Đảng lãnh đạo, đưa dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác

Cập nhật: 02/02/2024 08:13

Từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện đã đưa dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cho đến nay, chúng ta đã đạt được những thành quả to lớn, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc. (Nguồn ảnh: quochoi.vn).

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, từ khi ra đời (3/2/1930) đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện đã đưa dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong đó nổi bật là vai trò lãnh đạo của Đảng đưa đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, thành lập nhà nước cách mạng đầu tiên ở nước ta là Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tiếp đó, Đảng đã lãnh đạo dân tộc tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ để giành độc lập, hòa bình và thống nhất đất nước.

Sau ngày toàn thắng (30/4/1975), Đảng đã lãnh đạo nhân dân cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, tiến hành công cuộc Đổi mới từ Đại hội VI. Từ năm 1986 đến nay, Đảng đã lãnh đạo toàn dân tộc thực hiện công cuộc Đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa và đã giành được thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và thời đại.

Nêu rõ vai trò lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc khẳng định một số thành tựu. Thứ nhất, Đảng đã lãnh đạo, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ về kinh tế. “Với đường lối đổi mới về kinh tế, chính sách kinh tế nhiều thành phần, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện, nhanh và bền vững, đến nay, nền kinh tế của chúng ta đã lớn mạnh gấp nhiều chục lần so với lúc bắt đầu tiến hành Đổi mới vào năm 1986”, ông Nguyễn Trọng Phúc dẫn chứng.

Ví dụ, vào năm 1986, thu nhập bình quân đầu người của nước ta chỉ khoảng chưa đến 200 USD/năm nhưng đến năm 2023 đã là khoảng 4.300 USD/người/năm. Tổng GDP vào thời điểm bắt đầu tiến hành công cuộc Đổi mới vào năm 1986 chỉ khoảng 8 tỷ USD, xếp thứ 9/10 trong khối ASEAN, nhưng đến năm 2023 đã đạt hơn 430 tỷ USD, gấp rất nhiều lần. Nền kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, thương mại dịch vụ phát triển rất mạnh mẽ, làm biến đổi sâu sắc bộ mặt kinh tế của đất nước.

Thành tựu thứ hai là chúng ta đã không ngừng xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh theo hướng tăng cường sức mạnh, vai trò, sức chiến đấu của Đảng cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách. Thành tựu thứ ba là văn hóa, xã hội không ngừng phát triển, khoa học, công nghệ, giáo dục đào tạo, hệ thống chính sách xã hội, an sinh xã hội không ngừng được nâng cao, bảo đảm đời sống của Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Mức sống của người dân đã được cải thiện đáng kể, tăng nhiều chục lần so với trước lúc Đổi mới, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao.

Một thành tựu nữa là với kết quả phát triển chính trị, kinh tế – xã hội như vậy, chúng ta bảo đảm được an ninh, quốc phòng và bảo vệ vững chắc được độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, giữ vững ổn định của đất nước, làm thất bại mọi âm mưu, diễn biến hòa bình, hoạt động phá hoại, lật đổ của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc chế độ chính trị và con đường phát triển đất nước theo chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.

Về đối ngoại, qua gần 40 năm Đổi mới, đất nước ta đã có sự phát triển vượt bậc, tham gia tích cực vào quá trình hội nhập quốc tế, tiến trình toàn cầu hóa. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 nước trên thế giới, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Thành tựu đối ngoại đó đã tạo được môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác để phát triển đất nước. Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới.

Tổng hợp những thành tựu nêu trên đã nâng cao vị và thế của đất nước không ngừng phát triển, từ đó là cơ sở để Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Kiên trì xây dựng, chỉnh đốn Đảng

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc khẳng định, thời gian qua, chúng ta đã kiên trì xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 các khóa XI, XII, XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

Trong đó, từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, về “xây”, Đảng đã ban hành rất nhiều quy định để kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa các vi phạm có thể xảy ra trong chính các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC); nổi bật như quy định về kiểm soát quyền lực, PCTN,TC trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; quy định về kiểm soát quyền lực và PCTN,TC trong công tác cán bộ…

Về “chống”, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC do Tổng Bí thư làm Trưởng ban đã chỉ đạo nhiều vụ việc lớn, rất bài bản, có hiệu quả. Cuộc đấu tranh này đã chuyển động ở cả Trung ương và địa phương, không còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. “Việc xử lý quyết liệt các vụ tham nhũng lớn đã có tác dụng rất lớn tới niềm tin của Nhân dân đối với cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần của Nhân dân, của cán bộ, đảng viên để góp sức cùng Trung ương chống những biểu hiện tiêu cực, thúc đẩy phát triển đất nước”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.

Tin liên quan