Ảnh minh hoạ.
Với tính chất là những giá trị phổ biến, cao quý, được thừa nhận chung bởi nền văn minh nhân loại, nhà nước pháp quyền là biểu hiện của một trình độ phát triển dân chủ, tiến bộ, nhân văn. Lý luận và thực tiễn đã chứng minh rằng việc xây dựng nhà nước pháp quyền là xu thế tất yếu khách quan. Để xây dựng thành công nhà nước pháp quyền đích thực bất kì nhà nước dân chủ nào trên thế giới cũng phải quan tâm, chú trọng đến xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như tổ chức thực hiện có hiệu quả pháp luật. Tuy nhiên, xây dựng pháp luật là một quá trình phức tạp, trải qua nhiều giai đoạn, cấp độ, có liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân, được thực hiện theo những trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Xét về bản chất, xây dựng pháp luật là hoạt động mang tính sáng tạo nhằm đưa ý chí nhà nước, ý chí của lực lượng thống trị xã hội chuyển thể thành pháp luật. Việc xây dựng và ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn có ý nghĩa rất quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Trên thực tế, không phải mọi hệ thống pháp luật đều phù hợp với việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền mà chỉ có hệ thống pháp luật dân chủ, tiến bộ, khả thi, công bằng, nhân đạo, vì con người mới có thể làm cơ sở cho chế độ pháp quyền trong nhà nước và xã hội.
Nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật những năm qua Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Trong Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” đã xác định và nhấn mạnh yêu cầu “đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch” cần phải có của hệ thống pháp luật nước ta. Ngày 11/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 43/CT-TTg về “Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật”. Tiếp đó, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục đề ra nhiệm vụ: “Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”(1) và coi đó là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn mới.
Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9/11/2022 về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”. Nghị quyết này nhấn mạnh một trong các mục tiêu cụ thể cần phấn đấu đến năm 2030 là xây dựng “Hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán”(2). Trong đó, các tiêu chí mới của pháp luật được nhấn mạnh đó là: Tính dân chủ, tính nhân đạo, tính công bằng, tính dễ tiếp cận… Có thể thấy “dân chủ, công bằng, nhân đạo” là những tiêu chí quan trọng và không thể thiếu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, thể hiện sự quan tâm toàn diện, sâu sắc, bao phủ đến các đối tượng điều chỉnh. Do đó, các tiêu chí này cần được quan tâm, chú trọng tương xứng trong công cuộc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở nước ta thời gian tới.
Trên thực tế, quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở nước ta những năm qua cho thấy bên cạnh những thuận lợi cũng đan xen không ít khó khăn, thách thức. Đáng chú ý là khó khăn, thách thức đến từ các âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Chúng triệt để lợi dụng việc nghiên cứu, thảo luận, lấy ý kiến trong quá trình lập pháp tại các kỳ họp của Quốc hội để xuyên tạc, vu cáo Nhà nước ta vi phạm dân chủ và nhân quyền(3), hoặc lợi dụng hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xây dựng pháp luật để tác động, can thiệp vào quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực khác nhau, nhất là về thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa, quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam.
Thực tiễn cho thấy, phương thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch diễn ra hết sức đa dạng, tinh vi và được ngụy trang kín đáo. Trong đó, nổi lên các phương thức, thủ đoạn sau:
– Thông qua tài trợ các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật;
– Thông qua phương thức đặt hàng nghiên cứu phục vụ xây dựng pháp luật;
– Thông qua tổ chức hội thảo, tọa đàm, tập huấn hỗ trợ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật;
– Vận động các nhóm dễ bị tổn thương, người lao động, một bộ phận người dân nhận thức còn hạn chế để đưa ra các yêu cầu vô lý vào quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật;
– Mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng quản lý cho Luật sư miễn phí;
– Mời cán bộ thuộc các cơ quan lập pháp, tư pháp, các nhà nghiên cứu luật ở các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đi tham quan, trao đổi nghiên cứu ở nước ngoài… từ đó lồng ghép, lôi kéo, tuyên truyền tư tưởng dân chủ tư sản, đa nguyên chính trị, đa đảng đa đảng đối lập, nhằm chuyển hóa quan điểm lập pháp, hướng lái xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quỹ đạo của phương Tây.
