Cần giải quyết tốt vấn đề chênh lệch địa tô và giá đất

Cập nhật: 21/06/2023 14:53

Thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sáng nay, 21.6, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện trong lĩnh vực này cần giải quyết tốt hai vấn đề về chênh lệch địa tô và giá đất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên thảo luận.

Điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch

Đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã được chỉnh lý, hoàn thiện rất công phu, nghiêm túc, tiếp thu tối đa ý kiến của nhân dân, các cơ quan, tổ chức, chất lượng được nâng lên rất nhiều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư.

Giải quyết tốt vấn đề chênh lệch địa tô và giá đất -0
Đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) đánh giá cao Cơ quan chủ trì soạn thảo đã rất nỗ lực để tiếp thu 12 triệu lượt ý kiến và bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. “Hàng triệu ý kiến của Nhân dân gửi đến Chính phủ cũng là hàng triệu niềm tin của người dân gửi đến Quốc hội, Chính phủ, kỳ vọng Luật Đất đai sau sửa đổi sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý đất đai thời gian qua”, đại biểu Trần Thị Thanh Lam nêu rõ.

Trong đó, nhiều ĐBQH quan tâm cho ý kiến và đề nghị cần hoàn thiện thêm vấn đề về chênh lệch địa tô và giá đất. Bởi, đất đai là tài sản lớn nhất của quốc gia nên cần cơ chế, chính sách để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện trong quản lý đất đai.

Giải quyết tốt vấn đề chênh lệch địa tô và giá đất -4
Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Để góp phần điều tiết địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch, ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) nêu vấn đề, quy định tại Điều 158, dự thảo Luật, về nguyên tắc xác định giá đất, chưa đủ điều kiện để thực hiện xác định giá đất trong đời sống thực tế. Cơ sở để xác định giá đất tiệm cận với giá thị trường vẫn là điều còn mơ hồ, giá đất năm 2022 khác với giá đất năm 2024 thì xác định như thế nào để không thất thoát là điều rất khó.

Mặt khác, việc xác định giá đất như thế nào để hài hòa được lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, nếu cứ theo phương án an toàn, thì tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư sẽ quá lớn, khó thu hút nhà đầu tư. Do vậy, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất theo giá thị trường, bảo đảm rõ ràng, thể chế hóa đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của Nghị quyết 18.

Giải quyết tốt vấn đề chênh lệch địa tô và giá đất -2
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Nhiều ĐBQH cũng cho rằng, để xác định giá đất tiệm cận giá thị trường phải có dữ liệu thị trường tin cậy, hệ thống thu thập cơ sở dữ liệu thông tin đất đai đồng bộ trên cơ sở các quy định pháp luật. Khi có cơ sở dữ liệu bảo đảm tính pháp lý sẽ xác định giá đúng, từ đó bồi thường thiệt hại đúng, thu tiền sử dụng đất đúng, bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân, bảo đảm công khai, minh bạch, không gây thất thoát nguồn lực từ đất đai, tránh rủi ro cho cán bộ thực hiện. Do vậy, cần tiếp tục nguyên cứu để quy định rõ nội dung liên quan về thông tin đầu vào.

Quy định cụ thể hơn phương pháp xác định giá đất

Tại khoản 4, Điều 158, dự thảo Luật quy định 4 phương pháp tính giá đất. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Khải, càng quy định nhiều phương pháp xác định giá đất càng khó áp dụng, vì nếu áp dụng 4 phương pháp này cho cùng một thửa đất sẽ cho 4 kết quả khác nhau. Do đó, đại biểu đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể hơn về phương pháp tính giá đất, nguyên tắc xác định giá đất để Quốc hội tiếp tục cho ý kiến.

Để tường minh hơn về vấn đề này có thể nghiên cứu xây dựng một phương pháp thật đơn giản, để khi tính giá trị quyền sử dụng đất được nhanh chóng, tránh phải phân tích, lựa chọn nhiều phương pháp như dự thảo Luật.

Giải quyết tốt vấn đề chênh lệch địa tô và giá đất -0
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Về vấn đề này, ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, làm rõ, minh bạch nguyên tắc thị trường để bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và người nhà đầu tư. Bởi thực tiễn thời gian qua, việc bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi không chỉ ở vấn đề tính tiền bồi thường khi thu hồi đất, mà còn ở phương pháp, phương án hỗ trợ tái định cư theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Việc duy trì một mặt bằng hợp lý các chi phí liên quan đến đất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phát triển bền vững.

Đồng quan điểm, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị, tiếp tục đánh giá để quy định cho hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất, vì hiện nay trong 4 phương pháp theo quy định hiện hành có vướng mắc, khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện.

theo Thanh Hải – Báo Đại biểu nhân dân

Tin liên quan