VNPT và Nghệ An ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giai đoạn 2020-2025
Những dấu ấn quan trọng
“Lửa thử vàng gian nan thử sức”, VNPT đã vượt qua năm 2020 đầy thách thức, tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, dẫn dắt trong chuyển đổi số quốc gia.
Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Phạm Đức Long cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid – 19 và thiên tai, bão lụt nhưng với tinh thần quyết tâm cao, VNPT đã hoàn thành hầu hết chỉ tiêu sản xuất kinh doanh. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 162,7 nghìn tỷ đồng; trong đó, doanh thu Công ty mẹ đạt 43,2 nghìn tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch. Nếu loại trừ yếu tố ảnh hưởng bởi dịch bệnh khoảng 2.000 tỷ đồng thì VNPT hoàn thành kế hoạch doanh thu. Về lợi nhuận, VNPT đạt 7,1 nghìn tỷ đồng; trong đó Công ty mẹ đạt 5,1 nghìn tỷ đồng bằng 102,2% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của Tập đoàn đạt 10,4%.
Những kết quả tích cực này giúp Tập đoàn nộp ngân sách vượt kế hoạch (102%) với 5,2 nghìn tỷ đồng; bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
Song song với đó, VNPT có nhiều dấu ấn quan trọng trong năm qua. Tháng 6.2020, Quốc hội lần đầu tiên họp theo hình thức trực tuyến kết hợp họp tập trung và chọn VNPT là đơn vị triển khai hạ tầng thiết bị phục vụ đợt họp trực tuyến của Quốc hội. Việc tổ chức thành công Kỳ họp này là tiền đề quan trọng để VNPT tiếp tục đồng hành với Quốc hội Việt Nam triển khai Quốc hội điện tử, đồng thời một lần nữa khẳng định uy tín, năng lực, kinh nghiệm của VNPT trong các dự án trọng điểm quốc gia. Thực tế, VNPT tiếp tục được chọn là đơn vị triển khai các giải pháp phục vụ họp trực tuyến tại Kỳ họp thứ Mười, tháng 10.2020.
Với quyết tâm song hành cùng Chính phủ triển khai mục tiêu kép, VNPT đã kịp thời vận dụng toàn bộ hệ sinh thái của mình cùng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp quyết liệt phòng chống Covid – 19. Ngay từ đầu đại dịch, VNPT đã chủ động cung cấp hạ tầng mạng lưới viễn thông – công nghệ thông tin phục vụ điều hành, chỉ đạo của Nhà nước cũng như phục vụ người dân. Hàng triệu khách hàng được bổ sung dung lượng đáp ứng nhu cầu làm việc từ xa, làm việc trực tuyến trong thời gian giãn cách. Giải pháp VNPT E-Learning giúp hàng triệu giáo viên và học sinh “tạm dừng đến trường, không dừng học”. VNPT Meeting giúp các doanh nghiệp duy trì vận hành sản xuất kinh doanh…
Đặc biệt, VNPT tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột trong chuyển đổi số quốc gia thông qua việc chủ động tham gia và trở thành đơn vị nòng cốt dẫn dắt các chương trình xây dựng Chính phủ số, kinh tế số cũng như chuyển đổi xã hội số. Các nền tảng được VNPT phát triển như Trục liên thông văn bản quốc gia; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; Cổng Dịch vụ công Quốc gia không chỉ mang lại hiệu quả cao trong công tác điều hành của Chính phủ còn mang lại tiện lợi cho doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, VNPT đang tích cực tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia (về dân cư; cán bộ, công chức, viên chức; đất đai; y tế; giáo dục) và hỗ trợ hàng chục tỉnh, thành triển khai đô thị thông minh, du lịch thông minh…
Trong phát triển kinh tế số, VNPT đã tham gia thúc đẩy nhanh chuyển đổi số doanh nghiệp từ các tập đoàn kinh tế nhà nước tới doanh nghiệp vừa và nhỏ; đồng thời tham gia sâu vào chuyển đổi số các ngành kinh tế trọng tâm như giáo dục, y tế, nông nghiệp, du lịch thông minh…
Tập trung dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia
Đến nay, VNPT đã hỗ trợ 40 UBND tỉnh, thành phố khảo sát, tư vấn xây dựng đề án đô thị thông minh; Triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) cho 36 khách hàng tỉnh, thành phố; Du lịch thông minh đã triển khai cho 47 tỉnh, thành phố; uản lý đất đai đã triển khai cho 6 tỉnh thành phố.
Cùng với đó, Hệ sinh thái y tế số VNPT-HIS đang được triển khai tại hơn 7.500 cơ sở y tế, phục vụ hơn 5 triệu lượt khám mỗi tháng. Hệ sinh thái giáo dục số VNPT vnEdu 4.0 đã triển khai tại hơn 29.000 cơ sở giáo dục, phục vụ hơn 800.000 giáo viên và hơn 8 triệu học sinh. Hệ sinh thái Chính phủ điện tử hiện diện 55/63 tỉnh, thành với hơn 11.000 khách hàng, trong đó có nhiều bộ, ngành và địa phương.
Dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định phải đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số; thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Chính phủ số; đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 ASEAN về Chính phủ số, kinh tế số.
Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Phạm Đức Long cho rằng, chuyển đổi số là con đường duy nhất giúp chúng ta thay đổi mạnh mẽ hơn, đi nhanh hơn trong thời đại số hiện nay. Đây cũng là lúc chúng ta cùng thay đổi, chung sức xây dựng một quốc gia số hùng cường, vững mạnh. “Là một tập đoàn công nghệ, VNPT nhận lấy sứ mệnh chủ lực, dẫn dắt triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị và Quyết định 749 của Thủ tướng”, ông khẳng định.
Những thành quả đã đạt được là tiền đề quan trọng để VNPT hiện thực hóa chiến lược này. Trong năm 2021, ông Phạm Đức Long cho biết VNPT sẽ đặc biệt tập trung thực hiện vai trò dẫn dắt trong việc triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia với 5 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.
Thứ nhất, phát triển hạ tầng và dịch vụ số bao gồm hạ tầng mạng cáp quang tới từng hộ gia đình; thử nghiệm và sẵn sàng triển khai hạ tầng di động 5G, hạ tầng điện toán đám mây. Song song với việc cung cấp hạ tầng truyền tải, VNPT không ngừng, nghiên cứu và làm chủ các công nghệ mới 4.0 cho phép các doanh nghiệp, người dân chia sẻ, phát triển và sử dụng dịch vụ, qua đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới.
Thứ hai, VNPT tập trung xây dựng tài nguyên số bao gồm hệ sinh thái dữ liệu và nền tảng số cung cấp ở quy mô quốc gia giúp hình thành Chính phủ số và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ cùng UBND các tỉnh, thành phố xây dựng đô thị thông minh. Trong đó, VNPT sẽ tập trung vào xây dựng các giải pháp thông minh trong các lĩnh vực giao thông, quản lý đô thị, môi trường, y tế, giáo dục nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và giúp chính quyền tương tác với người dân, doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Thứ tư, đầu tư nguồn lực hoàn thiện các giải pháp và triển khai các hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Trong đó, tập trung các phương thức số hóa quá trình sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cách vận hành của doanh nghiệp trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin.
Thứ năm, triển khai công dân số thông qua việc cung cấp những ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân để tiến đến xây dựng xã hội số. Thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ điều hành của Chính phủ. Thúc đẩytiến trình thanh toán không dùng tiến mặt hướng tới xã hội số thông qua các sản phẩm dịch vụ của VNPT.