Cấp tập ứng phó bão số 9

Cập nhật: 27/10/2020 15:11

Các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên đang gấp rút triển khai ứng phó với bão số 9 (tên quốc tế là Molave), cơn bão “mạnh đặc biệt” theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia. Trong phạm vi 8 tỉnh bị ảnh hưởng của bão, tổng số dân phải sơ tán theo kịch bản ứng phó với bão cấp 12, 13 lên tới 1,3 triệu người.

Tùy diễn biến, các địa phương quyết định việc cấm biển

Nguồn: ITN

“Cơn bão mạnh đặc biệt”

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 9 dự kiến đi vào đất liền các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên vào khoảng trưa 28.10. Đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão khi ở trên biển có thể đạt tới cấp 12, 13, giật cấp 15, sóng biển cao từ 8 – 10m. Từ đêm 27.10, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền các tỉnh khu vực Trung và Nam Trung Bộ, hoàn lưu bão gây mưa lớn trên diện rộng.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết đây là cơn bão mạnh đặc biệt. Lần đầu tiên có một cơn bão chưa vào Biển Đông nhưng đã được phát cảnh báo với cường độ cấp 12 – 13 và vùng ảnh hưởng có thể kéo dài cả Bắc – Trung – Nam, rủi ro thiên tai cấp độ 4 có thể sẽ xảy ra. Khi đổ bộ vào đất liền, mức độ tàn phá của cơn bão này có thể tương đương hoặc mạnh hơn bão số 12 (tên quốc tế là Damrey) năm 2017 đã đổ bộ vào các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận khiến hơn 100 người chết và thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, trong phạm vi 8 tỉnh bị ảnh hưởng của bão số 9, số dân phải sơ tán theo kịch bản ứng phó với bão cấp 12 – 13 là gần 1,3 triệu người. Tổng số tàu thuyền từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa là 2.063 tàu, trong khi tổng sức chứa tại 21 khu neo đậu tàu thuyền trong khu vực chỉ đáp ứng khoảng 61% nhu cầu. Cùng với đó, khu vực này có hơn 14 nghìn hecta và gần 179 nghìn lồng, bè nuôi trồng thủy sản. Từ Hà Tĩnh đến Phú Yên có 21 hồ chứa thủy điện đang xả đón lũ, trong đó, khu vực Nam Trung Bộ có 571 hồ chứa thủy lợi đã tích 30 – 90% dung tích, hiện không có hồ xả tràn. Từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận có 627km đê biển, đê cửa sông; có 25 vị trí đê biển xung yếu và 10 vị trí đang thi công.

Tập trung, kiên quyết di dời dân

Các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên đang gấp rút triển khai ứng phó với bão số 9.

Đà Nẵng đã quyết định cho học sinh nghỉ học chiều 27 và ngày 28.10, tạm dừng tất cả các cuộc họp, hội nghị, hội thảo không cần thiết để ứng phó với bão. Công điện của Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến bão lũ, di dời các hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; bảo vệ lồng bè thủy sản và nghiêm cấm người dân ở trên lồng bè khi có thiên tai; tổ chức neo đậu tàu thuyền đúng quy định và đưa thuyền thúng, thuyền nhỏ lên bờ tránh bão. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương kiểm tra các công trình xây dựng và yêu cầu dừng hoạt động, phải hạ thấp cần cẩu, trục tháp, hạ hoặc neo giữ giàn giáo chắc chắn… hoàn thành trước 15 giờ ngày 27.10.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu trước 15 giờ ngày 27.10, các địa phương phải hoàn thành việc di dời những hộ dân ở vùng xung yếu, vùng nguy cơ sạt lở đất, vùng có nguy cơ chia cắt, ven sông suối. Ngành chức năng tăng cường cập nhật, nắm bắt thông tin để truyền đạt, tuyên truyền đến người dân sớm, chính xác để có phương án chủ động phòng chống bão lũ; phân công cán bộ chủ chốt cùng lực lượng về cơ sở giúp dân phòng chống bão; tiếp tục hướng dẫn neo đậu và có phương án bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền.

Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ chức theo dõi diễn biến của mưa lũ, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo vận hành an toàn công trình và an toàn vùng hạ du.

Nhằm ứng phó với bão số 9, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các địa phương không chủ quan trong mọi tình huống; chủ động trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại khi thiên tai xảy ra. Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, theo dõi các khu vực hay bị sạt lở ven biển, nhất là các khu vực dân cư, khu du lịch ven biển để thông báo cho người dân, khách du lịch biết; chủ động sơ tán người và tài sản các hộ dân bị sạt lở, uy hiếp trực tiếp đến nơi an toàn.

Huyện đảo Phú Quý theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 9, có phương án bảo đảm an toàn cho tàu thuyền; chủ động dự trữ lương thực, hàng hóa phòng trường hợp chia cắt với đất liền dài ngày.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương phối hợp với các lực lượng vũ trang nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt; khẩn trương hướng dẫn tàu thuyền tổ chức neo đậu chắc chắn, chống va đập; kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền và lồng bè nuôi trồng thủy hải sản trước 18 giờ ngày 27.10. Đồng thời, rà soát các khu dân cư, kiên quyết di dời người, phương tiện và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; chỉ đạo các cơ quan và nhân dân khẩn trương chằng chống nhà cửa, trụ sở, cắt tỉa cây…

Lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận cho biết, đang phối hợp kiểm đếm tàu thuyền tại cảng, không cho ra khơi vào thời điểm này; tổ chức sắp xếp nơi neo đậu an toàn, an ninh cho tàu thuyền, kể cả tàu vãng lai; đồng thời liên lạc với các chủ tàu thuyền đang đánh bắt hải sản trên biển biết để kịp thời xử lý tình huống xấu có thể xảy ra. Bên cạnh đó, thông tin nhanh đến các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển chủ động neo lồng bè bảo đảm an toàn và đưa hết lao động trên lồng bè vào đất liền tránh trú. Trường hợp cần thiết tổ chức cưỡng chế để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản khi bão đổ bộ.

Các địa phương ven biển và các vùng xung yếu trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương rà soát phương án sơ tán dân; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt.

Tùy tình hình, có thể “cấm biển”

Cũng trong ngày 26.10, Thủ tướng đã có Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai ứng phó khẩn cấp với bão số 9.

Thủ tướng chỉ đạo tập trung bảo đảm an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên biển, đảo và tại nơi tránh trú; an toàn đối với các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản và các hoạt động khác trên biển; rà soát phương án, chủ động sơ tán người, phương tiện tại các khu vực nguy hiểm trên biển, đảo vào đất liền. Tùy theo diễn biến của bão và tình hình cụ thể, các địa phương quyết định việc cấm biển.

theo Tiểu Phong – Báo đại biểu dân nhân

Tin liên quan

Đề nghị bổ sung 04 dự án Luật và 01 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 - Cập nhật: 27/11/2024 08:41
Cao Bằng: Tổng kết 10 năm thi hành Luật Tiếp công dân của HĐND các cấp - Cập nhật: 27/11/2024 07:44
Tuần cuối Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV (ngày 25-30/11): Quốc hội xem xét công tác nhân sự, thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng - Cập nhật: 25/11/2024 14:27
Bế mạc Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bảo đảm chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội - Cập nhật: 20/11/2024 08:57
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 4: Dấu ấn ngành Tư pháp - Cập nhật: 19/11/2024 08:47
Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam - Cập nhật: 18/11/2024 08:41
Đột phá từ Trung ương - Cập nhật: 15/11/2024 09:58
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 13/11/2024 10:16
Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành, quán triệt, thực hiện Nghị quyết của Đảng - Cập nhật: 12/11/2024 12:51
Lắng nghe, thấu hiểu và quyết liệt tháo gỡ - Cập nhật: 11/11/2024 10:08