Như Báo Đại biểu Nhân dân đã đưa tin, sáng nay, 1.7, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đã tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV.
Tại cuộc tiếp xúc, thay mặt Đoàn, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam đã báo cáo với cử tri những kết quả Kỳ họp thứ Bảy và kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ Bảy.
Quyết liệt, quyết tâm và phải quyết làm để ra sản phẩm
Cử tri thành phố Vị Thanh, huyện Vị Thủy, TP. Ngã Bảy… đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ Bảy của Quốc hội trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia…
Cử tri chúc mừng ông Trần Thanh Mẫn trên cương vị mới là Chủ tịch Quốc hội; đồng thời, tin tưởng rằng, Chủ tịch Quốc hội sẽ cùng với Quốc hội, tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; tiếp tục tăng cường công tác đối ngoại của Quốc hội cùng với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân; phát huy dân chủ, đoàn kết, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Cử tri cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh Hậu Giang tiếp tục quan tâm, có chính sách hỗ trợ với mức phụ cấp 25% như công chức giáo dục để đội ngũ nhân viên trường học yên tâm công tác; không áp dụng tỷ lệ tinh giản biên chế chung 10% đối với ngành giáo dục; có chính sách đầu tư nâng cấp một số tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện, tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân; chính sách với ngành điện; mức đóng bảo hiểm y tế tăng do mức lương cơ sở tăng… Một số ý kiến đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu có cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Hậu Giang, Đắk Nông và Điện Biên bởi đây là 3 tỉnh còn nhiều khó khăn.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã trực tiếp trả lời một số vấn đề cử tri quan tâm.
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trân trọng cảm ơn đông đảo cử tri đã tham dự tiếp xúc cử tri trực tiếp và tham dự tại các điểm cầu trong toàn tỉnh Hậu Giang. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, sau 27 ngày rưỡi làm việc nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm cao theo đúng quy định của pháp luật và nội quy Kỳ họp, Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.
Đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại một Kỳ họp, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, được cử tri và Nhân dân cả nước hết sức quan tâm, theo dõi. Hầu hết các luật, nghị quyết đều được Quốc hội thông qua với tỷ lệ trên 90% tổng số đại biểu Quốc hội có mặt
Công tác nhân sự được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an; phê chuẩn Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, đồng thời tiến hành công tác nhân sự khác theo thẩm quyền được sự tín nhiệm, đồng thuận rất cao của các đại biểu Quốc hội.
“Kỳ họp này tiếp tục cho thấy sự làm việc tích cực của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; sự chuẩn bị của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, khắc phục được tình trạng chậm gửi tài liệu. Kỳ họp cũng có nhiều đổi mới về công tác tổ chức, triển khai thực hiện”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Qua báo cáo của tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hậu Giang 6 tháng đầu năm nay đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên lĩnh vực kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, góp phần cho tăng trưởng cả nước.
Chủ tịch Quốc hội vui mừng cho biết, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2024 của cả nước tăng 6,42%, tăng khá so với các nước trong khu vực, theo nhận định Ngân hàng thế giới Việt Nam có thể đạt 6% trong năm nay hoặc cao hơn nữa. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng. Chính phủ điều hành quyết liệt thì 6 tháng cuối năm sẽ bảo đảm kinh tế – xã hội của chúng ta tiếp tục phát triển, tăng trưởng cao hơn.
Tổng thu NSNN 6 tháng đạt 1.020,6, bằng 60% dự toán năm và tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng khá, trong đó vốn đăng ký mới cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua.
“Như vậy, 6 tháng đầu năm, chúng ta đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; đảm bảo an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; quốc phòng và an ninh được đảm bảo; công tác đối ngoại được tăng cường; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được quan tâm chỉ đạo, không có vùng cấm”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Qua thực tế đi tiếp xúc cử tri tại tỉnh Hậu Giang những năm gần đây, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết không nhận được phản ánh nào về vụ việc tham nhũng, tiêu cực mà không bị xử lý. “Chính chúng ta làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì chúng ta tạo được niềm tin trong nội bộ và nhân dân, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm còn lại cũng rất nặng nề trước bối cảnh tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, “chúng ta không chủ quan, tiếp tục quán triệt thực hiện các nghị quyết của Đảng, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ; giữ vững đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ; thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn phải gắn liền với từng cá nhân và tập thể”.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cá nhân phải góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải quyết tâm, quyết liệt trong công việc và phải có sản phẩm, từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh đến cấp Trung ương.
