Chưa có cơ chế hoạt động bảo vệ Hiến pháp chuyên trách
Ở nước ta, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền đang được đặt ra như một tất yếu lịch sử và tất yếu khách quan. Theo PGS.TS Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, qua 30 năm đổi mới, cùng với những thành tựu về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại… việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN cũng đã đạt được những thành tựu quan trọng, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp xây dựng Nhà nước kiểu mới – một Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế như nhận thức về vị trí, vai trò của nhân dân là chủ thể cao nhất của quyền lực Nhà nước trong Nhà nước pháp quyền còn nhiều hạn chế, bất cập.
Theo PGS.TS Đinh Xuân Thảo, một hạn chế trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta là dù Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật mới, sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật hiện hành, song hệ thống pháp luật của ta vẫn chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ, vẫn còn có nhiều văn bản chồng chéo, mâu thuẫn.
Cơ chế bảo đảm cho việc thi hành các quy định của Hiến pháp, xử lý các vi phạm Hiến pháp trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp (bảo vệ Hiến pháp) được giao cho nhiều chủ thể cùng tiến hành, chưa có cơ chế hoạt động bảo vệ Hiến pháp chuyên trách.
Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân còn chậm. Trong khi đó, chất lượng, năng lực và trình độ đội ngũ cán bộ, công chức vẫn chưa ngang tầm với đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Cụ thể hóa những cơ chế kiểm soát quyền lực
Từ thực tế đó, để tiếp tục quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Trong thời gian tới, tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước tiếp tục thực hiện theo quy định của Hiến pháp và các đạo luật về tổ chức bộ máy Nhà nước cần tiếp tục cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp mới cho phù hợp với từng thiết chế cụ thể.
Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung nguyên tắc kiểm soát quyền lực Nhà nước giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Vì vậy, trong các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước, cần nghiên cứu, cụ thể những cơ chế kiểm soát quyền lực song song với việc tiếp tục duy trì cơ chế giám sát, kiểm tra giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, giữa cơ quan Trung ương và địa phương.
Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế, thực hiện Luật Trưng cầu ý dân để bảo đảm vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, qua đó kiểm soát quyền lực Nhà nước.
Về bảo đảm vị trí tối thượng của Hiến pháp và pháp luật, PGS.TS Đinh Xuân Thảo cho rằng, Hiến pháp là đạo luật cơ bản của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý.
Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp.
Vì vậy, các đạo luật về tổ chức bộ máy Nhà nước cần xây dựng cơ chế bảo vệ Hiến pháp một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội ở nước ta.
Cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trong đó hoàn thiện thể chế, chính sách và tăng cường pháp chế XHCN là yêu cầu quan trọng. Phê phán và nghiêm trị những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, những hành vi lợi dụng dân chủ để làm mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội; chống tập trung quan liêu, khắc phục dân chủ hình thức.
Hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm soát thực thi công vụ
Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, Nhà nước phải xây dựng cho được bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao.
Mọi cơ quan, công chức đều phải được giao nhiệm vụ rõ ràng. Việc đánh giá tổ chức, cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Phải hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm soát thực thi công vụ.
Người đứng đầu cơ quan hành chính phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao và phải được trao quyền quyết định tương ứng về tổ chức cán bộ.
Cần có quy hoạch, kế hoạch tổng thể về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức; thực hiện việc quản lý cán bộ, công chức theo hướng quản lý nguồn nhân lực công vụ.
Cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý Nhà nước. Có chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín đối với nhân dân.
Ngoài ra, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên để làm cơ sở chính trị vững chắc cho chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước.
theo Mai Thoa – Báo Công lý