Đại biểu Quốc hội Việt Nam có được mang 2 quốc tịch?

Cập nhật: 28/08/2020 10:58

Liên quan đến việc Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM) có 2 quốc tịch: Việt Nam và Cộng hòa Síp (Cyprus), nhiều độc giả quan tâm về việc liệu đại biểu Quốc hội có được mang 2 quốc tịch hay không?

Ông Phạm Phú Quốc.

Hiện nay, các vấn đề về quốc tịch được quy định rõ trong Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014). Cụ thể, Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 nêu nguyên tắc quốc tịch: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

Các trường hợp ngoại lệ theo Luật Quốc tịch Việt Nam gồm: Người được Chủ tịch nước cho phép; người đã mất quốc tịch Việt Nam được trở lại quốc tịch Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn nhập quốc tịch Việt Nam; người có vợ chồng, cha mẹ đẻ, con đẻ là công dân Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam và giữ lại quốc tịch của họ…

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, sửa đổi, bổ sung 2014: “Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài”.

Đối với trường hợp là đại biểu Quốc hội, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 hiện hành quy định 5 tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội. Cụ thể là: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội; Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm; Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Như vậy, Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành chưa quy định cụ thể về quốc tịch của Đại biểu Quốc hội, dẫn đến các cách hiểu khác nhau. Vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020 (được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV) đã quy định bổ sung về quốc tịch của đại biểu Quốc hội.

Theo đó, để là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội, đại biểu Quốc hội cần đáp ứng 7 tiêu chuẩn gồm: Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam (quy định này mới được bổ sung); Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; Có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội; Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm; Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020 đến ngày 1/1/2021 mới có hiệu lực thi hành.

Sau khi báo chí đưa tin về Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (Đoàn TP HCM) có quốc tịch Cộng hòa Síp (Cyprus), ngày 25/8, ông Quốc đã trao đổi với báo chí và cho biết ông đã có quốc tịch Cộng hòa Síp từ giữa năm 2018, nhưng là do gia đình bảo lãnh. Vị Đại biểu Quốc hội phủ nhận thông tin mua quốc tịch thứ 2.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội Trần Văn Túy cũng đã trao đổi với báo chí, cho biết đã nắm được thông tin về việc này và giao các đơn vị chức năng xác minh.

theo Anh Thư – Báo Pháp luật Việt Nam

Tin liên quan

Nghiên cứu đa dạng hoá chính sách ưu đãi thuế - Cập nhật: 22/11/2024 14:13
Công an TP Hồ Chí Minh: Mục tiêu không để tội phạm xảy ra tại bất kỳ cây ATM, ngân hàng nào - Cập nhật: 22/11/2024 08:23
Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Tập trung cho công tác lập pháp - Cập nhật: 20/11/2024 09:01
Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 với nhiều nội dung quan trọng - Cập nhật: 20/11/2024 08:54
Hạnh phúc, ấm no của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu - Cập nhật: 19/11/2024 10:12
Quyền đưa ra yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - Cập nhật: 19/11/2024 08:38
Chung khảo Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp cải cách hành chính TP Hà Nội năm 2024” Thể hiện rõ tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức - Cập nhật: 18/11/2024 08:55
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 3: Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật​ - Cập nhật: 18/11/2024 08:36
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 1: Nhận diện vấn đề - Cập nhật: 15/11/2024 10:07
Nhận diện thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc để kích động “ly khai”, “tự trị” - Cập nhật: 15/11/2024 10:00