“Cán bộ quyết liệt, quyết tâm rất cao mà không quyết làm thì cũng không có sản phẩm được. Phải quyết làm để có sản phẩm. Phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trên các lĩnh vực”.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị kịp thời tháo gỡ khó khăn nhà đầu tư/doanh nghiệp; kiên quyết không để xảy ra tình trạng nắm bắt thông tin không kịp thời, không báo cáo, đùn đẩy công việc, không giải quyết công việc thuộc trách nhiệm; tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tính nghiêm minh của pháp luật.
“Kỷ luật, kỷ cương nghiêm minh để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành từ trong Đảng, Nhà nước đến các ngành, các cấp và nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Sẽ nghiên cứu, lưu ý có chính sách ưu tiên thúc đẩy các tỉnh còn nhiều khó khăn
Tại cuộc tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao đổi, làm rõ các vấn đề được cử tri quan tâm.
Trong đó, về kiến nghị của cử tri Nguyễn Thanh Điền (huyện Vị Thủy) về ổn định giá điện và bỏ cách tính tiền điện như hiện nay (thang, bậc), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, vấn đề cử tri nêu đã được các cơ quan của Quốc hội quan tâm, theo dõi, giám sát thời gian qua.
Trong đó, năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021”. Theo đó, Đoàn giám sát đã nhận định “Giá điện chậm được thay đổi, chưa phù hợp cơ chế thị trường; các tín hiệu thị trường trong khâu phát điện và truyền tải điện chưa được phản ánh một cách đầy đủ ở giá điện áp dụng cho hộ tiêu dùng cuối cùng. Cơ cấu biểu giá bán lẻ thực hiện theo Luật Điện lực chưa phù hợp với thực tế tiêu thụ điện của các nhóm khách hàng, còn duy trì bù chéo, giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn mức giá cho nhóm khách hàng là hộ sản xuất, kinh doanh, chưa phù hợp với mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các ngành, lĩnh vực sản xuất thâm dụng điện”.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tại Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 ngày 13.12.2023 về nội dung giám sát, UBTVQH đã yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, nghiên cứu “điều chỉnh kịp thời giá bán lẻ điện theo biến động thực tế của thông số đầu vào như giá nguyên nhiên liệu, tỷ giá”, “sớm luật hóa việc điều hành giá bán lẻ điện theo tinh thần “xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định” nhưng đồng thời phải “bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện hoặc trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Luật Điện lực và các văn bản có liên quan (như: nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương).
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận ý kiến của cử tri; đồng thời nêu rõ, trong thời gian tới, các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát nội dung nêu trên, đặc biệt là việc thực hiện kiến nghị giám sát tại Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 như đã nêu.
Về kiến nghị của các cử tri Lê Nghĩa (TP. Ngã Bảy), cử tri Trương Tấn Thành (huyện Châu Thành), cử tri Đặng Văn Nuôi (huyện Châu Thành A)… liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại Kỳ họp thứ Bảy vửa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội, trong đó đã quy định việc chậm đóng, trốn đóng BHXH, chiếm dụng tiền hưởng BHXH là các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9); cùng các chế tài xử lý các hành vi này (các Điều 38, 39, 40, 41 của Luật).
Cùng với đó, tại Nghị quyết Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội đã quy định 2 nội dung: Một là, Giao Chính phủ quy định đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động trước ngày 1.7.2024. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phát hiện người sử dụng lao động vẫn còn khả năng đóng BHXH cho người lao động thì thực hiện truy thu, truy đóng vào Quỹ BHXH và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Hai là, giao Chính phủ trình UBTVQH ghi nhận thời gian đóng BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh đã tham gia trước ngày Luật BHXH có hiệu lực thi hành để làm căn cứ giải quyết chế độ BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH và Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24.6.2023 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV.
