Ảnh minh họa.
Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Đường bộ tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương ghi nhận dự thảo luật được chuẩn bị công phu, toàn diện với sự cố gắng tách 1 luật thành 2 luật tuy nhiên vẫn còn một số điều trùng lặp giữa dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đại biểu cho rằng chính sách phát triển đường bộ còn khá chung chung, đề nghị cân nhắc hoàn thiện Điều 5 dự thảo Luật.
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, việc tách riêng Luật Đường bộ để tập trung quy định các vấn đề về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và vận tải đường bộ là cần thiết. Cơ quan soạn thảo đã cố gắng phân định một cách hợp lý nhất các nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, còn một số quy định đang được quy định đồng thời ở hai luật, gây bất tiện cho người dân trong quá trình áp dụng, thực thi luật. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo quy định không bỏ sót, nhưng cũng không trùng lặp, dễ áp dụng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Dũng, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định bày tỏ thống nhất với việc xây dựng dự thảo Luật Đường bộ cũng như dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ trên cơ sở chính trị, pháp lý rõ ràng, cụ thể,…
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho rằng, việc xây dựng tách biệt 2 dự thảo Luật này cũng sẽ khá khó khăn, nhất là các nội dung liên quan cùng có quy định tại 2 dự thảo Luật.
“Có rất nhiều vấn đề cần phải phân định và cân nhắc để quyết định quy định ở một luật hay cả 2 luật. Ví dụ như vấn đề về xe đưa đón học sinh, một người là lái xe, một người là quản lý học sinh. Tại dự thảo Luật Đường bộ đang quy định lái xe cần phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm vận tải hành khách. Tuy nhiên tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ thì chỉ có quy định đối với người quản lý…”, đại biểu Hải nêu dẫn chứng.
Đại biểu Hải cho rằng, việc triển khai trong thực tiễn sẽ rất phiền phức, khó khăn. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, rà soát đối với các nội dung như vậy có thể dồn vào quy định tại một luật.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cũng nêu quan điểm, trên cơ sở Luật Giao thông đường bộ năm 2008, sau khi tách thành 02 Luật là Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có phát sinh một số nội dung liên quan đến 05 cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ và 09 cơ sở dữ liệu trật tự, an toàn giao thông đường bộ (trong cả 02 dự thảo Luật có khoảng 14 cơ sở dữ liệu). Khi 02 dự thảo Luật có hiệu lực thi hành thì phải tiến hành xây dựng thống nhất trên toàn quốc các cơ sở dữ liệu này. Điều này đáp ứng việc cải tiến thủ tục hành chính và nhu cầu chuyển đổi số tuy nhiên nguồn lực về trang thiết bị, nhân lực, kinh phí,… hiện tại của nước ta có thể đảm đương cập nhật được 14 cơ sở dữ liệu hay không?
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát để đưa ra lộ trình phù hợp. Đồng thời, Ban soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng 02 dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để tránh các nội dung quy định chồng lấn.
theo DUY ANH (t/h) – Tạp chí luật sư VN