Sẽ tham mưu xây dựng Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân
Đặt vấn đề chất vấn, ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho biết, hiện nay, tình trạng quảng cáo trực tuyến thường dựa vào những dữ liệu người dùng, đôi khi vi phạm quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân. Điều này gây ra lo ngại về bảo mật thông tin cá nhân của người tiêu dùng khi sử dụng các dịch vụ hoặc truy cập vào các trang web.
Theo thống kê cho thấy, số lượng thông tin cá nhân, quyền riêng tư của người dùng bị đánh cắp trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng 50% so với 6 tháng đầu năm 2023, gây bức xúc cho xã hội. Đại biểu đề nghị, Bộ trưởng làm rõ các giải pháp để chủ động phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tình trạng nêu trên?
Về tình trạng lừa đảo trực tuyến gia tăng, Bộ trưởng thừa nhận, thực tế đang có tình trạng “nhà nhà thu thập thông tin cá nhân”, chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp thu thập thông tin cá nhân để xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng, nhưng chưa có hiểu biết pháp luật về việc khi thu thập thông tin phải xin phép, có hệ thống an toàn để bảo vệ thông tin không bị tấn công…
Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc phổ biến Luật An toàn thông tin, Luật An ninh mạng về trách nhiệm của người thu thập thông tin, bảo vệ dữ liệu, sử dụng đúng quy định của pháp luật… là câu chuyện lớn.
“Trong các năm 2023 và 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông coi đây là trọng điểm và tổ chức nhiều đoàn thanh tra. Lần đầu tiên đi thanh tra về thu thập thông tin cá nhân tại những đơn vị dễ để xảy ra lộ lọt thông tin cá nhân”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Qua thực hiện công tác này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng về những sai sót của các doanh nghiệp thu thập thông tin cá nhân, qua đó nhắc nhở các doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng khẳng định, đã có Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, có Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng và sắp tới sẽ tham mưu để nâng nghị định thành Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Cũng về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho biết, Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông xác định một trong những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế với hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng là do trách nhiệm của một số bộ, ngành vì chưa bổ sung trách nhiệm quản lý nội dung quảng cáo lĩnh vực chuyên ngành trên không gian mạng.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng thông tin cụ thể những bộ, ngành này là những bộ, ngành nào và trách nhiệm của Bộ trưởng, của Chính phủ để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên trong thời gian tới?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, không gian mạng không khác gì không gian thực, nếu không gian thực có bộ, ngành, địa phương, thì không gian mạng cũng phải có bộ, ngành, địa phương…
“Chỉ khi nào, việc của nhà nào, nhà đó thực hiện, ai làm gì trong thế giới thực thì lên không gian mạng thực hiện công tác quản lý ở đây, thì không gian mạng mới lành mạnh được”. Nhấn mạnh cần tăng cường nhận thức này, Bộ trưởng cũng ghi nhận, gần đây nhận thức về yêu cầu này đã có chuyển biến đáng kể.
Phối hợp liên ngành để ngăn chặn quảng cáo thực phẩm chức năng, mỹ phẩm chất lượng kém
Bên cạnh trả lời các chất vấn trực tiếp của đại biểu Quốc hội tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói sâu, làm rõ thêm về việc quảng cáo thực phẩm chức năng, dược, mỹ phẩm, thông tin giả mạo, nói xấu thông tin trên không gian mạng… đã được một số đại biểu đưa ra trong phiên chất vấn với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực y tế.
Về quảng cáo thực phẩm chức năng, dược, mỹ phẩm, ngăn chặn quảng cáo sai sự thật, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận, Bộ Y tế và Bộ Công Thương đã coi “mặt trận chính của mình là mặt trận trên không gian mạng”, đầu tư công cụ rà quét, phát hiện, xử lý. Khi cần thiết xác minh thân chủ, danh tính hoặc ngăn chặn hoạt động của trang mạng quảng cáo sai sự thật, các bộ, ngành đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện.
