Ảnh minh họa.
Cụ thể, góp ý hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình thống nhất với sự cần thiết sửa đổi luật, với các nhóm chính sách do Chính phủ trình; đồng thời đề nghị bổ sung phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật liên quan đến trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thi hành án.
Theo đó, về phạm vi sửa đổi bổ sung của dự thảo luật, qua nghiên cứu Luật Đấu giá tài sản hiện hành và thực tiễn thi hành về đấu giá tài sản trong thời gian qua, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo luật một số quy định để tạo cơ sở pháp lý trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị bổ sung quy định về trình tự thủ tục đấu giá tài sản thi hành án. Theo quy định tài khoản 1 Điều 4 luật hiện hành và dự thảo luật, tài sản thi hành án thuộc trường hợp phải bán thông qua đấu giá, tuy nhiên luật hiện hành và dự thảo luật hiện nay chưa có quy định thủ tục riêng cho việc đấu giá tài sản thi hành án.
Thực tiễn cho thấy, để đưa tài sản thi hành án ra bán đấu giá, thời gian thường kéo dài từ lúc kê biên thỏa thuận giá, lựa chọn tổ chức thẩm định giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá… Trường hợp bán đấu giá khung thành thì giảm giá tài sản để tiếp tục bán. Mỗi hành vi công việc nêu trên của chấp hành viên, của các tổ chức cơ quan đều có thể bị chủ tài sản người phải thi hành án khởi kiện, tố cáo và quá trình giải quyết khiếu nại tố cáo mất rất nhiều thời gian…
Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cũng cho rằng, tài sản thi hành án là tài sản đặc thù, mặt khác chấp hành viên chỉ là người có quyền đưa tài sản ra đấu giá theo quy định của pháp luật (không phải là người sử dụng, người sở hữu tài sản). Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu có những quy định riêng cho phù hợp với các quy định về thi hành án cũng như bảo đảm tốt quyền lợi của người sở hữu, sử dụng tài sản.
Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Quốc hội Lê Tất Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tại điểm đ khoản 1 Điều 4 Luật đấu giá tài sản năm 2016 và tại điểm e khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật đấu giá tài sản quy định: “Tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”….
Đại biểu Lê Tất Hiếu cho rằng, đối với vụ án hình sự, quy định như vậy chỉ đúng đối với vụ án hình sự mà đã được điều tra, truy tố và xét xử và đã có bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Đối với vụ án hình sự mà vì lý do nào đó phải đình chỉ vụ án trong giai đoạn điều tra, truy tố, trong đó có tài sản là tang vật, phương tiện phạm tội Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát quyết định tịch thu xung công quỹ thì trong Luật Đấu giá tài sản chưa quy định.
Do vậy, cần bổ sung điểm e khoản 1 Điều 4 dự thảo là: “e. Tài sản là tang vật, phương tiện phạm tội trong vụ án hình sự bị tịch thu xung công quỹ nhà nước”.
theo MAI HUỆ (t/h) – Tạp chí luật sư VN