Cam kết về chất lượng lập pháp

Cập nhật: 13/08/2024 07:42

Sáng qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên họp chuyên đề pháp luật thứ năm kể từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, để cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 10 dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Bảy. Các dự luật này thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng đều được dư luận xã hội rất quan tâm, có tác động lớn đối với người dân và doanh nghiệp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương…

Với hơn 200 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội đã phát biểu, tranh luận tại hội trường và hơn 900 lượt ý kiến phát biểu tại tổ về các dự án luật trên, với tinh thần “dù chỉ có một ý kiến khác cũng được nghiên cứu, giải trình đầy đủ”, khó có thể đo đếm được khối lượng công việc mà các Ủy ban đã thực hiện kể từ sau Kỳ họp thứ Bảy để có được Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo Luật trình tại Phiên họp chuyên đề lần này.

Nhiều vấn đề khó, phức tạp, qua quá trình tiếp thu, chỉnh lý đã tìm ra “lời giải” phù hợp. Đơn cử như với dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, các địa phương kiến nghị 5 nhóm vướng mắc trong thực tiễn triển khai Luật Khoáng sản thì trong khi tiếp thu, giải trình có 3 nhóm vướng mắc đã có giải pháp rõ ràng trong dự thảo Luật, còn 2 nhóm vướng mắc liên quan đến trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản tại Điều 15 và điều chỉnh quy hoạch khoáng sản tại Điều 16 thì cơ quan chủ trì giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đã đưa ra 2 phương án. Trong đó, quán triệt nghiêm yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại cuộc làm việc với các Ủy ban ngày 7.8 vừa qua về việc “phải thể hiện chính kiến, quan điểm rõ ràng, cụ thể, khách quan, không né tránh vấn đề khó, nhạy cảm, dễ xảy ra trục lợi chính sách”, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã giải trình rõ ràng cơ sở của từng phương án được đưa ra cũng như phương án được đa số ý kiến trong Ủy ban lựa chọn.

Có những vấn đề dù vẫn chưa thể tìm được “tiếng nói chung” giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, nhưng cơ quan thẩm tra cũng đã đề xuất rõ ràng quan điểm, phương hướng xử lý. Như dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Ủy ban Xã hội, trong Báo cáo thẩm tra trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy đã đề nghị không điều chỉnh sản phẩm oxy y tế tại dự thảo Luật do không phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Dược. Trong khi đó, Bộ Y tế vẫn mong muốn đưa quy định về oxy y tế vào dự thảo Luật. “Tiếp tục nhất quán với ý kiến đã nêu tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ sớm khắc phục khoảng trống pháp lý đối với sản phẩm này bằng cách ban hành hoặc trình ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật để quản lý oxy y tế và các sản phẩm khí khác dùng trong y tế”. Nhấn mạnh điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng nêu rõ, “nếu cần, có thể nghiên cứu quy định giao Chính phủ quy định chi tiết về khí y tế tại nghị quyết của kỳ họp tới hoặc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh theo thủ tục rút gọn, trong đó quy định 1 điều về khí y tế dùng trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, tương tự như quy định về thiết bị y tế dùng trong khám bệnh, chữa bệnh”.

Tất nhiên, lựa chọn phương án nào vẫn thuộc quyền quyết định của các đại biểu Quốc hội. Nhưng trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội là chuẩn bị thật kỹ lưỡng, cung cấp đầy đủ các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của từng phương án để đại biểu Quốc hội cân nhắc, quyết định.

Tại Phiên họp hôm qua, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu phải “thận trọng, chính xác, đồng bộ”; “hết sức cầu thị, lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của các dự luật, nhất là về những vấn đề người dân, doanh nghiệp thấy còn vướng mắc cần tháo gỡ”, “phải bảo đảm tính khả thi và tuổi thọ của luật”, “quán triệt và thực hiện nghiêm quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật”, “kiểm soát chặt chẽ các nội dung dễ xảy ra trục lợi chính sách”, “phải rà soát kỹ lưỡng trong từng dự luật xem có lợi ích nhóm nào không”, “phải công tâm, khách quan, không bị bất cứ cá nhân nào, tổ chức nào tác động trong quá trình xây dựng luật…”.

Đó không chỉ là những yêu cầu cốt lõi đối với công tác lập pháp, đặc biệt là ở khâu thẩm tra, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật mà đồng thời còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của người đứng đầu cơ quan lập pháp đối với việc bảo đảm chất lượng các dự luật trình Quốc hội.

Tiếp nối những đổi mới hiệu quả đã được áp dụng trong công tác lập pháp từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, tới đây, Quốc hội cũng sẽ tổ chức một diễn đàn về xây dựng pháp luật để bàn sâu hơn, kỹ hơn về công tác lập pháp, như yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội “phải nâng cao hơn nữa chất lượng lập pháp, phát huy vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các cấp, các nhà khoa học, các nhà làm luật chuyên nghiệp đóng góp cho công tác xây dựng pháp luật”.

Với khối lượng nhiệm vụ lập pháp ngày càng lớn, nhiều vấn đề khó, phức tạp, chưa có tiền lệ trong thực tiễn càng đòi hỏi công tác lập pháp phải chủ động, chuyên nghiệp hơn bao giờ hết. Từ những kết quả lập pháp đã đạt được thời gian qua và việc thực hiện nghiêm các yêu cầu nêu trên của Chủ tịch Quốc hội, chắc chắn công tác lập pháp của Quốc hội trong nhiệm kỳ này sẽ ghi thêm những dấu ấn mới.

theo Nguyễn Bình – Báo Đại biểu nhân dân

Tin liên quan