Trả lời chất vấn về tiến độ thực hiện đề xuất cấm quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi có thông tin chính thức từ Bộ Y tế đây là những sản phẩm cấm quảng cáo, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ yêu cầu các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới rà quét và không quảng cáo các sản phẩm này, xử lý các trường hợp vi phạm. “Bộ Thông tin và Truyền thông có bộ phận để phối hợp với Bộ Y tế xử lý vấn đề này”, Bộ trưởng khẳng định.
Đối với chất vấn của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) về tình trạng các cơ sở y tế hành nghề tư nhân, trong đó có cơ sở y tế có vốn đầu tư nước ngoài quảng cáo quá mức, thậm chí bác sỹ dởm, gây hậu quả nghiêm trọng, Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế là cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ xác định cụ thể cơ sở hành nghề y tế tư nhân, phòng khám, phòng mạch vi phạm.
Trên cơ sở kết luận của Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp cung cấp chủ thể thực hiện những quảng cáo trên không gian mạng này.
“Bộ Thông tin và Truyền thông có đầy đủ công cụ để xác định danh tính những người thực hiện quảng cáo sai phạm trên mạng, sau đó gửi Bộ Y tế để xử lý. Với những trường hợp không xác định được danh tính, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức ngăn chặn”, Bộ trưởng nêu rõ.
Trả lời chất vấn của các ĐBQH Dương Tuấn Quân (Bà Rịa – Vũng Tàu), Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), Lưu Văn Đức (Đắk Lắk)… về kế hoạch phối hợp liên ngành để giám sát toàn diện quy trình sản xuất, phân phối, cũng như công tác quản lý các sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm nhằm ngăn chặn hàng kém chất lượng tràn lan, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Y tế cũng đã có công cụ rà quét quảng cáo sai sự thật, sau đó gửi cho Bộ Thông tin và Truyền thông xác định danh tính và ngăn chặn. Bộ Công thương cũng có Tổng cục Quản lý thị trường xử lý các vấn đề với hàng hóa kém chất lượng và khi cần thiết sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để xác định danh tính, ngăn chặn.
Quốc hội đang xem xét dự án Luật Quảng cáo (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Tám, trong đó bổ sung các quy định về xác minh danh tính của người thực hiện quảng cáo để có thể tìm ra nhãn hàng, công ty quảng cáo, người phát hành quảng cáo. Đặc biệt, tại dự án Luật Quảng cáo (sửa đổi) bổ sung quy định về xử phạt vi phạm trên nền tảng xuyên biên giới, trong khi trước đây chúng ta chưa có quy định này.
Về quản lý quảng cáo, Bộ trưởng cho biết, nước ta tiếp cận tương đối khác biệt, hiện cho phép các cơ quan báo chí, trang tin, trang mạng phát hành quảng cáo, các nhãn hàng là người quảng cáo, công ty quảng cáo… nhưng chúng ta có phần chú trọng các cơ quan báo chí, công ty quảng cáo để quản lý, nhưng thực ra phải xử lý nhãn hàng, đó mới là gốc. Để quản lý “đều tay”, Bộ trưởng nhấn mạnh, bên cạnh tiếp tục quản lý các cơ quan báo chí, trang mạng xã hội là những nền tảng phát hành quảng cáo, xử lý những công ty quảng cáo, nhất là công ty quảng cáo xuyên biên giới, thì cũng phải xử lý các nhãn hàng khi phát hiện sai phạm.
Cho rằng “đi như vậy mới đều chân và đưa quảng cáo trên không gian mạng thực hiện tốt hơn”, Bộ trưởng cũng nêu rõ, cùng với giải pháp về quản lý các nền tảng phát hành quảng cáo, nhãn hàng cũng cần tăng cường truyền thông, đào tạo để hướng dẫn người tiêu dùng, hình thành những người tiêu dùng thông minh, có đủ sức đề kháng với những thông tin đa dạng trên không gian mạng, trong đó có đào tạo ở trường phổ thông.