Chế tài xử lý tội phạm tổ chức, môi giới xuất nhập cảnh trái phép

Cập nhật: 31/05/2022 09:07

Ở Việt Nam mặc dù đã có các quy định pháp luật xử lý tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép quy định tại Điều 347, Điều 348, Điều 349, Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, thực trạng tổ chức và môi giới cho người khác xuất cảnh và nhập cảnh trái phép vẫn diễn ra rất phổ biến, biến tướng và núp bóng dưới nhiều vỏ bọc khác nhau như đi du lịch, du học, thăm thân, công tác, đầu tư – kinh doanh. Từ thực tiễn tham gia bào chữa cho các bị cáo trong một số vụ án liên quan đến nhóm tội phạm này, tôi xin được đưa ra những quan điểm phân tích và đề xuất để hoàn thiện pháp luật, giúp Nhà nước phòng ngừa và đấu tranh với loại tội phạm này một cách hiệu quả.

Ảnh minh họa.

Khó khăn, thách thức trong đấu tranh phòng chống tội phạm tổ chức, môi giới xuất cảnh trái phép

Công tác đấu tranh phòng, chống hành vi xuất nhập cảnh trái phép gặp không ít khó khăn, thách thức như: Các đối tượng tổ chức, môi giới hoạt động xuất nhập cảnh trái phép không những tập trung tại các tỉnh giáp biên, mà còn nằm sâu trong các tỉnh thành trong cả nước, có đường dây với sự tham gia của cả người có quốc tịch nước ngoài ở khu vực Châu Á, Châu Âu, quá trình di chuyển các đối tượng tổ chức chia nhỏ thành nhiều cung đoạn, chủ yếu liên lạc với nhau qua mạng xã hội, không gặp trực tiếp, không biết thông tin của đối tượng tổ chức, môi giới, hoạt động của các đối tượng lén lút, bí mật, diễn ra trong thời gian dài… Khiến cho quá trình điều tra, xác minh gặp nhiều khó khăn; chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xuất, nhập cảnh trái phép còn chưa đủ sức răn đe, cơ chế phối hợp giữa cơ quan nghiệp vụ, cơ quan điều tra giữa các địa phương còn nhiều hạn chế, bất cập.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng xuất nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp, là do công tác quản lý xuất nhập cảnh còn nhiều lỗ hổng, các đối tượng đứng ra tổ chức và mội giới xuất nhập cảnh trái phép lợi dụng một bộ phận người dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm hoặc việc làm thu nhập thấp, thiếu thông tin về chính sách xuất khẩu lao động cũng như pháp luật về xuất nhập cảnh, nhu cầu tìm việc làm kiếm tiền cải thiện đời sống gia đình. Một bộ phận người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới nhận thức pháp luật còn hạn chế, mất cảnh giác, nhẹ dạ, cả tin nên bị các đối tượng tổ chức, môi giới rủ rê đưa sang nước khác làm thuê trái phép hoặc tham gia tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép để nhận tiền công.

Thủ đoạn của các đối tượng đứng ra tổ chức, môi giới xuất nhập cảnh trái phép thường là gặp gỡ, tiếp xúc với những người đang có nhu cầu tìm việc làm, vẽ ra viễn cảnh công việc ổn định, lương cao để dụ dỗ, lôi kéo người lao động. Mục đích của các đối tượng là dụ dỗ, lôi kéo càng nhiều người đi lao động trái phép càng tốt, để hưởng hoa hồng và thù lao.

Vì vậy, cơ quan chức năng cần chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các đầu mối, cá nhân, tổ chức có hành vi lừa đảo, môi giới, lôi kéo, tổ chức đưa người lao động đi làm việc và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài. Phối hợp với các địa phương, nhất là các địa bàn có nhiều người đi lao động ở nước ngoài, để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật, cam kết không xuất cảnh đi lao động trái phép, không bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp ra nước ngoài; rà soát, nắm chắc số lượng công dân đã xuất cảnh trái phép, công dân tự ý bỏ hợp đồng, hết hợp đồng ở lại làm việc, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài và những người có ý định xuất cảnh trái phép; có biện pháp giáo dục, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm để răn đe, nâng cao hiệu quả phòng ngừa chung.

