Cần sự đồng thuận giữa các cơ quan trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Cập nhật: 16/11/2020 08:52

Đó là thông tin được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo kinh nghiệm trong công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư, do Tạp chí Thanh tra phối hợp với Thanh tra tỉnh Đồng Nai tổ chức ngày 13/11

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh: NM

Tham dự hội thảo có Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Đặng Công Huẩn và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, cùng lãnh đạo Cục III (TTCP), Ban Tiếp công dân Trung ương, đại diện Thanh tra các bộ, ngành, địa phương.

Tại hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Đặng Công Huẩn cho biết, nguyên nhân dẫn đến các vụ việc khiếu nại, tố cáo (KN, TC) tồn đọng, kéo dài là do sự thiếu đồng thuận trong cách giải quyết. Trong đó, đáng chú ý là việc bảo lưu ý kiến của một số cơ quan, không điều chỉnh các kiến nghị của cơ quan phối hợp, là một trong những nguyên nhân gây KN kéo dài.

Lãnh đạo TTCP cho biết, sự chỉ đạo, phối hợp giữa TTCP với các cơ quan, sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương với địa phương, thời gian qua, đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, trong đó, sự đồng thuận trong giải quyết các vấn đề là giải pháp mang đến thành công.

“Nên phát huy mặt tích cực các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội, cơ quan tuyên truyền… cũng như quan tâm các chế độ, chính sách cho những cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp công dân, giải quyết KN, TC, vì đây là lực lượng góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành nhiệm vụ của ngành”, Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Tại hội thảo, đại diện thanh tra một số địa phương đã nêu lên một số tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác.

 Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho rằng, cần sớm xây dựng hệ thống thông tin giữa các cơ quan, ngành Thanh tra trong giải quyết KN, TC. Ảnh: NM

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Nai cho biết, nhìn chung, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã chấp hành tốt các quy định về trình tự, thủ tục trong tiếp công dân. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về quy chế tiếp công dân của Chủ tịch UBND tỉnh. Trên cơ sở đó, các cơ quan hành chính Nhà nước ban hành lịch tiếp công dân định kỳ đúng quy định.

Công tác tiếp công dân, xử lý bước đầu đối với KN, TC, kiến nghị, phản ánh của công dân được lãnh đạo các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện đúng quy định. Hầu hết công dân đến KN, TC tại trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân đều được cán bộ tiếp nhận đơn, đề xuất xử lý hoặc hướng dẫn gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền.

Theo Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Nai, từ thực tiễn công tác có thể rút ra một số kinh nghiệm, giải pháp mang tính khoa học. Đó là tiếp công dân là nhiệm vụ chính trị, trong đó đề cao vai trò dân vận chính quyền “tiếp công dân, giải quyết KN, TC phải đặt mình vào vị trí của người dân”.

Cùng với đó là việc thực hiện tốt công tác dự báo tình hình; tổ chức tập huấn nghiệp vụ và kiểm tra, giám sát định kỳ để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế cũng như xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KN, TC.

Tăng cường công tác đi cơ sở để nắm tình hình khiếu kiện; các cơ quan các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ, nắm bắt, thông tin tình hình khiếu kiện tại cơ sở, kịp thời có kế hoạch, phương án tiếp công dân cũng như tham mưu cho lãnh đạo xử lý vụ việc đúng quy định pháp luật, không để xảy ra điểm nóng.

 Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: NM

“Cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa các cơ quan với ban tiếp công dân, đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ. Tăng cường vai trò chủ trì của ban tiếp công dân, trưởng ban trong hoạt động thường xuyên, đặc biệt là trong phối hợp xử lý giữa các cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân”, Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Nai chia sẻ.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho rằng, cần sớm xây dựng hệ thống thông tin giữa các cơ quan, ngành Thanh tra trong công tác giải quyết KN, TC, từ đó thống nhất hướng xử lý trước khi chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Điều này sẽ thuận lợi hơn trong việc xử lý thông tin liên quan đến các vụ việc.

Liên quan đến việc giải phóng mặt bằng Sân bay Quốc tế Long Thành, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai chia sẻ, trước khi thực hiện, địa phương đã khảo sát ý kiến của người dân, sau đó tổng hợp, phân loại để xây dựng khung chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng, qua đó đã nhận được sự đồng thuận của người dân.

Theo đại diện Thanh tra tỉnh Bình Dương, một trong những nguyên nhân dẫn đến các tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết KN, TC là do một số vụ việc có nội dung phức tạp, thời gian xảy ra từ lâu, có nhiều vấn đề tồn tại về đất đai do lịch sử để lại. Trong khi pháp luật qua nhiều thời kỳ, giai đoạn đã có những thay đổi, dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết…

 Theo đại diện Thanh tra tỉnh Bình Dương, cần phát huy, tăng cường phối hợp trong công tác tiếp công dân và xử lý đơn. Ảnh: NM

Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết KN, TC, đại diện Thanh tra tỉnh Bình Dương cho rằng, cần phát huy và tăng cường trong công tác phối hợp với ban tiếp công dân. Ngoài ra, để có cơ sở xử lý các vi phạm trong lĩnh vực tiếp công dân, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.

Sau khi nghe đại diện các đơn vị nêu những khó khăn trong công tác tiếp công dân, giải quyết KN, TC, Phó Tổng TTCP Đặng Công Huẩn đề nghị các đơn vị trong ngành cần tập trung rà soát kỹ nội dung vụ việc, giải thích thấu tình, hợp lý cho người KN nắm rõ về chính sách, pháp luật hiện hành. Đồng thời, giữa các cơ quan phối hợp cần có sự đồng thuận cao trong việc nghiên cứu, xứ lý, giải quyết vụ việc. Có như vậy, các trường hợp KN tồn đọng sẽ được giải quyết căn cơ, KN vượt cấp sẽ không còn tiếp diễn.

theo Đinh Mười – Cảnh Nhật (Báo Thanh tra)

Tin liên quan