Sáng 25/2, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Thông tin về những điểm mới trong Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, ông Đặng Cao Đức, Phó Vụ trưởng Vụ 5, Ban Tổ chức Trung ương cho biết, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định cụ thể về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Thông báo kết luận số 174-TB/TW của Bộ Chính trị về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (Kết luận số 174) đã cụ thể hóa đầy đủ hơn đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đang công tác tại các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.
Mặt khác, quán triệt Kết luận số 174, Hướng dẫn 36 đã bổ sung cụ thể yêu cầu phải kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Ngoài tiêu chuẩn chung, Hướng dẫn 36 cũng quy định chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách.
Người ứng cử lần đầu: Nam sinh từ tháng 2/1966, nữ sinh từ tháng 1/1971 trở lại đây
Về tuổi tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đối với cán bộ, công chức, viên chức lần đầu ứng cử phải đủ tuổi tham gia 2 khóa Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trở lên hoặc ít nhất trọn một khóa tính đến tháng 5/2021, nam sinh từ tháng 02/1966, nữ sinh từ tháng 01/1971 trở lại đây.
Đại biểu Quốc hội chuyên trách tái cử (trừ các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội), đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách tái cử phải còn đủ tuổi công tác ít nhất là 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tính đến tháng 5/2021, nam sinh từ tháng 8/1963, nữ sinh từ tháng 7/1968 trở lại đây (đây là điểm khác so với Kết luận 174 là nam sinh từ 11/1963 và nữ sinh từ 11/1968 trở lại đây, vì khi ban hành Kết luận thì Bộ luật Lao động năm 2019 chưa có hiệu lực).
Riêng những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là cán bộ Quân đội, Công an thực hiện theo độ tuổi quy định tại Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân.
Đối với những trường hợp tuổi ứng cử cao hơn như Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các hội theo Kết luận số 58-KL/TW của Ban Bí thư (về độ tuổi tham gia công tác hội) thì do cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định.
Cán bộ nữ thuộc đối tượng nghỉ hưu ở tuổi cao hơn theo Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ được tính tuổi công tác như nam. Cụ thể, tính đến tháng 5/2021, người ứng cử lần đầu sinh từ tháng 01/1966, tái cử sinh từ tháng 7/1963 trở lại đây.
Về quy định đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục giữ chức vụ và tham gia công tác khi đến tuổi nghỉ hưu, Hướng dẫn 36 đã bổ sung nội dung đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương khi đến tuổi nghỉ hưu được giữ chức vụ công tác đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương khi đến tuổi nghỉ hưu thì thôi giữ các chức vụ và tiếp tục làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đến hết nhiệm kỳ.
ĐBQH chuyên trách phải trong quy hoạch Thứ trưởng trở lên
Một điểm mới được bổ sung trong Hướng dẫn 36 về tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu HĐND chuyên trách, là người giới thiệu để bầu đại biểu Quốc hội chuyên trách phải có quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách hoặc quy hoạch chức danh Thứ trưởng và tương đương trở lên. Ở địa phương, phải là các chức danh giám đốc sở, ngành và tương đương trở lên; chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh, chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng tỉnh, giám đốc công an tỉnh và tương đương trở lên.
Cũng tại Hội nghị, ông Phan Văn Vượng – Phó Trưởng Ban Dân chủ-Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết thêm, đối với nhân sự là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước, việc giới thiệu ứng cử phải thực hiện theo đúng các quy định của Đảng, Nhà nước. Đối với người ngoài Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan xem xét, kết luận về tiêu chuẩn chính trị và chịu trách nhiệm về kết luận của mình.
Ứng cử đại biểu Quốc hội nộp 2 bộ hồ sơ
Về nội dung nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026: Người được tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội nộp 2 bộ hồ sơ ứng cử tại Hội đồng Bầu cử quốc gia (qua Tổ giúp việc Tiểu ban nhân sự của Hội đồng Bầu cử quốc gia, địa chỉ: Nhà Quốc hội, số 01 đường Độc Lập, quận Ba Đình, TP Hà Nội). Người được cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và người tự ứng cử đại biểu Quốc hội nộp 2 bộ hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi mình cư trú hoặc công tác thường xuyên.
Người ứng cử được cơ quan, tổ chức, đơn vị, thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và người tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân nộp 1 bộ hồ sơ tại Ủy ban bầu cử ở đơn vị hành chính mình ứng cử.
Thời gian nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 trong giờ hành chính xác ngày trong tuần, bắt đầu từ 22/2/2021 và kết thúc vào 17h ngày 14/3/2021. Ủy ban bầu cử các cấp có trách nhiệm thông báo công khai địa điểm và thời gian tiếp nhận hồ sơ ứng cử trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.
Đảm các biện pháp phòng, chống dịch khi tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử
Việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử phải bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng các chỉ thị của Thủ tướng chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của địa phương. Đối với các hội nghị hiệp thương, việc mời và xác định số lượng thành phần có thể thực hiện thông qua hình thức điện thoại, Email, tin nhắn hoặc mạng Zalo, Viber.
Những nơi có số đại biểu tham dự hội nghị trực tiếp đạt trên 50% tổng số đại biểu được triệu tập thì tổ chức hội nghị tập trung nhưng phải đảm bảo các biện pháp chống dịch. Những nơi đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly xã hội mà số đại biểu tham dự trực tiếp không đạt trên 50% tổng số đại biểu được triệu tập thì có thể tổ chức hội nghị trực tuyến hoặc gửi phiếu lấy ý kiến đến các thành phần được triệu tập tham dự hội nghị.
Theo Ngọc Mai- Báo Công lý