Người dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở. |
Chiều 28/8, lực lượng chức năng của xã Minh Phú thực hiện những công việc cuối cùng để hoàn thành việc cưỡng chế công trình lấn chiếm đất rừng, vi phạm trật tự xây dựng nằm tại vị trí cao nhất của con dốc lên đỉnh đồi Dõng Chum, thuộc thôn Phú Ninh.
Đoạn đường bê-tông đã được dọn dẹp sạch bùn đất, nhưng vẫn lênh láng nước từ trên cao chảy xuống, dồn vào ao phía đầu đường, đục ngầu, rồi tràn qua đường. Đây là khu vực đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng ngày 4/8. Hôm đó, nước, bùn, đất cuồn cuộn từ trên cao đổ xuống, vùi lấp nhiều ô-tô, tràn xuống khu vực dân cư khiến người dân hoảng hốt.
Theo lý giải của đại diện Ủy ban nhân dân xã Minh Phú, nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở đất là do mưa lớn liên tục trong hai ngày trước đó, lượng nước dồn nén cục bộ, gây ùn tắc hệ thống thoát nước của tuyến đường phòng cháy, chữa cháy phía trên. Dòng nước lớn gây ra xói lở, cuốn theo đất đá trôi xuống, gặp vật cản là các xe ô-tô dừng đỗ dọc đường, khiến ô-tô bị vùi lấp…
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tuyến đường bê-tông dài khoảng 600 m, rộng khoảng 6-7 m chạy từ chân dốc lên đỉnh đồi Dõng Chum do các hộ dân tự ý xây dựng để phục vụ các công trình dọc hai bên đường. Tuyến đường này không có hệ thống rãnh thoát nước hai bên, độ dốc lớn, cộng với hệ thống tường rào bảo vệ các công trình xây dựng kiên cố hai bên đường vô tình tạo thành đường ống dẫn nước mỗi khi có mưa lớn.
Trên đỉnh đồi, công trình vi phạm đất rừng, xây dựng trái phép đã có phương án cưỡng chế từ tháng 8/2022, nhưng chậm triển khai. Cùng với đó, nhiều khu đất rừng bị san gạt phẳng, tạo ra những khu đất trống có diện tích lớn.
Năm 2017-2018, Thanh tra thành phố Hà Nội đã thanh tra toàn diện quá trình sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, tập trung vào “điểm nóng” tại xã Minh Phú và Minh Trí. Đến tháng 3/2019, Thanh tra thành phố Hà Nội có kết luận chỉ rõ trên địa bàn huyện Sóc Sơn có 2.915 trường hợp vi phạm về đất đai có công trình xây dựng, trong đó có 2.715 trường hợp vi phạm đất rừng. Riêng tại xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực bảy hồ lớn trong rừng có gần 800 công trình vi phạm.
Còn theo phản ánh của người dân sinh sống tại đây, tình trạng đất đá bị sạt lở mỗi khi mưa lớn đã xảy ra nhiều lần, từ sau khi các công trình xây dựng kiên cố, đổ bê-tông, cốt thép với chiều cao hai, ba tầng và nhiều hạng mục xây dựng phụ trợ như bể bơi, sân đỗ ô-tô, nhà nghỉ, phục vụ khách du lịch mọc lên. Người dân cũng cho biết thêm, khoảng hai, ba tháng trước, có nhiều người đã tiến hành san gạt đất đồi, xây dựng công trình trái phép trên đất rừng.
Tìm hiểu thực tế tại đây của chúng tôi được biết, các vi phạm đất rừng, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, nhất là các vi phạm tại xã Minh Phú và Minh Trí đã diễn ra từ nhiều năm trước, gây bức xúc dư luận.
Năm 2017-2018, Thanh tra thành phố Hà Nội đã thanh tra toàn diện quá trình sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, tập trung vào “điểm nóng” tại xã Minh Phú và Minh Trí. Đến tháng 3/2019, Thanh tra thành phố Hà Nội có kết luận chỉ rõ trên địa bàn huyện Sóc Sơn có 2.915 trường hợp vi phạm về đất đai có công trình xây dựng, trong đó có 2.715 trường hợp vi phạm đất rừng. Riêng tại xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực bảy hồ lớn trong rừng có gần 800 công trình vi phạm.
