Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số. (Ảnh: Trần Hải) |
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực lớn cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ tiếp theo; xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những đột phá trong phát triển.
Đối với nước ta, chúng ta ưu tiên cho tăng trưởng, do đó phải làm mới các động lực tăng trưởng cũ gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu; bên cạnh đó, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới gồm kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức. Chúng ta cũng nhận thức, lực lượng sản xuất chất lượng cao chính là khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ai nắm bắt được lĩnh vực này thì đi nhanh hơn, đột phá hơn, hiệu quả hơn. Chúng ta xác định tư tưởng trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên”. Chuyển đổi số là một xu thế tất yếu, yêu cầu bắt buộc, tiến trình không thể đảo ngược trên bình diện quốc tế, quốc gia, của từng bộ, ngành, địa phương.
Nhìn lại bước tiến trong quá trình chuyển đổi ở nước ta thời gian qua rút ra bài học, trong đó có bài học lớn là chuyển đổi số muốn mạnh, nhanh, hiệu quả thì có vai trò đặc biệt, mang tính quyết định của người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương. Vì vậy, cuộc họp này là rất cần thiết, có ý nghĩa để nâng cao nhận thức, xác định mục tiêu, quan điểm phát triển chuyển đổi số, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp sát thực tế, “đúng, trúng”, có tính khả thi, nhất là việc tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả, đỡ tốn thời gian nhất, đỡ tốn chi phí nhất, nhưng đem lại hiệu quả cao nhất.
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Trần Hải) |
Hội nghị này rất quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thảo luận làm rõ, thống nhất tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận để cùng nhau hành động, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Thủ tướng chia sẻ một số suy nghĩ: đầu nhiệm kỳ đến nay, chúng ta phải đối mặt với đại dịch Covid-19, rồi cạnh tranh chiến lược, xung đột, chiến tranh, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, logistics gặp khó khăn; chính sách tiền tệ của các nước lớn có nhiều thay đổi, gây khó khăn cho Việt Nam về lãi suất, tỷ giá.
Chúng ta thấy, trong đại dịch, sau đại dịch, các hội nghị trực tuyến đều được tổ chức tốt, hiệu quả, họp không kể thời gian, không giới hạn số lượng người tham dự. Đây là nỗ lực lớn, có tác dụng lớn, đỡ tốn kém chi phí. Lãnh đạo địa phương thông qua hội nghị trực tuyến, được truyền tải các thông tin nhanh nhất, sớm nhất, cụ thể nhất, rõ nhất từ người chỉ huy tới những người thực hiện. Rồi vấn đề cơ sở dữ liệu được chú trọng.
Tiếp đó, chúng ta đã xây dựng Đề án 06 do Bộ Công an chủ trì với tinh thần xây dựng cơ sở dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, là chủ trương hay, mang lại hiệu quả thiết thực; tiếp tục coi trọng công tác chuyển đổi số, thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về chuyển đổi số với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan. Trên thực tế, chúng ta đã và đang làm chuyển đổi số một cách hiệu quả.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu ý kiến tại hội nghị. (Ảnh: Trần Hải) |
Năm ngoái, chúng ta đề ra là Năm xây dựng cơ sở dữ liệu; năm nay, đề ra mục tiêu kết nối và tăng cường khai thác cơ sở dữ liệu, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nắm bắt được nhanh, chính xác công việc đang chỉ đạo, đang được tiến hành như thế nào? Nếu chậm thì chậm ở khâu nào? Ai đang xử lý, xử lý như thế nào? Đây là lợi ích có tính lan tỏa mà chuyển đổi số mang lại. Nhiều bộ, ngành đã xây dựng trung tâm chỉ huy thông minh.
Thủ tướng nêu rõ, Đảng ta đã đề cập sâu sắc về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và mang tính đột phá chiến lược. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Nhiệm vụ quan trọng hiện nay là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy các động lực tăng trưởng để hoàn thành mục tiêu lớn đã đề ra trong nhiệm kỳ này. Các vấn đề đó đều có quan hệ mật thiết với chuyển đổi số. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chuyển đổi số một cách toàn diện, toàn dân, toàn diện với sự tham gia, đồng hành tích cực của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương tham dự hội nghị. (Ảnh: Trần Hải) |
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… là những bộ quan trọng rất tích cực cho chuyển đổi số, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, thúc đẩy phát triển Chính phủ số, xã hội số, công dân số; phát triển hạ tầng số; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các chuyên gia, tập đoàn công nghệ lớn nước ngoài đều khuyến nghị Việt Nam cần tập trung cho phát triển chuyển đổi số, điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu…
Thủ tướng nêu rõ, chuyển đổi số đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, đến từng người”. Kinh tế số đang thẩm thấu vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, làm thay đổi một cách cơ bản đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước. Chúng ta cần quán triệt tinh thần này để tiếp tục thực hiện hiệu quả chuyển đổi số vì đã làm được nhiều việc nhưng còn nhiều việc cần phải làm. Hội nghị này cần thảo luận, thống nhất nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình hay, cách làm tốt, thống nhất về tư tưởng, hành động, tầm nhìn để quyết tâm đầu tư, “bắt kịp, tiến cùng, vượt lên” trong thế giới đầy biến động này, nhất là kinh tế số.
Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị hội nghị đánh giá thẳng thắn, rõ ràng khách quan, những gì làm được, chưa làm được, chỉ rõ vướng mắc ở đâu, những bài học kinh nghiệm đã làm trong thời gian vừa qua ở bộ, ngành, địa phương? Những kinh nghiệm hay, bài học quý, mô hình sáng tạo trong chuyển đổi số mang lại hiệu quả thực sự như đầu tư phát triển hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phát triển cơ sở dữ liệu, kết nối chia sẻ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây… Thẳng thắn chỉ ra những việc sẽ làm sắp tới cần tập trung nông thôn để đỡ tốn thời gian nhất, đầu tư khiêm tốn nhất nhưng đem lại hiệu quả cao nhất, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh đất nước ta hiện nay. Chúng ta nhận định thế giới như thế nào trong tương lai để có những giải pháp phù hợp, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, đất nước, cho sự phát triển chuyển đổi số.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo tại hội nghị.(Ảnh: Trần Hải) |
* Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, về kết quả 4 năm thực hiện chuyển đổi số của Việt Nam, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đứng thứ 86/193; dịch vụ công trực tuyến xếp hạng 76/193 (tăng 5 bậc). Tuy nhiên, Chính phủ điện tử của Việt Nam đứng thứ 6/11 trong ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei và Indonesia); dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam đứng thứ 5/11 trong ASEAN (sau Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia). Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam tăng dần qua các năm: năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, thì năm 2021 đứng thứ 3 và 2 năm tiếp theo 2022, 2023 đứng thứ 1. Về xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu: Việt Nam đứng ở vị trí thứ 25/194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng.
Theo đánh giá của Việt Nam, về thể chế: từ năm 2020 đến nay, chúng ta đã xây dựng và ban hành 3 Luật, 2 Nghị quyết và 19 Nghị định tác động, điều chỉnh trực tiếp các hoạt động chuyển đổi số, thúc đẩy chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ ban hành 21 Quyết định và Chỉ thị. Về đánh giá chung các chỉ số chuyển đổi số quốc gia: Chỉ số chuyển đổi số quốc gia DTI tăng đều qua các năm, đến năm 2022 đạt 0,71 điểm; các chỉ số thành phần về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 45-55%.
Về giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp: năm 2019 mới chỉ đạt gần 11%; từ năm 2020 đến nay có bước tăng trưởng đột phá, đến nay đạt 55%, tăng gấp 5 lần so với cả giai đoạn trước 2020; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ở năm 2019 chỉ khoảng 5%, thời điểm hiện tại, tỷ lệ này đạt 43% (tăng hơn 8 lần).
Hội nghị được truyền trực tuyến tới trụ sở Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. (Ảnh: Trần Hải) |
Về các nền tảng, hệ thống phục vụ công tác quản lý, điều hành: theo đó, nền tảng xử lý hồ sơ công việc trong cơ quan nhà nước: năm 2020, hồ sơ công việc tại cấp bộ được xử lý trên môi trường mạng đạt mức 65,8%, đến nay, tỷ lệ này đạt 89,35%. Về kết nối chia sẻ dữ liệu: năm 2020, tổng số giao dịch kết nối, chia sẻ dữ liệu là 11,5 triệu giao dịch thì 6 tháng đầu năm 2024 là 533 triệu giao dịch qua nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Về phát triển kinh tế số: Báo cáo của Google đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5% và đến tháng 6/2024 là 18,5%. Về kinh tế số trong từng ngành: du lịch trực tuyến tăng 82%, thanh toán số tăng 19%, đưa Việt Nam trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán số tại khu vực Đông Nam Á; thương mại điện tử có tốc độ tốc độ tăng trưởng khoảng 25% mỗi năm trong giai đoạn từ 2019 đến 2023, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2024, thương mại điện tử tăng 80% so cùng kỳ năm 2023; công nghiệp công nghệ số: số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin đang hoạt động ước đạt khoảng 45.500 doanh nghiệp, trong đó có hơn hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài với tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài ước đạt 7,5 tỷ USD.
Về phát triển xã hội số: tỷ lệ người dân ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử tăng từ mức 3% năm 2022 lên 13,5% vào tháng 6/2024; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác tăng từ 67% năm 2020 lên 87,08% vào năm 2023. Về phát triển công dân số, đến tháng 12/2023, Bộ Công an đã cấp trên 84,7 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip; đã kích hoạt 45,4 triệu tài khoản định danh. Có 34 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử. Ứng dụng VNeID ngày một được hoàn thiện, được tích hợp thêm các tiện ích phục vụ người dân như: số sức khỏe điện tử; giấy phép lái xe; ví điện tử, kê khai, đăng ký, nộp thuế; thông tin số bảo hiểm xã hội và nhiều tiện ích khác…