Người dân trình bày ý kiến tại buổi thông tin dự án Gang thép Long Sơn
Quyết giữ các di tích lịch sử tại Lộ Diêu
Theo đó, dự án Gang thép Long Sơn được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương cho Công ty Cổ phần gang thép Long Sơn đầu tư. Diện tích đất dự kiến sử dụng Khu liên hợp Gang thép khoảng 468ha và Cảng chuyên dùng khoảng 496,9ha (trong đó, đất trên bờ khoảng 23ha, mặt nước biển khoảng 473,9ha). Trong tổng diện tích thực hiện dự án Khu liên hợp gang thép và cảng chuyên dùng chỉ chiếm 39,06% tổng diện tích đất tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ (diện tích dự kiến thu hồi khoảng 491 ha/1.257 ha).
UBND tỉnh Bình Định khẳng định, khi triển khai dự án Gang thép Long Sơn, các di tích lịch sử như Nơi cập bến Tàu không số, Lăng vạn Lộ Diêu, Khuôn viên tưởng niệm Liệt sĩ Lộ Diêu, các bãi đá, gành tự nhiên… không thuộc phạm vi dự án nên sẽ được giữ gìn và bảo vệ môi trường, cảnh quan.
Sau buổi thông tin dự án Gang thép Long Sơn tại Lộ Diêu, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đến thăm hỏi, thắp hương cho gia đình liệt sĩ Phan Thị Cúc
Quy mô dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn dự kiến công suất 5,4 triệu tấn/năm, bao gồm các sản phẩm thép chất lượng cao, thép xây dựng, thép cuộn; tiến độ thực hiện phân thành 3 giai đoạn đầu tư xây dựng. Trong khi đó, Cảng chuyên dùng Khu liên hợp Gang thép Long Sơn có công suất từ 30 – 35 triệu tấn/năm; diện tích khoảng 496,9ha; bề rộng luồng 230m; cỡ tàu cập bến đến 250.000 tấn; tiến độ thực hiện phân thành 2 giai đoạn đầu tư xây dựng.
Dự án được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ tạo công ăn việc làm cho hơn 7.500 người, ước nộp ngân sách 4.926 tỉ đồng. Khi hoạt động toàn dự án đóng góp khoảng 10.395 tỉ đồng, đóng góp tổng sản phẩm địa phương khoảng trên 20.500 tỉ đồng. Nhưng nếu thực hiện dự án trên, toàn bộ dân cư của thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn) với 566 hộ dân sẽ phải di dời.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Bình Định muốn phát triển cần có các dự án lớn, đầu tàu, dẫn dắt, tạo cú hích. Theo đó, dự án đầu tầu phải phù hợp với quy hoạch tổng thể và phù hợp với quy hoạch vùng theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3.11.2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn được xác định là một trong những dự án có vai trò đầu tầu, dẫn dắt, tạo cú hích để phát triển kinh tế Tỉnh nhà.
Phối cảnh dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp Gang thép Long Sơn
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói rõ, quan điểm nhất quán của tỉnh là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Hiện nay, dự án này mới triển khai các bước ban đầu, còn rất nhiều bước tiếp theo, như: giai đoạn nghiên cứu, khảo sát, kiểm tra, lập dự án, phương án bảo vệ môi trường, công nghệ… Sau đó, tổng hợp các nội dung này để xây dựng đề án đầu tư trình Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương thẩm định, phê duyệt thì dự án mới có thể triển khai được.
“Dự án này muốn được tỉnh thông qua trước khi triển khai đầu tư phải đảm bảo công nghệ tiên tiến, hiện đại; đảm bảo môi trường theo tiêu chuẩn của Việt Nam; người dân bị ảnh hưởng của dự án khi tái định cư phải có được cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, tạo sinh kế ổn định, lâu dài hơn; dự án không vi phạm phạm vi bảo vệ các di tích lịch sử, danh thắng thiên nhiên đã được công nhận trên địa bàn; địa danh thôn Lộ Diêu và các tổ chức chính trị xã hội của thôn Lộ Diêu được giữ lại như hiện nay”, người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định nói và khẳng định, nếu dự án không đảm bảo các nguyên tắc nêu trên thì tỉnh Bình Định sẽ không chấp thuận thông qua việc trình đề án đầu tư.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Định, dự án này khi đi vào triển khai và hoạt động ngoài đóng góp đáng kể cho kinh tế – xã hội của tỉnh và thị xã Hoài Nhơn thì bà con sẽ có được cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, tạo sinh kế ổn định, lâu dài hơn. “Tôi cũng khẳng định rằng địa danh thôn Lộ Diêu, di tích lịch sử, danh thắng thiên nhiên và các tổ chức chính trị xã hội của thôn Lộ Diêu vẫn được giữ lại, bảo tồn như hiện nay”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cam kết.
