công.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng dịch bệnh, mạng lưới rộng khắp toàn cầu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã tích cực hoạt động vì lợi ích chung. Cơ quan đại diện của TI ở các quốc gia đã đưa ra và thực hiện nhiều sáng kiến đa dạng, phù hợp với bối cảnh và nhu cầu ở từng địa phương. Có thể kể đến các biện pháp như sau:
1. Giám sát việc truy cập dữ liệu
Các sáng kiến được đưa ra thực hiện bởi TI ở Brazil, Mexico, Pakistan và Serbia là những ví dụ tuyệt vời về cách mà yêu cầu của công chúng có thể thúc đẩy Chính phủ công bố thông tin quan trọng ở cả cấp quốc gia và địa phương. Theo đó, giúp kiểm tra được số lượng, chất lượng, định dạng và tính kịp thời của các dữ liệu được công bố công khai.
2. Phân tích dữ liệu
Nhiều cơ quan đại diện của TI (như tại Argentina, Colombia, Kosovo, Peru, Bồ Đào Nha và Ukraine) đã làm việc để xem xét, phân tích và hình dung dữ liệu về các hợp đồng công khai để xác định những mô hình, xu hướng và cả sự bất thường. Trong số đó, có những cuộc điều tra định tính cung cấp tài liệu cho các vụ việc cũng như những nghiên cứu định lượng dựa trên phương pháp thống kê và phương pháp trực quan.
3. Giám sát đấu thầu
Điều cực kỳ quan trọng là giám sát các thủ tục mua sắm công trong COVID-19 khi chúng diễn ra. Đây là việc mà các cơ quan cấp quốc gia của TI ở Honduras và Latvia đã có thể thực hiện.
Tại đây, họ sử dụng thỏa thuận đã ký kết với các cơ quan có hợp đồng và trong một số trường hợp, đưa ra các khuyến nghị mang tính đột xuất để giải quyết rủi ro tham nhũng.
4. Tố cáo và điều tra
Xã hội dân sự có vai trò quan trọng trong việc vạch trần các vi phạm tiềm ẩn và gây ra hành vi sai phạm từ các cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra, truy tố những vụ án tham nhũng. Tại Nga, một nhóm nhà báo và nhà hoạt động, bao gồm các thành viên của TI Nga, đã khởi động một mạng lưới mở và hợp tác để điều tra tham nhũng trong ký kết hợp đồng khu vực công. Trong khi ở Tunisia, cơ quan đại diện của TI đã đệ đơn để thu hồi hợp đồng sau khi một nhà báo phát hiện ra có tham nhũng.
5. Kiểm toán
Ở Honduras, TI đã kêu gọi một cuộc điều tra chính thức sau khi tiến hành kiểm toán và trình bày những phát hiện của họ. Họ dựa vào thỏa thuận với cơ quan ký hợp đồng để được cung cấp đầy đủ quyền truy cập vào các tài liệu của một loạt hợp đồng. Phát hiện của TI Honduras được công khai nhằm mục đích kích hoạt các hành động pháp lý khi các vi phạm tiền ẩn được xác định.
6. Phân tích chính sách và pháp luật
Giải quyết tham nhũng trong hợp đồng khu vực công đòi hỏi những người ủng hộ chống tham nhũng tiến hành phân tích sâu các quy định, thủ tục và thể chế để phát hiện các vấn đề mang tính hệ thống, đề xuất các lựa chọn chính sách thay thế để giải quyết vấn đề.
Ví dụ, ở Mexico, một Luật Đấu thầu mới đã được soạn thảo bởi liên minh các chuyên gia và tổ chức, bao gồm Tổ chức Minh bạch Mexico (Transparencia Mexicana) và trình lên các nhà lãnh đạo Quốc hội.
Còn tại Nam Phi, một dự luật mới được đưa ra tại Quốc hội, cơ quan đại diện của TI đã chủ động đưa ra các khuyến nghị, kêu gọi một tiến trình lập pháp cởi mở và hợp tác.
Điều gì sẽ xảy đến với 6 tháng tiếp theo?
Hợp đồng công không rõ ràng và tham nhũng gây ra nhiều rủi ro cho cuộc sống cũng như sinh kế của người dân, đặc biệt là trong bối cảnh khẩn cấp. Chúng ta cần một cuộc đối thoại mang tính toàn cầu, với những quan điểm đa dạng và toàn diện, để bảo đảm rằng các hệ thống hợp đồng khu vực công thực sự phục vụ và mang lại lợi ích chung.
Đối thoại này cần tập hợp các thể chế toàn cầu, khu vực và quốc gia, cũng như các tổ chức, chuyên gia độc lập để chia sẻ không chỉ kiến thức, kinh nghiệm và còn để thực hiện những hành động cụ thể hướng tới minh bạch, trách nhiệm giải trình cao hơn.
Trong đó, các tổ chức tài chính quốc tế có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm rằng tham nhũng không làm suy yếu các thủ tục ký kết những hợp đồng khu vực công được tài trợ bởi các khoản vay và viện trợ lớn nhằm giúp các Chính phủ giải quyết đại dịch COVID-19.
Đối với TI, đại dịch đang diễn ra đã củng cố một điều rằng, hợp đồng sạch – hợp đồng công khai, minh bạch, có trách nhiệm với cộng đồng bị ảnh hưởng và người nộp thuế, phù hợp với lợi ích chung – phải trở thành chuẩn mực, không có ngoại lệ.
* Bài viết của Rafael García Aceves, Điều phối viên Chính sách Hợp đồng công, TI.
theo Hoài Phương – Báo Thanh tra