Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp bất thường lần thứ 5. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn) |
Chỉ nhìn qua hai dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được xem xét thông qua tại Kỳ họp bất thường này, đã cho thấy nhận định đúng đắn của Chủ tịch Quốc hội.
Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng DN; đồng thời cũng là dự án luật rất khó và phức tạp.
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được xem xét thông qua cũng nhằm đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, minh bạch, ổn định và bền vững của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Những ngày cuối năm 2023 và đầu năm 2024, chúng ta đã chứng kiến sự biến động của thị trường vàng, không theo quy luật nào ở Việt Nam. Đỉnh điểm như ngày 27/12/2023, giá vàng trong nước liên tục được các Cty vàng bạc đá quý điều chỉnh lập đỉnh mới, vàng SJC tiếp tục vượt mốc 80 triệu đồng/lượng. Trước cơn “co giật” này của vàng miếng, nhiều chuyên gia kinh tế ngỡ ngàng, đánh giá đây là “mức giá kỳ cục, gần như đấu giá”.
Vì sự biến động bất lợi như trên với nền kinh tế, tại Công điện 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tổng kết thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung quy định. Theo nhiều chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực này, đáng lẽ, Nghị định 24 cần phải sửa sớm hơn.
Cũng cuối năm 2023, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án Tham ô tài sản, vi phạm hoạt động ngân hàng, đưa, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Cty Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và một số đơn vị, tổ chức liên quan. Đại án này dự kiến sẽ được xét xử vào tháng 3/2024.
Vụ án tại Ngân hàng SCB cho thấy nhiều vấn đề, trong đó có sở hữu chéo, thao túng tổ chức tín dụng; quy định minh bạch về hạch toán, quản trị… Vấn đề sở hữu chéo, chính trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã từng cảnh báo cách đây 15 năm, chứ không phải mới xuất hiện. Điều đó cho thấy một số quy định pháp lý đã lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; và Nhà nước cần có những can thiệp kịp thời trong một số trường hợp nhất định và sửa đổi ngay những quy định pháp luật sao cho phù hợp cuộc sống.