Ảnh minh hoạ.
Cụ thể, thủ đoạn của các đối tượng là gọi điện cho nạn nhân, thông báo ứng dụng VNEID của họ bị lỗi. Sau đó, hướng dẫn họ tải ứng dụng sửa lỗi online. Sau khi nạn nhân cài đặt thì toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân bị chiếm đoạt. Các ứng dụng giả mạo này có tính năng thu thập thông tin cá nhân, kiểm soát, theo dõi, điều khiển điện thoại nạn nhân từ xa. Mục đích là đăng nhập tài khoản ngân hàng và tin nhắn mã OTP để chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin đã liên tục đưa ra khuyến cáo nhưng vẫn có người dân nhẹ dạ cả tin sập bẫy đối tượng lừa đảo.
Người dân cần tìm hiểu kỹ những thông tin về lừa đảo trực tuyến để tăng cường biện pháp bảo vệ bản thân trên môi trường mạng. Tuyệt đối không tin, không thực hiện theo yêu cầu của người lạ qua điện thoại, không truy cập vào các đường link hoặc kho ứng dụng không chính thống để tải và cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc. Công an các cấp tuyệt đối không bao giờ làm việc với người dân qua điện thoại và mạng xã hội. Khi cần hỗ trợ về cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử người dân nên đến trực tiếp Công an địa phương nơi gần nhất để được hướng dẫn.
Trường hợp nhận thấy bất kỳ hành vi lừa đảo hoặc mạo danh nào từ phía VNeID, hãy thông báo cho họ ngay lập tức thông qua các kênh liên lạc chính thức của họ để họ có thể hỗ trợ xử lý vụ việc.
Đặc biệt, từ ngày 01/7/2024, theo quy định của Chính phủ, khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến chỉ được sử dụng tài khoản VNeID. Do đó, nguy cơ giả mạo liên quan đến ứng dụng VNeID sẽ càng nhiều và mọi người cần làm theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.
theo MINH ANH – Tạp chí luật sư VN
https://lsvn.vn/canh-bao-lua-dao-gia-mao-cong-an-bao-loi-vneid-chiem-doat-tai-san-1719739889.html