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng công dân xuất cảnh đi lao động trái pháp luật, các cấp, các ngành, các địa phương cần chú trọng công tác đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, đơn giản hóa thủ tục xuất khẩu lao động, thủ tục xuất nhập cảnh; tăng cường quan tâm hỗ trợ vốn vay, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về luật xuất cảnh, nhập cảnh, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức pháp luật, nâng cao tinh thần cảnh giác không để các đối tượng xấu lừa gạt, lôi kéo ra nước ngoài trái phép.

Đồng thời, tăng cường công tác nắm tình hình, xây dựng kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tình trạng công dân trên địa bàn tỉnh xuất cảnh trái phép, vi phạm pháp luật, kiên quyết xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm, thậm chí xử lý hình sự đối với những đối tượng tổ chức, môi giới đưa người xuất cảnh đi lao động trái pháp luật. Quản lý chặt chẽ về cư trú, tăng cường nắm hộ, nắm người, phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, nhất là tập trung tuyên truyền, giải thích cho người dân nắm và thực hiện các quy định khi xuất, nhập cảnh, kịp thời xử lý tin báo tố giác của người dân về các nội dung liên quan đến xuất, nhập cảnh trái phép để phối hợp đấu tranh, xử lý nghiêm theo quy định.

Quy định pháp luật và chế tài áp dụng đối với hành vi tổchức, môi giới xuất nhập cảnh trái phép

Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh năm 2019, nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau: “Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật để được cấp, gia hạn, khôi phục hoặc về báo mất giấy tờ xuất nhập cảnh; Làm giả, sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh giả để xuất cảnh, nhập cảnh hoặc đi lại, cư trú ở nước ngoài; Tặng, cho, mua, bán, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố giấy tờ xuất nhập cảnh; hủy hoại, tẩy xóa, sửa chữa giấy tờ xuất nhập cảnh; Sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh trái quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước; Lợi dụng xuất cảnh, nhập cảnh để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân; Xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tổ chức, môi giới, giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục theo quy định; Cản trở, chống người thi hành công vụ trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh hoặc kiểm soát xuất nhập cảnh”.

Hiện nay, vẫn còn một bộ phận người dân cố tình vi phạm các quy định về xuất nhập cảnh, gần đây tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép đang ngày càng trở thành vấn đề gây bức xúc xã hội. Thực tế, nhiều trường hợp xuất nhập cảnh trái phép đã trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán người; bị chủ sử dụng lao động đối xử ngược đãi, cưỡng bức lao động, chiếm đoạt tiền công lao động; nhiều trường hợp gặp tai nạn, thậm chí tử vong tại nước ngoài nhưng không được pháp luật nước sở tại bảo hộ, đây là một hệ lụy rất lớn. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh cần phải được phát hiện, xử lý kịp thời và nghiêm minh.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hành vi xuất nhập cảnh trái phép sẽ được xử lý theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 Quy định Xử phạt Vi phạm Hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an tòan xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội…, tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi và số lần vi phạm để áp dụng chế tài phù hợp, có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể: khoản 6, khoản 7, Điều 18 về Xử phạt vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại:

“6. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Làm thủ tục mời, bảo lãnh cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam nhưng không thực hiện đúng trách nhiệm theo quy định của pháp luật hoặc khai không đúng sự thật khi làm thủ tục mời, bảo lãnh cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; Người nước ngoài nhập cảnh hoạt động không đúng mục đích, chương trình đã đề nghị xin cấp thị thực, thẻ tạm trú hoặc gia hạn tạm trú; Giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC; Người nước ngoài sử dụng chứng nhận tạm trú, gia hạn tạm trú, thẻ tạm trú, không cấp đổi thẻ thường trú quá thời hạn từ 90 ngày trở lên mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép; Cơ quan, tổ chức sử dụng người nước ngoài lao động, làm việc nhưng không làm thủ tục mời, bảo lãnh cấp thị thực, thẻ tạm trú, trừ trường hợp thuộc diện được chuyển đổi mục đích theo quy định của pháp luật.

7. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Làm giả hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC; Vào, ở lại đại sứ quán, lãnh sự quán, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc trụ sở cơ quan, tổ chức quốc tế đóng tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan, tổ chức đó; Người nước ngoài cư trú tại các khu vực cấm người nước ngoài cư trú; Chủ phương tiện, người quản lý phương tiện, người điều khiển các loại phương tiện vận chuyển người nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam trái phép; Tổ chức, môi giới, giúp sức, xúi giục, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, ở lại nước ngoài, nhập cảnh, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép. Người nước ngoài không chấp hành quyết định buộc xuất cảnh Việt Nam của cơ quan có thẩm quyền, tiếp tục cư trú tại Việt Nam”.

Đặc biệt, các đối tượng thực hiện hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái pháp sẽ bị xử lý nghiêm theo chế tài hình sự, tùy vào tính chất, biểu hiện của từng hành vi cụ thể các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự các tội danh quy định tại Điều 347, Điều 348, Điều 349, Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể:

“Điều 347 về tội “Vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”: Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Điều 348 về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”: Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 02 lần trở lên; Đối với từ 05 người đến 10 người; Có tính chất chuyên nghiệp; Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Đối với 11 người trở lên; Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; Làm chết người. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 349. Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép: Người nào tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 02 lần trở lên; Đối với từ 05 người đến 10 người; Có tính chất chuyên nghiệp; Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Đối với 11 người trở lên; Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; Làm chết người. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Từ nguyên nhân, thực trạng và những khoảng trống, lỗ hổng về pháp luật nêu trên, tác giả kiến nghị một số biện pháp nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về xuất nhập cảnh và phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.

Kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật

Thứ nhất, tăng mức phạt đối với chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xuất nhập cảnh trái phép.

Thứ hai, chế tài truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 347, Điều 348, Điều 349 còn chưa phù hợp, cần tăng hình phạt tù, tăng hình phạt bổ sung là tiền. Bởi khi đối tượng bị xử lý không chỉ hành vi hiện tại, mà các lần phạm tội trước đó đối tượng phạm tội đã thực hiện trót lọt nhiều lần, thu lợi bất chính của rất nhiều người.

Thư ba, cần xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm những cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh có hành vi tiếp tay cho các đối tượng tổ chức, môi giới xuất nhập cảnh trái phép.

Thư tư, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể và vận động, tranh thủ người có uy tín tiếp tục tuyên truyền cho người dân hiểu thủ đoạn của các đối tượng tổ chức, môi giới, để người dân nhận thức rõ về những rủi ro mà họ có thể gặp phải khi xuất cảnh trái phép làm thuê ở nước ngoài.

Thứ năm, tăng cường tuyên truyền phổ biến thông tin về việc làm và chính sách của nhà nước về việc đi lao động ở nước ngoài để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành cho người dân.

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh năm 2019.

2. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

3. Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính Phủ Quy định Xử phạt Vi phạm Hành chính trong lĩnh vực An ninh, trật tự, an tòan xã hội.

4. Ngô Xuân Vĩnh, Trần Diệu Linh, Phòng 1, VKSND tỉnh Sơn La (2021), Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong công tác quản lý xuất, nhập cảnh. Trang thông tin hoạt động.

theo Luật sư HÀ THỊ KHUYÊN

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội – Tạp chí luật sư Việt Nam

https://lsvn.vn/che-tai-xu-ly-toi-pham-to-chuc-moi-gioi-xuat-nhap-canh-trai-phep1653936273.html

Tin liên quan