Về thông báo thuế cho các hộ dân
Ngành điện, nước đã thực hiện công khai thông báo số tiền phải nộp của các hộ dân hàng tháng và nộp tiền qua ngân hàng hoặc các đơn vị được ủy thác. Nhưng tiền thuế thuê đất hàng năm thì người dân không biết tra cứu ở đâu?
Theo khoản 1 Điều 106 Luật Quản lý thuế 2006 (sửa đổi, bổ sung bởi Luật quản lý thuế 2012, Luật về Thuế sửa đổi 2014, Luật Quản lý thuế sửa đổi 2016), người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
Về việc nộp tiền thuê hàng năm, Nghị định 123/2017/NĐ-CP ngày 14/11/2017 của Chính phủ quy định: “Việc nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với trường hợp thuê đất, thuê mặt nước trả tiền thuê hàng năm được chia làm 2 kỳ: Kỳ thứ nhất nộp tối thiểu 50% trước ngày 31 tháng 5; kỳ thứ hai nộp hết số tiền còn lại trước ngày 31 tháng 10 hàng năm”.
Nhiều trường hợp người dân được thông báo qua tin nhắn số tiền thuê đất phải nộp trong năm nhưng đến khi đi nộp thì lại bị tính thuế chậm nộp thêm 0,03%/ngày.
– Trường hợp bà Đặng Thị Kim Liên, Quận Gò Vấp, TP. HCM:
Theo bà Liên, vào năm 2012, cha bà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng do chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính nên chưa được giao. Sau khi ông mất, bà được hướng dẫn phải bổ sung các giấy tờ liên quan đến thừa kế để làm thủ tục sang tên cho bà (là đại diện thừa kế).
Cuối tháng 3/2017, bà Liên đến Chi cục Thuế quận Gò Vấp làm thủ tục ghi nợ số tiền sửa dụng đất hơn 983 triệu đồng. Thời điểm này hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) giảm nên số tiền sử dụng đất đã được giảm hơn so với ban đầu. Bà được hẹn ngày 11/4/2017 đến đóng tiền lệ phí trước bạ và nhận giấy hồng. “Khi lên nhận giấy, tôi tá hỏa vì được nhận thêm công văn phạt chậm nộp tiền sử dụng đất và tiền lệ phí trước bạ với tổng số tiền nộp phạt gần 900 triệu đồng. Dù trong thông báo thuế có ghi sau 30 ngày mà không nộp tiền sử dụng đất thì sẽ bị phạt nhưng gần năm năm nay tôi cũng không nhận được bất kỳ thông báo nhắc nợ nào của chi cục thuế nên tôi cũng không biết. Hơn nữa, lúc tôi lên ghi nợ thì không thấy nhắc đến số tiền phạt này” – bà Liên cho biết.
Đầu tháng 6, bà Liên làm đơn kiến nghị gửi Chi cục Thuế quận Gò Vấp đề nghị xem xét lại khoản tiền nộp chậm nói trên. Phản hồi văn bản của bà Liên, Chi cục Thuế quận Gò Vấp cho rằng đã làm đúng nên không có cơ sở để xem xét lại.
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị An Lộc, Đội trưởng Đội Trước bạ và thu khác, Chi cục Thuế quận Gò Vấp, cho biết đúng là suốt thời gian qua chi cục thuế quận đã không gửi thông báo nhắc nợ cho gia đình bà Liên: “Đây cũng là thiếu sót của cơ quan thuế. Chúng tôi sẽ rà soát lại toàn bộ hồ sơ của bà Liên và đề xuất hướng giải quyết hợp lý hợp tình”.
– Trường hợp của chủ hộ Đỗ Ngọc Vân, Quận Gò Vấp, TP. HCM:
Chủ hộ cho biết: “Năm 2005 tôi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chi cục thuế Gò Vấp ngưng không cho nộp thuế, ngày 05/6/2017 vừa qua tôi mới nhận được Thông báo nộp tiền sử dụng đất (có hiệu lực từ 05/6/2017), lệ phí trước bạ là 614.500 đồng, tiền phạt 1.664.600 đồng; tiền sử dụng đất: 122.904.000 đồng, tiền phạt: 332.910.100 đồng; tổng cộng: 458.09.200 đồng trong đó tiền chậm nộp của tôi là 4.245 ngày.