Không chỉ dừng lại ở đó, chúng còn tìm cách sử dụng lợi ích vật chất, tinh thần để mua chuộc, dụ dỗ các cán bộ tại các cơ quan tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật. Xảo quyệt và trắng trợn hơn, các thế lực thù địch, phản động chuyển sang gây áp lực, thậm chí đe dọa các cán bộ có tầm ảnh hưởng khi dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo nhằm thực hiện mưu toan điều chỉnh hệ thống pháp luật nước ta.
Điển hình: Trong quá trình lấy ý kiến góp ý của Nhân dân vào dự thảo Hiến pháp năm 2013, một nhóm nhân sĩ, trí thức, cựu quan chức có tư tưởng bất mãn đã tập hợp đưa ra các yêu sách thông qua “kiến nghị” đòi xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; thay đổi tên nước, bỏ quy định lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng… Bên cạnh đó, trên một số trang mạng còn gợi ý xây dựng bản hiến pháp dân chủ mới theo mô hình hiến pháp “Cộng hòa tổng thống” nhằm gây áp lực cho các nhà lập hiến.
Trên nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Youtube, Tiktok, Telegram hay blog cá nhân của các đối tượng chống đối xuất hiện hàng loạt tin, bài viết, hình ảnh, video clip với các khẩu hiệu xuyên tạc như: “Pháp luật Việt Nam, một bước lùi đối với tiến bộ xã hội”; “Luật An ninh mạng là luật chống lại loài người”, “đàn áp người bất đồng chính kiến”, “nhằm bịt miệng dân chủ”, “tạo rào cản kinh doanh”, “vi phạm quyền tự do ngôn luận”; “Luật Phòng, chống tham nhũng chẳng qua chỉ là công cụ trong cuộc “đấu đá” nội bộ… Gần đây, lợi dụng việc góp ý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Căn cước, Luật Đất đai (sửa đổi)… một số trang web, blogger đã tham gia “góp ý” thiếu tính xây dựng, cố tình giải thích, hướng lái nhằm mục đích làm cho người dân hiểu sai lệch theo âm mưu, toan tính của chúng. Ví dụ: Trên cơ sở quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”, các đối tượng chống đối đã “bẻ cong”, xuyên tạc nhằm mục đích làm cho người dân hiểu sai thành “đất đai là độc quyền sở hữu của Nhà nước” hoặc “Luật Căn cước mới có hiệu lực thì người dân phải làm lại căn cước, tốn kém, mất thời gian, công sức”… từ đó reo rắt hoài nghi, bức xúc, kích động tụ tập đông người, gia tăng hoạt động tuyên truyền nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định tình hình chính trị, xã hội.
Trong khi Nhà nước ta đã rất quan tâm, cố gắng, nỗ lực, ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, quyền công dân trong suốt những năm qua. Điển hình: Chỉ trong giai đoạn từ năm 2019 đến cuối năm 2022, Quốc hội nước ta đã thông qua 49 Luật, trong đó có nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân như: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, Luật Cư trú năm 2020, Luật Thanh niên năm 2020, Luật Thanh tra năm 2022, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022… Riêng trong năm 2023, Quốc hội đã thông qua 16 Luật trong đó có những dự án luật quan trọng với nhiều nội dung khó, phức tạp như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng(4)… Năm 2024 Quốc hội dự kiến sẽ thông qua 18 Luật(5). Nhìn chung công tác xây dựng pháp luật từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, phát huy ngày càng cao tính dân chủ, pháp quyền, đề cao trách nhiệm với tinh thần lập pháp chủ động, vào cuộc từ sớm, từ xa… bảo đảm đúng yêu cầu về tiến độ, chất lượng(6). Các quyền con người, quyền công dân theo hiến định tiếp tục được cụ thể hóa bằng pháp luật và thực hiện tốt hơn trên thực tế(7).
