Một dự án điện mặt trời núp bóng trang trại nông nghiệp nằm ven TL705, xã Phước Trung (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận)
Nhằm huy động nguồn lực của xã hội đầu tư vào điện mặt trời mái nhà bổ sung vào nguồn điện, giải quyết nguy cơ thiếu điện từ năm 2020, việc Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời được ban hành có ý nghĩa rất lớn.
Theo đó, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhà, xưởng… đang vận hành sẵn, giờ lắp điện mặt trời trên mái nhà, xưởng, cấp điện cho chính nhà, xưởng đó, khi dư thừa mới bán cho Nhà nước.
Do loại hình này được khuyến khích nên Nhà nước mới mua giá cao (1943 đồng/KW). Nó khác với điện mặt trời sản xuất ra chỉ để bán cho Nhà nước (khoảng 1600 đồng/KW).
Hiện tại, các nhà đầu tư đang lách luật bằng cách đầu tư chỉ với mục đích bán hết cho Nhà nước, nhưng vẫn “giả vờ” làm xưởng nọ, trang trại kia (thực chất không sản xuất gì) để được hưởng giá loại 1 chứ không phải giá loại 2.
Thậm chí, cũng không loại trừ có câu chuyện dự án 3 MW hay 30 MW được “chặt” nhỏ thành các dự án dưới 1 MW để được mua giá cao. Trong khi đó, không có một quy định nào cụ thể về trang trại kinh tế phải ra sao.
Chưa kể, việc phát triển không kiểm soát của điện mặt trời mái nhà khiến công suất nguồn điện mặt trời tăng quá nhanh, ảnh hưởng đến việc điều độ hệ thống điện. Do đó, các dự án điện mặt trời lớn tiếp tục đối diện với nguy cơ cắt giảm, gây lãng phí nguồn lực của chính doanh nghiệp và xã hội.
Không những thế, tài nguyên đất nông nghiệp bị lãng phí khi bị biến tướng dưới vỏ bọc “trang trại điện” với mục đích bán điện chứ không xuất phát từ trang trại nông nghiệp bán điện dư thừa.
Khi đổ tiền đầu tư, chắc chắn doanh nghiệp đều chọn cái lợi nhất cho mình. Tuy nhiên, câu chuyện đặt ra thời gian qua chính là cuộc chạy đua ồ ạt để lợi dụng chính sách ưu đãi. Bên cạnh đó, có cả câu chuyện địa phương lờ đi cho doanh nghiệp làm, có cả chuyện văn bản hướng dẫn chậm, hay việc buông lỏng quản lý và không loại trừ cơ chế “xin – cho”.
Lỗ hỗng thì thấy rõ nhưng cách nào để “trám”? Cái cần bây giờ là phải có văn bản liên quan vấn đề hậu kiểm từ phía Bộ Công thương, thậm chí từ Chính phủ.
Hậu kiểm phải gắn trách nhiệm và việc xử lý cho Bộ Công thương, EVN và địa phương. Trong đó, EVN phải tham gia với một vai trò lớn hơn, tích cực hơn.
Trước đó, Quyết định 13 không giao cho EVN bất kỳ một vai trò lớn nào về chức năng kiểm tra, thẩm định xem có phù hợp hay không, mà chỉ có nhiệm vụ đấu nối, mua bán điện theo các quy định.
Điều này cho thấy, vai trò của EVN chưa được nâng cao khi họ là người xử lý mọi thứ, là người rõ nhất. Họ hoàn toàn biết số lượng dự án điện mặt trời mái nhà bao nhiêu là phù hợp.
Ngoài ra, phải có sự phối hợp của EVN và Sở Công thương địa phương để giám sát đánh giá và xác nhận xem dự án có phù hợp hay không, cùng với sự xác nhận từ địa phương.
Ở đây, việc theo dõi, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp có thực chất làm trang trại hay không là rất quan trọng. Việc đăng ký làm trang trại nhưng chỉ để làm điện mặt trời thì không thể không có trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Tóm lại, trong vấn đề này, cần phải có cơ chế hậu kiểm, quy định rõ ai hậu kiểm, hậu kiểm những gì. Việc thiếu hụt cơ chế này từ trước đã dẫn tới hệ lụy tất yếu như chúng ta đang thấy hiện nay.
Theo Báo giao thông
https://www.baogiaothong.vn/chinh-sach-meo-mo-vi-khong-hau-kiem-d500178.html