Cơ quan chức năng có xử lý sai quy định của pháp luật?

Cập nhật: 29/08/2020 08:44

Trong quá trình xử lý vi phạm của cơ sở kinh doanh, chiết nạp khí dầu mỏ hoá lỏng (LPG) trái phép tại huyện Hoài Đức, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 24, Cục QLTT Hà Nội và các cơ quan chức năng huyện này đang có dấu hiệu “bỏ lọt” vi phạm, áp dụng sai quy định của pháp luật.

Lực lượng chức năng ập vào bắt quả tang hành vi sang chiết gas trái phép trước sự ngõ ngàng của đối tượng. Ảnh TN

Xử lý kiểu “đầu voi, đuôi chuột”

Như đã đưa tin, từ nguồn tin tố giác tội phạm, trong ngày 25/2/2020, Đội QLTT số 24 kết hợp với Công an huyện Hoài Đức, TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra bắt quả tang một trạm sang chiết gas không phép tại xã Song Phương đang có hành vi nạp LPG trái phép vào chai LPG của nhiều thương hiệu khác nhau.

Sau khi làm việc với chủ cơ sở sang chiết gas trái phép, Đội QLTT số 24 đã xác định được các hành vi vi phạm như sau: Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp phải đăng ký theo quy định;  Kinh doanh LPG khi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng cho cửa hàng LPG chai; Mua LPG trên thị trường không có nguồn gốc xuất xứ (theo trình bày của ông Nguyễn Văn Vịnh); Mua, lưu giữ chai LPG không thuộc sở hữu; Nạp LPG từ xe bồn và chai LPG trên vỏ bình có nhãn hiệu của các hãng gas mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu có dấu hiệu sản xuất hàng giả (số bình gas đã sang nạp hoàn chỉnh duy nhất chỉ không có màng co).

LPG chai được chiết nạp chuyên nghiệp bằng những dụng cụ tự chế trực tiếp từ xe bồn. Ảnh TN

Sau nhiều tháng điều tra xác minh, các cơ quan quản lý Nhà nước huyện Hoài Đức và Đội QLTT số 24 đã xác định cơ sở này có các lỗi vi phạm: sản xuất hàng hoá giả mạo, nạp LPG vào chai trái phép.

Ngày 16/7/2020, Đội QLTT số 24 tham mưu để UBND huyện Hoài Đức ra Quyết định số 4223/QĐ-XPHC xử phạt ông Nguyễn Văn Vịnh (trú tại Đông Anh, Hà Nội) với số tiền là 40 triệu đồng về những lỗi vi phạm nêu trên.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Đội QLTT số 24 cho biết, đối với các tang vật vi phạm trong vụ việc, như: Xe bồn chở khí gas (trạm nạp di động); xe tải chở chai LPG, LPG chai; chai LPG, LPG chai của nhiều thương hiệu bị làm giả (CD gas, Đại Hải gas…). Chúng tôi đã ra quyết định tịch thu và tiêu huỷ toàn bộ số chai LPG và LPG chai được chiết nạp trái phép (loại 12kg và 45kg), trả lại xe bồn (biển kiểm soát 57K – 4252) cùng 5,580 tấn LPG (Không rõ nguồn gốc, dùng để nạp trái phép vào chai LPG – PV) cho người vi phạm, đối với chiếc xe tải chở hàng (biển số 29C – 81489) thì không xử lý gì.

Qua đó có thể thấy sự “kỳ lạ” trong cách điều tra, xác minh, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng huyện Hoài Đức cũng như Đội QLTT số 24 đối với cơ sở sang chiết LPG trái phép này cả về xác định lỗi vi phạm cũng như cách xử lý tang vật vi phạm.

Căn cứ quy định nào để Cục QLTT TP Hà Nội trả lại tang vật vi phạm cho người vi phạm, đồng thời tiêu huỷ các chai LPG là tài sản của thương nhân kinh doanh LPG sở hữu những chai LPG bị chiếm giữ trái phép để sản xuất, buôn bán hàng giả?

Chuẩn bị cả “hàng nóng” cho hành vi trái pháp luật. Ảnh TN

 

Những lỗi vi phạm, quy định của pháp luật nào đã bị “bỏ qua”?

Ngày 13/4, tại Công văn số 79/CV-Đ24 của Đội QLTT số 24 về việc đề xuất xử lý hồ sơ có dấu hiệu tội phạm hình sự gửi Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hoài Đức, Công an huyện Hoài Đức, nêu rõ:

“Căn cứ vào nội dung tình tiết, tính chất, quy mô vụ việc như trên, Đội QLTT số 24 nhận thấy đây là một vụ việc vi phạm có tính chất phức tạp, nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện (kể cả PCCC), có thể gây nguy hiểm làm ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng con người, có dấu hiệu sản xuất hàng giả, đặc biệt còn có hành vi không hợp tác với cơ quan kiểm tra”.

Nhận định đanh thép là vậy, nhưng kết quả xử lý cuối cùng lại theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”. Những lỗi vi phạm hành chính đã bị bỏ qua một cách bất thường như: Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp phải đăng ký theo quy định; Kinh doanh LPG khi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng cho cửa hàng LPG chai; Mua LPG trên thị trường không có nguồn gốc xuất xứ (theo trình bày của ông Nguyễn Văn Vịnh); Mua, lưu giữ chai LPG không thuộc sở hữu; Nạp LPG từ xe bồn và chai LPG trái phép.

Chưa kể, cơ sở này còn đang hoạt động trong nhà xưởng được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, cũng chưa thấy cơ quan nào xử lý?

Đại diện một đơn vị có thâm niên trong ngành kinh doanh LPG cho biết: Với số lượng hàng hoá mà cơ quan chức năng đã thu giữ là có giá trị tương đối lớn, trên thị trường giá 01 LPG chai khoảng 700 ngàn đồng (hơn 200 ngàn đồng/12 kg LPG, hơn 400 ngàn đồng/01 chai LPG) giá bán 01 kg LPG khoảng hơn 20 ngàn đồng/1kg. Tính ra, tổng giá trị hàng hoá tương đương mà cơ sở này đang có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả bị bắt giữ khoảng 150 triệu đồng.

Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 192 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định: “Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các Điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.

Ngoài ra, tại Khoản 4 Điều 43 Nghị định số 67 đã quy định rất cụ thể về xử lý các lỗi vi phạm sang chiết LPG trái phép, như sau: “4. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này; b) Tịch thu chai LPG và LPG chai đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm c khoản 2 và khoản 3 Điều này”.

Ấy vậy mà, không hiểu do trình độ chuyên môn hay vì một lý do nào đó mà hàng loạt lỗi vi phạm quy định của pháp luật đang có dấu hiệu bị các cơ quan chức năng tham gia xử lý vụ việc này bỏ qua một cách “kỳ lạ”.

Đề nghị lãnh đạo UBND TP Hà Nội, Tổng cục Trưởng Tổng cục QLTT cần sớm vào cuộc xác minh làm rõ có hay không việc bỏ lọt vi phạm, để xử lý nghiêm minh theo các quy định của pháp luật, tránh những hệ luỵ nguy hiểm cho xã hội từ những hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả nêu trên cũng như những dư luận không tốt ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan quản lý Nhà nước.

theo Thành Nam – Báo Thanh tra

Tin liên quan