Trên phương diện quốc tế, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia các cơ chế toàn cầu và khu vực về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 07/09 công ước quốc tế chủ chốt về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về lao động, việc làm, đồng thời chủ động xây dựng, nộp báo cáo quốc gia về tình hình thực thi Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị (ICCPR) tại Việt Nam lần lượt vào các năm 1989, 2001, 2017 và 2023. Năm 2024, Việt Nam đã hoàn thành Báo cáo quốc gia lần thứ hai về thực thi Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và gửi đến Ủy ban chống tra tấn theo quy định. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu khả năng nước ta gia nhập Công ước quốc tế năm 1954 về vị thế người không quốc tịch và Công ước quốc tế năm 1961 về giảm thiểu tình trạng không quốc tịch. Có thể thấy, những thành tựu đạt được nêu trên đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy dân chủ, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh các thành tựu đạt được hệ thống pháp luật nước ta hiện nay vẫn còn tồn tại những hạn chế, thiếu sót, bất cập đó là: Vẫn còn xảy ra tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa một số văn bản quy phạm pháp luật; chất lượng một số dự án luật, pháp lệnh và hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát chưa cao(8) dẫn đến thiếu tính ổn định, thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung; những hạn chế xảy ra trong việc chưa thực hiện đúng các yêu cầu về xây dựng, phân tích chính sách trong quy trình xây dựng pháp luật cũng như đánh giá tác động của chính sách, pháp luật, lấy ý kiến, phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; việc tiếp thu và giải trình ý kiến thẩm định, ý kiến Thành viên Chính phủ chưa đầy đủ, rõ ràng, có trường hợp không tiếp thu, cũng không giải trình rõ lý do(9); năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ chuyên trách tham mưu xây dựng pháp luật còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong giai đoạn mới… Những hạn chế, thiếu sót, bất cập này chính là điều kiện tạo ra những kẽ hở để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng nhằm xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Thời gian tới, trước xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đòi hỏi quá trình xây dựng pháp luật ở nước ta phải có sự điều chỉnh phù hợp hướng tới bảo đảm, bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, quyền công dân ngày càng tốt hơn. Trong quá trình đó, các thế lực thù địch sẽ tiếp tục sử dụng những chiêu trò với tính chất tinh vi, xảo quyệt hơn nhằm lợi dụng hoạt động xây dựng hệ thống pháp luật để chống phá Đảng và Nhà nước ta. Trước thực tế đó, các cơ quan, lực lượng chức năng cần tập trung giải quyết tốt một số vấn đề mang tính giải pháp sau:
Một là, thường xuyên tiến hành tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về pháp luật, về bản chất, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn mới và ý thức, trách nhiệm của công dân trong việc bày tỏ quan điểm, thái độ đối với các nguồn thông tin được tiếp cận. Cần chủ động đăng tải thông tin chính thống, kịp thời, đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng về các chương trình xây dựng pháp luật trong từng giai đoạn. Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân và doanh nghiệp. Tiến hành đổi mới nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật để phù hợp với từng diện đối tượng, đồng thời bảo đảm tiết kiệm, tránh hình thức, lãng phí, dàn trải. Chú ý tăng cường ứng dụng các nền tảng công nghệ số và các công nghệ hiện đại khác trong phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả, thu hút người nghe, hướng tới nâng cao nhận thức, định hướng dư luận từ đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội và của Nhân dân đối với các dự án luật.
Hai là, chủ động cập nhật và thông tin để cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nắm được các phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng quá trình xây dựng pháp luật để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Có thể thấy, đây là giải pháp mang tính chiến lược, đặc biệt quan trọng và cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài nhằm giúp cán bộ, đảng viên và người dân nâng cao nhận thức, hiểu rõ hơn về những âm mưu, phương thức, thủ đoạn xảo quyệt của các thế lực thù địch, phản động. Trên cơ sở đó, không ngừng nâng cao khả năng “tự miễn dịch”, ý thức cảnh giác, củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước, đồng thời tham gia tích cực công tác đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, xuyên tạc về xây dựng pháp luật.
