Căn cứ hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ theo pháp luật hiện hành

Cập nhật: 11/12/2023 15:29

Thông tư 23/2023/TT-BKHCN ngày 30/11/2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 30/11/2023. Trong đó đáng chú ý, Điều 34 Thông tư này quy định rõ về căn cứ hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, văn bằng bảo hộ sáng chế bị hủy bỏ hiệu lực do sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ vượt quá phạm vi bộc lộ trong bản mô tả ban đầu của đơn đăng ký sáng chế theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 96 của Luật Sở hữu trí tuệ trong các trường hợp so với bản mô tả ban đầu và đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng, bản mô tả sáng chế có sự thay đổi về nội dung và sự thay đổi này làm xuất hiện thông tin không có nguồn gốc trực tiếp và rõ ràng từ bản mô tả ban đầu của đơn, cụ thể như sau:

– Trong quá trình sửa đổi, bổ sung đơn, người nộp đơn đưa vào bản mô tả dấu hiệu kỹ thuật hoặc các dấu hiệu kỹ thuật không thể xác định được một cách trực tiếp và rõ ràng từ bản mô tả ban đầu;

– Bổ sung thông tin (bao gồm: thông tin về mục đích, hiệu quả) không thể xác định được một cách trực tiếp và rõ ràng từ phần mô tả ban đầu (kể cả hình vẽ) và/hoặc yêu cầu bảo hộ ban đầu để bộc lộ rõ sáng chế hoặc bộc lộ đầy đủ yêu cầu bảo hộ;

– Nội dung bổ sung vào bản mô tả là các dấu hiệu kỹ thuật liên quan đến thông số về kích thước thu được bằng cách đo thông số về kích thước trên các hình vẽ;

– Đưa vào bản mô tả chi tiết hoặc thành phần bổ sung không được đề cập đến trong bản mô tả ban đầu của đơn mà điều này dẫn đến những hiệu quả và/hoặc tác dụng đặc biệt không có trong đơn ban đầu;

– Bổ sung vào bản mô tả những hiệu quả và/hoặc tác dụng (lợi ích) mà người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng không thể xác định được từ đơn ban đầu;

– Thay đổi dấu hiệu kỹ thuật của yêu cầu bảo hộ mà dấu hiệu kỹ thuật thay đổi này không được bộc lộ hoặc không được xác định một cách trực tiếp và rõ ràng từ bản mô tả ban đầu;

– Đưa vào các nội dung mới bằng cách thay đổi các nội dung không xác định thành các nội dung xác định và cụ thể;

– Kết hợp các dấu hiệu kỹ thuật riêng biệt của đơn ban đầu lại thành một dấu hiệu kỹ thuật mới trong khi mối quan hệ giữa các dấu hiệu kỹ thuật này không được bộc lộ trong đơn ban đầu;

– Thay đổi một hoặc nhiều dấu hiệu kỹ thuật trong phần mô tả để làm cho các dấu hiệu kỹ thuật thay đổi khác với các dấu hiệu kỹ thuật nêu trong bản mô tả ban đầu;

– Loại bỏ một dấu hiệu kỹ thuật ra khỏi điểm yêu cầu bảo hộ mà dấu hiệu kỹ thuật này là cần thiết đối với đối tượng yêu cầu bảo hộ để đạt được mục đích đề ra và/hoặc việc loại bỏ dấu hiệu kỹ thuật này làm thay đổi dấu hiệu kỹ thuật hoặc (các) dấu hiệu kỹ thuật khác.

Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu bị hủy bỏ hiệu lực do người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 96 của Luật Sở hữu trí tuệ trong trường hợp sau đây:

– Có căn cứ cho rằng, tại thời điểm nộp đơn, người nộp đơn biết hoặc có cơ sở để biết nhãn hiệu mình đăng ký trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với một nhãn hiệu đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam hoặc nhãn hiệu nổi tiếng tại các nước khác cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự; và

– Việc đăng ký này nhằm lợi dụng danh tiếng, uy tín của nhãn hiệu đó để thu lợi; hoặc chủ yếu nhằm mục tiêu bán lại, cấp phép hoặc chuyển giao quyền đăng ký cho người có các nhãn hiệu nêu tại điểm a khoản này; hoặc nhằm mục tiêu ngăn chặn khả năng gia nhập thị trường của người có các nhãn hiệu nêu tại điểm a khoản này để hạn chế cạnh tranh; hoặc các hành vi trái với tập quán thương mại lành mạnh khác.

theo MAI HUỆ – Tạp chí luật sư VN

https://lsvn.vn/can-cu-huy-bo-hieu-luc-van-bang-bao-ho-1702263073.html

Tin liên quan