Tại buổi thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh sẽ phối hợp với nhà đầu tư tổ chức cho bà con đi tham quan tại khu vực các dự án tương tự, trong đó có dự án Fomosa ở Hà Tĩnh. Sau khi về, bà con tiếp tục có ý kiến, góp ý thì các cơ quan nhà nước sẽ tiếp thu và điều chỉnh cho phù hợp với quy định và nguyện vọng của bà con.
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định phát biểu tại buổi thông tin dự án Gang thép Long Sơn
Nếu ảnh môi trường sẽ chịu trách nhiệm trước dân
Sau khi lắng nghe các cơ quan chức năng thông tin chủ trương về dự án Gang thép Long Sơn, ông Trần Văn Nghĩa, cựu chiến binh – thương binh (thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước) tại thôn Lộ Diêu bày tỏ, không nên bỏ địa danh Lộ Diêu và mong muốn ở lại Lộ Diêu, không đi đâu hết. “Thật sự đau xót, khi lãnh đạo thông tin dự án Gang thép Long Sơn sẽ làm ở Lộ Diêu. Tại sao biển Lộ Diêu, không làm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để phát huy giá trị di tích”, ông Hồ Minh Đức, một người dân phát biểu.
Nhiều người dân cũng chia sẻ, Lộ Diêu là cái nôi cách mạng của thị xã Hoài Nhơn, có di tích lịch sử nơi cập bến Tàu không số, nhân dân đã chiến đấu bám đất, giữ làng. Sau giải phóng, Lộ Diêu chỉ có khoảng 120 hộ dân, nhưng giờ số hộ tăng lên hơn 500. Hằng năm, Lộ Diêu chưa bao giờ hứng chịu cảnh ngập lụt do mua bão gây ra, cuộc sống nơi đây rất thanh bình, bởi thế tỉnh, huyện cần xem xét di dời dự án Gang thép Long Sơn đi nơi khác.
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định chia sẻ: “Thu ngân sách của Bình Định, nếu trừ tiền bán đất thì chúng ta chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu chi của tỉnh, còn lại 60% chúng ta phải xin Trung ương. Nếu không xin thì phải tìm đất bán để có chi tiêu”. Theo ông Dũng, để Bình Định đi lên từ nông nghiệp thì sẽ rất khó. Nếu chỉ dựa vào cây lúa, củ khoai thì Bình Định sẽ mãi nghèo. Về vấn đề du lịch, hiện nay vẫn phát triển du lịch một cách bình thường. Nhưng nếu làm du lịch không thì sẽ không có đóng góp đáng kể vào ngân sách, bởi vậy bên cạnh phát triển nông nghiệp, du lịch cần phải có sự đột phá của công nghiệp và tìm một con đường để Bình Định phát triển.
Biển Lộ Diêu, nơi cập bến Tàu không số
“Về cảng biển, xưa nay tỉnh Bình Định vẫn luôn dựa vào cảng Quy Nhơn. Nhưng cảng Quy Nhơn hiện tại quá chật hẹp, vì vậy muốn phát triển phải mở một cảng mới với công suất lớn”, ông Dũng nói và cho rằng, khu vực biển Lộ Diêu của chúng ta rất phù hợp, vì biển rất là sâu, âm đến 20m.
Đề cập đến nhà máy Gang thép Long Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhấn mạnh: Nhà máy này sẽ gắn liền với cảng biển và vấn đề môi trường phải quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt. Nếu sau này, nhà máy thép làm 1 mét nước thải ra môi trường thì tôi sẽ chịu trách nhiệm. Bà con bình tĩnh, tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, không có một lãnh đạo nào đẩy dân đến khó khăn, bế tắc. “Tỉnh ta đã di dời rất nhiều vùng người dân tại các dự án. Đơn cử như di dời cả xã Anh Dũng, huyện An Lão để làm thủy lợi Hồ Đồng Mít và cuộc sống của người dân đã tốt hơn khi đến nơi mới”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định dẫn chứng.
theo PHAN HIẾU – Báo Văn hóa