Ông Tuôi bức xúc chia sẻ vụ việc
Ngày 5/12, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi vừa ký văn bản yêu cầu Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh chỉ đạo Chi cục thi hành án dân sự TX Đức Phổ tạm dừng việc cưỡng chế đối với vụ việc ông Đỗ Hữu Trí, bà Nguyễn Thị Mạnh để rà Soát lại toàn bộ hồ sơ, thủ tục thi hành án liên quan đến vụ việc.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi nhận được đơn tố cáo của ông Nguyễn Hữu Phúc (trú Quận 9, TP.HCM, anh ruột ông Trí) về việc ông Đỗ Văn Lực, Chấp hành viên Chi cục thi hành án dân sự TX Đức Phổ làm trái quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, lợi dụng chức vụ trong thi hành án công vụ gây thiệt hại nặng nề cho gia đình bố mẹ ông là Nguyễn Tuôi và Phạm Thị Hường (trú tại Khu phố Thạnh Đức 2, phường Phổ Thạnh, TX Đức Phổ).
Trước đó, ông Nguyễn Tuôi cũng đã có đơn tố cáo gửi Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi tố cáo ông Đỗ Văn Lực về vụ việc trên. Theo đó, con trai ông Tuôi là ông Nguyễn Hữu Trí có vay của Ngân hàng TMCP Đông Á phòng giao dịch Đức Phổ 500 triệu đồng để nuôi thủy sản với thời hạn 12 tháng. Tài sản đảm bảo là Quyền sử dụng đất tại thửa đất số 408, tờ bản đồ 27, diện tích 724m2.
Do hết thời hạn hợp đồng mà con ông Tuôi chưa trả hết nợ nên Ngân hàng tính lãi và khởi kiện ra tòa. Buộc vợ chồng ông Trí phải trả số tiền cả nợ gốc và lãi là 664.062.500 đồng.
Chấp hành Quyết định của Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) Đức Phổ, từ ngày 14/12/2017 đến 5/4/2018, gia đình ông Tuôi đã nộp số tiền 580 triệu đồng. Chỉ còn thiếu hơn 84 triệu.
Ngày 27/3/2018, ông Đỗ Văn Lực, chấp hành viên Chi cục THADS đưa cho ông Tuôi một số văn bản và nói rằng: Ký để hoàn thiện hồ sơ. “Sau này tôi mới biết đó là Biên bản làm việc thỏa thuận về giá tài sản kê biên và thỏa thuận về tổ chức bán đấu giá; Biên bản kê biên xử lý tài sản; Biên bản tạm giao quản lý, khai thác, sử dụng QSDĐ. Bà Hường vợ tôi không biết chữ nhưng trong các văn bản này sau này lại có chữ ký Hường, đây là hành vi giả mạo chữ ký vợ tôi của ông Lực vì mục đích phi pháp”, ông Tuôi khẳng định.
Ngày 16/4/2018, Chi cục THADS TX Đức Phổ có thông báo về việc đấu giá tài sản. Lúc này, chúng tôi nhiều lần đến Chi cục THADS để nộp tiền nhưng ông Lực cố tình không chịu nhận. Ngày 29/8/2018 ông Lực đến nhà đưa cho ông Tuôi thông báo về việc thực hiện nghĩa vụ còn lại và thông báo về việc chuyển tài sản ra khỏi nhà để giao nhà và đất cho người mua được tài sản đấu giá. Tài sản là nhà và đất ở thửa đất 408 được bán 2,2 tỷ đồng. Trong vòng 10 ngày, nếu không giao nhà sẽ tiến hành cưỡng chế.
“Lúc này tôi mới biết đã bị ông Lực lừa. Việc tổ chức bán đấu giá nhà tôi mà tôi không hề được hay biết. Giá trị tài sản tại thời điểm chuẩn bị cưỡng chế trên thị trường là khoảng 7 tỷ đồng. Trong khi đó, cơ quan thi hành án bán đấu giá chỉ có 2,2 tỷ đồng, gây hậu quả nặng nề cho gia đình chúng tôi.
Ngoài ra, theo bản án, chúng tôi chỉ còn nợ cả gốc lẫn lãi phát sinh khoảng hơn 174 triệu. Sau này đến nộp ông Lực nhất định không nhận mà cố tình áp dụng biện pháp cưỡng chế. Hợp đồng thế chấp theo chứng thực của UBND phường Phổ Thạnh cũng chỉ chứng nhận thế chấp “Quyền sử dụng đất” chứ không chứng nhận thế chấp tài sản trên đất.
Việc tổ chức Bán đấu giá tài sản sai quy định và không minh bạch (giả chữ ký bà Hường trong 3 Biên bản. Không cho người có tài sản biết quá trình tổ chức bán đấu giá; không thuê tổ chức thẩm định giá”, ông Tuôi bức xúc cho biết.
Toàn bộ diện tích đất và tài sản trên đất của gia đình ông Tuôi bị bán đấu giá 2,2 tỷ. Trong khi theo ông, giá thị trường lên đến 7 tỷ đồng
Theo ông Nguyễn Hữu Phúc, con ruột ông Tuôi, qua đối chiếu hồ sơ phiên đấu giá tài sản nhà ông Nguyễn Tuôi thì thấy một số dấu hiệu không bình thường của 2 khách hàng tham gia đăng ký và đấu giá.
Cụ thể, tại đơn đăng ký có dấu hiệu nét chữ của 1 người viết trong 2 đơn đăng ký. Chữ ký của 2 khách hàng tại giấy nộp tiền đặt cọc vào tài khoản ngân hàng và chữ ký trong biên bản bán đấu giá khác nhau hoàn toàn. Giấy nộp tiền mặt của 2 đối thủ tham gia đấu giá (ông Quang và bà Nở) tại Ngân hàng có thông tin lúc Enter in phiếu ngày 13/8/2018 cách nhau đúng 100 giây cùng một giao dịch viên ngân hàng. Điều này chỉ hợp lý khi một người thực hiện 2 giao dịch cùng lúc.
Ngoài ra, đơn vị bán đấu giá trả lời bằng miệng không có hội trường bán đấu giá và tại buổi đấu giá không ghi hình ảnh niêm yết phiên đấu giá vì lúc đó chưa lắp camera.
“Theo các dấu hiệu trên nên chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ tính khách quan minh bạch phiên đấu giá không được đảm bảo theo các quy định luật đấu giá. Luật Đấu giá nào quy định ngày 11/8 thì 2 khách hàng này đã nộp đơn đăng ký đấu giá và nộp phiếu đấu giá nhưng ngày 13/8 mới mua hồ sơ và nộp lệ phí đấu giá 500.000 đồng tiền đặt cọc đấu giá? (tức là nộp phiếu đấu giá trước khi thực hiện nghĩa vụ mua hồ sơ và nộp tiền đặt cọc). Tại thông báo bán đấu giá tài sản thể hiện việc thu tiền đặt trước để đấu giá chỉ trong 1 ngày là không phù hợp quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Đấu giá 2016”, ông Phúc khẳng định.
Theo Quang Đạt – Báo giao thông