Cần gắn trách nhiệm cá nhân với những văn bản “có vấn đề”

Cập nhật: 28/06/2021 09:06

Chuyên gia kiến nghị, cần có chế tài cụ thể cho những văn bản kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp: “Chúng ta có hàng trăm chế tài xử lý vi phạm của công dân, nhưng chế tài cho cán bộ trong ban hành các văn bản kém chất lượng rất ít”.

Nhiều công văn khi nhận được, doanh nghiệp không biết áp dụng thế nào. (Ảnh minh họa)

Gây ách tắc trong thực thi pháp luật

Phòng Thương mại Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức hội thảo trực tuyến “Chất lượng Thông tư và công văn – góc nhìn từ doanh nghiệp” và đưa ra nhiều thông tin đáng suy ngẫm.

Báo cáo của VCCI cho thấy, chất lượng văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao như Luật, Nghị định đã rõ ràng, cụ thể hơn trước. Song, thực tế DN vẫn phải chờ Thông tư hướng dẫn mới có thể thực thi.

Số lượng Thông tư được các bộ, ngành ban hành lớn hơn nhiều so với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Trong 5 năm (2016 – 2020), các bộ, ngành đã ban hành hơn 2.530 Thông tư và Thông tư liên tịch hướng dẫn các Luật, Nghị định.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nhận xét, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thẩm quyền của Thông tư rất thấp (dưới Nghị định và Luật), nhưng thực tế ngược lại. Có thông tư chưa thống nhất với Nghị định hoặc quy định thiếu rõ ràng, tạo cách hiểu không nhất quán và ách tắc trong thực thi pháp luật, thậm chí Thông tư còn “to hơn cả Luật”.

Theo quy định, Thông tư không được “cài” điều kiện kinh doanh, hay quy định các thủ tục hành chính… nhưng thực tế tình trạng này vẫn còn. Một số Thông tư gây khó khăn cho DN được ông Tuấn chỉ ra, như Thông tư quy định lắp camera phải theo dõi khoang hành khách, trong khi Nghị định không yêu cầu. Điều này khiến tốn thêm chi phí lắp camera, đường truyền thậm chí hình ảnh riêng tư.

Nhận xét về khuyết điểm trên, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng, vấn đề này thể hiện “góc nhìn nhỏ của một bộ, ngành nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến số đông DN”. “Cơ quan ban hành những văn bản này cần tham vấn ý kiến cộng đồng DN, rà soát kỹ để tránh tình trạng ban hành rồi lại đình chỉ, làm giảm hiệu lực chính sách”, bà Thảo nói.

Trong lĩnh vực sản xuất, cũng có những nội dung tại Thông tư “đá” Nghị định, Luật gây khó khăn cho DN. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) phản ánh, sản phẩm con tôm đông lạnh dùng cho người khi xuất đi khỏi Việt Nam thì Bộ NN&PTNT giao cho một đơn vị quản lý trên cơ sở Thông tư 48 (hướng dẫn Luật An toàn Thực phẩm) kiểm tra an toàn thực phẩm với sản phẩm xuất khẩu.

Cũng sản phẩm này nhưng từ nước ngoài về Việt Nam, thì cơ quan khác lại quản lý và phải kiểm duyệt theo Luật Thú y. “Việt Nam đã hội nhập, việc công nhận sản phẩm tương đương là cơ chế chung được áp dụng, thì sao với cùng một sản phẩm ở Việt Nam lại có cách quản lý khác nhau?”, chuyên gia đặt câu hỏi.

Công văn dạng “muốn hiểu ra sao thì hiểu”

Không riêng các Thông tư, ngay với công văn của bộ, ngành không phải là văn bản quy phạm pháp luật cũng mang nội dung, tính chất như quy định.

Ông Tuấn dẫn chứng Công văn 8909 của Bộ KH&ĐT, hướng dẫn một số thủ tục về đầu tư, trong khi Nghị định 31 hướng dẫn Luật Đầu tư chưa được ban hành là “có vấn đề” về thẩm quyền, khiến một số địa phương lo ngại khi thực hiện gặp khó khăn, tạo hệ lụy lớn về mặt pháp lý, gây thiệt hại và rủi ro cho DN.

Phổ biến hiện nay là tình trạng công văn trả lời nội dung về việc áp dụng pháp luật của DN không đi thẳng vào vấn đề mà trích dẫn các quy định pháp luật, khiến DN “muốn hiểu ra sao thì hiểu”.

Ông Nguyễn Hoài Nam đồng tình, nhiều trường hợp nếu các bộ, ngành chưa có công văn trả lời là mọi thủ tục của DN dừng lại hết. Nhiều công văn khi nhận được, DN không biết áp dụng thế nào.

Nguyên nhân khiến các văn bản pháp luật “đá” nhau, kém chất lượng, bà Nguyễn Minh Thảo chỉ ra, do năng lực kém và thiếu cơ chế giám sát tiếp thu pháp lý.

“Thông tư là của Bộ trưởng ban hành, nhưng hiện ta chưa có chế tài, mặc dù có cơ chế khởi kiện nhưng khó thực hiện”, bà Thảo nói và cho rằng, cần có cơ chế giám sát văn bản quy phạm pháp luật khi được ban hành.

Ông Nguyễn Hoài Nam kiến nghị, cần có chế tài cụ thể cho những văn bản kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư kinh doanh của DN. “Chúng ta có hàng trăm chế tài xử lý vi phạm của công dân, nhưng chế tài cho cán bộ trong ban hành các văn bản kém chất lượng rất ít”, ông Nam nêu.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI đề xuất, cần nâng cao và phát huy vai trò của cơ quan “gác cửa” chất lượng Thông tư, gắn trách nhiệm cá nhân với những Thông tư có vấn đề, gây thiệt hại cho DN và nền kinh tế.

theo Đông Hòa – Báo pháp luật Việt Nam

Tin liên quan

Đề nghị bổ sung 04 dự án Luật và 01 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 - Cập nhật: 27/11/2024 08:41
Tuần cuối Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV (ngày 25-30/11): Quốc hội xem xét công tác nhân sự, thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng - Cập nhật: 25/11/2024 14:27
Bế mạc Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bảo đảm chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội - Cập nhật: 20/11/2024 08:57
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 4: Dấu ấn ngành Tư pháp - Cập nhật: 19/11/2024 08:47
Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam - Cập nhật: 18/11/2024 08:41
Đột phá từ Trung ương - Cập nhật: 15/11/2024 09:58
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 13/11/2024 10:16
Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành, quán triệt, thực hiện Nghị quyết của Đảng - Cập nhật: 12/11/2024 12:51
Lắng nghe, thấu hiểu và quyết liệt tháo gỡ - Cập nhật: 11/11/2024 10:08
Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Trọng tâm là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 11/11/2024 09:04