Tôi được giải thích không được nợ thuế trong thời gian 5 năm, nếu nộp chậm từ ngày ra Thông báo phải chịu mức phí 0,03%/ ngày. Như vậy, họ lấy cái sai của họ đổ vào đầu người dân chúng tôi. Là cán bộ hưu trí tôi phải đi cướp ở đâu cho đủ số tiền nộp vào ngân sách đây. Tôi đang tiếp tục làm đơn khiếu nại không biết trời cao đất dày có thấu hiểu?”
– Có trường hợp tại huyện Bình Chánh – TP. HCM, ngày 05/9/2020 nhận được thông báo tiền thuế và tiền chậm nộp tính đến ngày 30/8/2020 nhưng khi đi nộp lại tính thêm tiền chậm nộp từ ngày 30/8/2020. Nghĩa là phải nộp tiền chậm nộp thuế trước ngày ra thông báo nộp thuế với số tiền phát sinh bằng 1/3 số tiền thuế phải nộp.
Về tiền nợ thuế của doanh nghiệp
Theo định kỳ, ngành thuế có thông báo công khai các doanh nghiệp nợ thuế. Tuy vậy, người dân và cơ quan thông tin không tra cứu được danh sách này. Cục thuế Hà Nội đã công khai lại 1.963 đơn vị nợ 6.876 tỷ đồng thuế, phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, tiền phạt và tiền chậm nộp, các công ty này đã bị công khai danh tính trong các năm trước 2015, 2016, 2017, 2018 hoặc 2019.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh tính đến cuối tháng 6/2020, số tiền nợ thuế là hơn 30.170 tỷ đồng, so với cuối năm 2019 tăng gần 24%, trong đó, nợ khó thu, chiếm hơn 45%.
Với số nợ thuế khủng như vậy, việc xử lý lại phụ thuộc vào cảm tính của cán bộ thuế. Ông Cao Anh Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu ngành thuế của TP. HCM phải có biện pháp quyết liệt: “Bên cạnh việc triển khai đôn đốc thu hồi nợ, thì chú ý việc động viên thuyết phục, những doanh nghiệp có số nợ lớn, cố tình lợi dụng việc ảnh hưởng của Covid-19 để cố tình chây ì nợ thuế. Chúng ta phải mời lên, động viên, kiên quyết thực hiện các biện pháp thu hồi nợ, công khai danh sách nợ thuế các doanh nghiệp”.
Nhận xét
Theo khoản 3, Điều 7, Thông tư 77/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định: Hàng năm cơ quan thuế thông báo nộp tiền thuê đất trực tiếp cho người phải nộp tiền thuê đất. Trường hợp căn cứ tính tiền thuê đất có thay đổi thì phải xác định lại tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này, gửi thông báo cho người thuê đất thực hiện. Người nộp thuế phải ký nhận thông báo thuế. Như vậy, việc không thực hiện thông báo nộp tiền thuê đất hàng năm của cơ quan thuế là trái luật, không thể dùng lỗi của cơ quan quản lý nhà nước để thu tiền phạt chậm nộp thuế của người dân.
Không có chế tài nào về việc cán bộ ngành thuế bỏ qua không thông báo tiền thuế thuê đất hàng năm hoặc tự ý ghi thêm hay giảm trừ việc thu tiền chậm nộp thuế theo mức hiện hành 0,03%/ngày. Người dân thì cho rằng cơ quan quản lý thuế ăn lương từ tiền thuế của dân nên phải hoàn toàn chịu lỗi nếu không ra thông báo thuế đúng quy định dẫn đến tình trạng chậm nộp thuế. Lỗi thuộc cơ quan thuế nhưng bắt người dân nộp phạt chậm nộp thuế với số tiền lớn hơn nhiều lần tiền gốc là vô lý. Đây chính là quyền lực mềm của ngành thuế theo kiểu “biết điều thì ưu ái, không biết điều thì thu gắt”. Việc này dẫn đến hậu quả người dân phải chạy để miễn giảm tiền chậm nộp thuế, doanh nghiệp thì chây ì nợ tiền nộp thuế.
Giải pháp
Kiến nghị ngành thuế, Bộ Tài chính và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để công khai minh bạch việc thu thuế, có chế tài đối việc không thực hiện đúng pháp luật của cán bộ, cơ quan quản lý thuế và chống lạm quyền hoặc chây ì nợ thuế.
VŨ HUY TÁC Nguyên TTV cao cấp Phó Cục trưởng Cục III, TTCP |
theo Tạp chí Điện tử Luật sư Việt Nam
theo lsvn.vn/chong-tham-nhung-tieu-cuc-trong-viec-cham-nop-thue.html