Ba là, thường xuyên rà soát, nghiên cứu, kịp thời xây dựng mới cũng như bổ sung, sửa đổi hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trên tất cả các lĩnh vực bảo đảm yêu cầu xây dựng pháp luật theo chiều sâu và nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật. Cần bám sát thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại, kế thừa những thành tựu đã đạt được, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam(10). Các bộ, ban, ngành và địa phương tiến hành rà soát, đề nghị sửa đổi, hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục tình trạng thiếu ổn định của các văn bản quy phạm pháp luật, tình trạng chờ văn bản hướng dẫn thi hành mới thực hiện được và tình trạng không tiếp thu, cũng không giải trình rõ lý do vì sao không tiếp thu. Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc quy trình, quy định về tiếp nhận, quản lý, sử dụng các chương trình, dự án nước ngoài tài trợ, nhất là trên lĩnh vực xây dựng pháp luật nhằm phòng ngừa, ngăn chặn việc các đối tượng xấu lợi dụng vấn đề này để can thiệp vào quá trình xây dựng pháp luật, hoặc vu cáo Nhà nước ta vi phạm dân chủ và nhân quyền.
Bốn là, trong quá trình tổ chức công tác xây dựng pháp luật, các cơ quan chức năng và cán bộ chuyên trách tham mưu xây dựng pháp luật cần chấp hành nghiêm chỉ đạo của Đảng, quy định của Nhà nước về quy trình, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, nhất là quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; Kết luận số 19-KL/TW, ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Kết luận số 34-KL/TW, ngày 18/4/2022 của Bộ Chính trị về chiến lược kiểm tra giám sát của Đảng đến năm 2030 nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; Nghị quyết số 126/NQ-CP, ngày 14/8/2023 của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Bảo đảm yêu cầu này sẽ góp phần nâng cao chất lượng các văn bản pháp luật khi được xây dựng và ban hành, đồng thời bịt kín những khoảng trống, kẽ hở không để các thế lực thù địch, phản động có cơ hội lợi dụng xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước ta trên lĩnh vực này.
Năm là, chú trọng tiến hành công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức, bản lĩnh chính trị, ngoại ngữ, kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ chuyên trách trong các cơ quan tham mưu xây dựng pháp luật. Đây là vấn đề hết sức quan trọng mang nhiều ý nghĩa thiết thực, cụ thể: (1) Nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật khi được xây dựng và ban hành; (2) Góp phần phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa; (3) Góp phần tăng cường bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, không hoang mang, dao động, sa ngã trước những thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động; (4) Góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao về xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đất nước và hội nhập quốc tế.
Các cán bộ chuyên trách tham mưu xây dựng pháp luật cần được trang bị những kiến thức cần thiết, những kỹ năng lập pháp hiện đại mà các nước tiên tiến đang áp dụng, nắm vững các quy trình, quy định về xây dựng và ban hành văn bản pháp luật. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần quan tâm, đầu tư kinh phí trang bị các thiết bị hiện đại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dự báo thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch để có kế hoạch, giải pháp phù hợp, sẵn sàng đấu tranh, không để bị động, bất ngờ.
Sáu là, tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, làm rõ và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình triển khai công tác xây dựng pháp luật; phát hiện và xử lý nghiêm minh các đối tượng thù địch, phản động có hành vi chống phá Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực xây dựng pháp luật để răn đe và giáo dục chung. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng cài cắm “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật. Đồng thời, thường xuyên tiến hành, đổi mới nội dung, phương thức đấu tranh nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch trên lĩnh vực xây dựng pháp luật.
————————————-
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, tr.175. (2), (7), (10) Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2022), Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Hà Nội. (3) Hồ Thị Khánh Vi (2019), Cảnh giác trước thủ đoạn xuyên tạc quá trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam của các thế lực thù địch, http://tuyengiaokontum.org.vn, đăng ngày 2/10/2019, truy cập ngày 1/7/2023. (4) Bảo Yến, Phạm Thắng, Nghĩa Đức (2024), Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Hoàng Thanh Tùng: Hoàn thiện các chính sách, quy định của pháp luật bảo đảm thực sự xuất phát từ thực tiễn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, http://quochoi.vn, đăng ngày 6/2/2024, truy cập ngày 14/7/2024. (5), (6) Quốc hội (2023), Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 2/6/2023 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Hà Nội. (8) Nguyễn Phú Trọng (2024), Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, tr.21. (9) Một số giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật nhằm ngăn ngừa tham nhũng, lợi ích nhóm, http://baochinhphu.vn, đăng ngày 14/8/2023, truy cập ngày 3/7/2024. |
theo TS. NGUYỄN THỊ THANH NGA
Khoa Luật, Học viện Chính trị Công an nhân dân – Tạp chí luật sư VN