Đại diện Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thanh tra thành phố về việc xử lý 68 trường hợp vi phạm nghiêm trọng đất rừng, huyện Sóc Sơn đã tiến hành cưỡng chế, xử lý xong 35 công trình vi phạm; còn 33 công trình đang trong quá trình cưỡng chế thì có đơn khiếu nại của công dân và văn bản của Thanh tra Chính phủ yêu cầu tạm dừng việc cưỡng chế để làm rõ hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án quy hoạch rừng…
Đối với những vi phạm từ năm 2020 đến nay tại hai xã Minh Phú, Minh Trí, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn, Phạm Quang Ngọc cho biết, trong bảy tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng đã xử lý 28 trường hợp vi phạm xây dựng công trình, chín vụ khai thác, phá rừng và giải tỏa 275 lều, lán tạm kinh doanh dưới tán cây rừng để bảo đảm công tác phòng cháy, chữa cháy.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân xã Minh Phú và Minh Trí đã xử lý 29 trường hợp vi phạm từ trước năm 2022, còn 45 vi phạm mới phát sinh đang được thiết lập hồ sơ, xây dựng phương án cưỡng chế, giải tỏa trong năm 2023. Đáng chú ý, Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn tiến hành kiểm tra công vụ tại hai xã Minh Phú, Minh Trí, qua đó kỷ luật đối với 11 cá nhân vi phạm, trong đó cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Minh Phú, cảnh cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Minh Trí; đồng thời hoàn thiện hồ sơ đối với 170 trường hợp chuyển cơ quan cảnh sát điều tra do liên quan đến việc mua, bán, chuyển nhượng đất đai không đúng quy định.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn, nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm đất rừng, trật tự xây dựng tràn lan tại các xã Minh Phú, Minh Trí là do đội ngũ cán bộ còn buông lỏng công tác quản lý; xử lý vi phạm không kiên quyết; còn che giấu vi phạm đất đai, trật tự xây dựng. Ý thức chấp hành pháp luật của một số hộ dân còn hạn chế, mặc dù chính quyền địa phương đã kiểm tra, yêu cầu dừng vi phạm, nhưng nhiều trường hợp vẫn cố tình không chấp hành. Công tác phối hợp giữa Ban Quản lý rừng phòng hộ-đặc dụng Hà Nội, Hạt Kiểm lâm huyện Sóc Sơn, Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội với hai xã Minh Phú, Minh Trí trong việc phát hiện, xử lý vi phạm liên quan đến đất rừng, công trình thủy lợi thiếu chặt chẽ.
Bên cạnh đó, còn nguyên nhân khách quan do quy hoạch rừng năm 2008 trùng lấn diện tích đất quốc phòng-an ninh, công trình dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; đất của hộ gia đình cá nhân; công tác giao đất giao rừng, cắm mốc giới rừng, đo đạc bản đồ địa chính đất rừng chưa được thực hiện… Vì thế, Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn đã báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho phép điều chỉnh quy hoạch rừng, cập nhật vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô.
Rõ ràng, việc vi phạm đất rừng, xây dựng công trình trái phép trên đất rừng đã để lại hậu quả hiện hữu. Nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, cháy rừng…, gây thiệt hại lớn về tài sản và người vẫn ở mức cao. Để phòng chống, giảm thiệt hại và khai thác giá trị từ rừng, đưa rừng Sóc Sơn trở thành lá phổi xanh của Thủ đô, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn phối hợp các cơ quan chức năng rà soát, xem xét điều chỉnh quy hoạch rừng trên tinh thần quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn, vừa bảo đảm sinh kế cho người dân.
Đặc biệt, cần tránh tình trạng đổ lỗi cho quy hoạch để trốn tránh trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng và lợi dụng điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa các sai phạm trên đất rừng. Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn chỉ đạo các xã có rừng kiểm tra, xử lý triệt để các vi phạm trên đất rừng, kiên quyết không để phát sinh công trình vi phạm. Khẩn trương tổ chức cưỡng chế các công trình vi phạm trên đất rừng, nhất là tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao; đồng thời tiếp tục xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức bao che sai phạm, trục lợi từ rừng.