Trả lời kiến nghị của cử tri Huỳnh Bích Thủy (TP. Vị Thanh) về việc không thực hiện cắt giảm biên chế 10% hàng năm đối với ngành giáo dục, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, theo Kết luận số 28-KL/TW ngày 21.2.2022 và Kết luận số 40-KL/TW ngày 18.7.2022 của Bộ Chính trị, giai đoạn 2022-2026 phải thực hiện giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN so với năm 2021.
“Tuy nhiên, Quyết định 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị cũng đã bổ sung 65.980 biên chế giáo viên giai đoạn 2022-2026. Tôi được biết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25.12.2023 về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông; chỉ đạo các địa phương thực hiện tuyển dụng giáo viên bảo đảm đủ biên chế được cấp có thẩm quyền giao”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ghi nhận, tiếp thu ý kiến cử tri, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thời gian tới Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát thực hiện tinh giản biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong đó có ngành giáo dục; phương án đề xuất bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan thống nhất nhận thức, quan điểm, có giải pháp để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế ngành Giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của vùng miền, các địa phương theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Về đề xuất của cử tri Bùi Tri Thức (Báo Hậu Giang) về cơ chế chính sách đặc thù cho 3 tỉnh Hậu Giang, Đắk Nông, Điện Biên, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh sáu vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó: tỉnh Điện Biên thuộc Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, được quy định tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10.2.2022; tỉnh Đắk Nông thuộc vùng Tây Nguyên được quy định tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6.10.2022; tỉnh Hậu Giang thuộc Vùng đồng bằng sông Cửu Long được quy định tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2.4.2022.
Chủ tịch Quốc hội và Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang ghi nhận ý kiến của cử tri và sẽ lưu ý trong quá trình sơ kết, tổng kết việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù đang được áp dụng tại một số địa phương; trong đó sẽ nghiên cứu, lưu ý có các chính sách ưu tiên để thúc đẩy các tỉnh còn có nhiều khó khăn.
Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin đến cử tri 10 Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024, Chủ tịch Quốc hội cho biết, các Luật này có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến Nhân dân.
Cụ thể là, Luật Căn cước 2023: quy định thẻ căn cước mới sẽ bỏ thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng, thay vào đó là thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú của công dân. Luật cũng mở rộng thêm đối tượng được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam dưới 14 tuổi theo nhu cầu; lần đầu tiên người dưới 6 tuổi được cấp thẻ căn cước; cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; bổ sung quy định tích hợp thông tin vào thẻ căn cước gồm: Thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn…
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023: quy định, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Luật Các tổ chức tín dụng 2024: cấm bán bảo hiểm không bắt buộc đi kèm khoản vay; nghiêm cấm các tổ chức tín dụng… gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Luật Giao dịch điện tử 2023: bổ sung quy định, các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử bao gồm: lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân…
Luật Viễn thông 2023: quy định cụ thể phòng, chống, ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi vi phạm pháp luật theo quy định; ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông đối với thuê bao viễn thông vi phạm pháp luật về viễn thông.
Luật Giá 2023: quy định 6 mặt hàng không áp dụng Luật Giá gồm: giá đất; giá nhà ở; giá điện và giá các dịch vụ về điện; học phí, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; tiền bản quyền khi khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình….
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023: quy định cụ thể là tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp bị nghiêm cấm các hành vi như yêu cầu người khác phải đặt cọc, mua một số lượng hàng hóa nhất định để tham gia bán hàng đa cấp…
Luật Phòng thủ dân sự 2023: quy định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự.
Luật Hợp tác xã 2023: quy định về chính sách của Nhà nước về phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành hợp tác xã; tổ hợp tác và tổ chức đại diện; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh tế tập thể.
Luật Tài nguyên nước 2023: quy định rõ về bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; bảo đảm an ninh nguồn nước để mọi người dân được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý.
Cùng với đó, chính sách về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội, chính sách giảm thuế VAT… cũng có hiệu lực từ hôm nay, 1.7.2024 theo Nghị quyết Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp, ngành tỉnh Hậu Giang tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với nhân dân, đặc biệt là những luật, chính sách mới có hiệu lực từ hôm nay, 1.7.2024 để bảo đảm đưa luật vào cuộc sống; tổ chức thực thi để bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chúc Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hậu Giang tiếp tục vượt qua những khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, giành thắng lợi bằng hoặc hơn năm 2023.