Đề xuất trao quyền thẩm định kết quả phòng chống tham nhũng cho Thanh tra Chính phủ

Cập nhật: 13/08/2021 08:36

Đề xuất tăng quyền thẩm định kết quả phòng chống tham nhũng của các bộ, ngành, địa phương cho Thanh tra Chính phủ là một trong nội dung đáng chú ý trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 59/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng chống tham nhũng mà cơ quan này đang xây dựng để lấy ý kiến.

Ảnh minh họa

Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), việc xây dựng và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2019/NĐ-CP là cần thiết và được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Dự thảo đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 21 như sau: “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả đánh giá của ngành, cấp mình và gửi kết quả đánh giá để TTCP thẩm định, tổng hợp”.

Trước đó, tại Nghị định 59/2019/NĐ-CP không quy định Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh gửi kết quả đánh giá cho TTCP để thẩm định. Như vậy, so với quy định cũ, dự thảo đã đề xuất tăng thêm quyền “thẩm định” cho TTCP với việc đánh giá báo cáo kết quả phòng chống tham nhũng (PCTN) của bộ ngành, địa phương.

Giải thích về đề xuất trên, TTCP cho rằng, quy định này xuất phát từ thực tiễn, từ 2016 đến nay, được sự đồng ý của Thủ tướng, TTCP đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành thí điểm đánh giá công tác PCTN của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh.

Theo đó, TTCP đã ban hành Bộ chỉ số đánh giá, tài liệu hướng dẫn. Các địa phương đều đã triển khai thực hiện, xây dựng hồ sơ và có báo cáo tự đánh giá. Thực tế triển khai những năm qua cho thấy, tình trạng tự đánh giá của các địa phương còn thiếu chính xác, thiếu căn cứ, vượt quá kết quả đạt được thực tế diễn ra khá phổ biến. Hàng năm, TTCP đều phải thẩm định lại kết quả đánh giá của các địa phương, rà soát hồ sơ, đối chiếu những căn cứ, bằng chứng cụ thể để bảo đảm tính chính xác, khách quan, thực chất của kết quả công tác PCTN của các địa phương.

Cách làm này, theo TTCP, vừa đề cao trách nhiệm của các địa phương, vừa đề cao vai trò, trách nhiệm của TTCP trong công quản lý nhà nước về công tác PCTN. “Kết quả công tác PCTN cấp tỉnh hàng năm đã được báo cáo Thủ tướng và thông báo cho các địa phương, có tác dụng tốt với công tác PCTN. Sau khi được TTCP thẩm định lại kết quả đánh giá, chỉ ra những sai sót trong việc đánh giá, các địa phương đều tiếp thu và chấp thuận kết quả đánh giá của TTCP kể cả những trường hợp có sự thay đổi lớn so với kết quả tự đánh giá của địa phương”, TTCP đánh giá.

Ngoài ra, Điều 21 Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định các bộ, ngành, địa phương gửi kết quả đánh giá cho Thanh tra để tổng hợp mà không quy định việc Thanh tra thẩm định kết quả đánh giá sẽ dẫn đến việc chấm điểm mang tính hình thức. Ngoài ra, sẽ có những địa phương vì thành tích mà tự đánh giá không chính xác, khách quan, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác PCTN nói chung.

Cũng theo TTCP, để khắc phục vấn đề này, năm 2020 và 2021, TTCP báo cáo đề xuất Thủ tướng chỉ đạo việc thẩm định nêu trên. Nhưng việc chỉ đạo công tác thẩm định của Thủ tướng trong năm 2020 và 2021 chỉ mang tính cá biệt, chưa thống nhất với quy định của Chính phủ và chưa bảo đảm đầy đủ yếu tố pháp lý để TTCP thực hiện thường xuyên, lâu dài.

Do vậy, để có cơ sở cho việc đánh giá công tác PCTN được chính xác, khách quan và thực chất, TTCP đề xuất sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 59/2019/NĐ-CP theo hướng quy định rõ trách nhiệm của TTCP trong việc thẩm định lại kết quả tự đánh giá công tác PCTN của các bộ, ngành, địa phương trước khi tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, phù hợp với thực tiễn và đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc tự đánh giá công tác PCTN.

Trước đó, ngày 01/7/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN. Qua rà soát, đã phát hiện một số sai sót về kỹ thuật nên TTCP đã báo cáo và được Thủ tướng ủy quyền thay mặt Chính phủ ký văn bản đính chính 5 nội dung của Nghị định. Trong quá trình thực hiện, Đoàn Đại biểu Quốc hội Yên Bái tiếp tục phản ánh ý kiến của cử tri và đề nghị cần phải sửa đổi, bổ sung bằng một văn bản quy phạm pháp luật khác.

Sau đó, TTCP đã có Văn bản 87/TTCP-PC ngày 11/1/2021, kiến nghị Thủ tướng cho phép xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2019/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn. Ngày 22/1/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản 536/VPCP-V.I thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực nhất trí với kiến nghị của TTCP.

theo Phi Hùng – Báo pháp luật Việt Nam

Tin liên quan

Đề nghị bổ sung 04 dự án Luật và 01 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 - Cập nhật: 27/11/2024 08:41
Tuần cuối Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV (ngày 25-30/11): Quốc hội xem xét công tác nhân sự, thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng - Cập nhật: 25/11/2024 14:27
Bế mạc Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bảo đảm chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội - Cập nhật: 20/11/2024 08:57
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 4: Dấu ấn ngành Tư pháp - Cập nhật: 19/11/2024 08:47
Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam - Cập nhật: 18/11/2024 08:41
Đột phá từ Trung ương - Cập nhật: 15/11/2024 09:58
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 13/11/2024 10:16
Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành, quán triệt, thực hiện Nghị quyết của Đảng - Cập nhật: 12/11/2024 12:51
Lắng nghe, thấu hiểu và quyết liệt tháo gỡ - Cập nhật: 11/11/2024 10:08
Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Trọng tâm là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 11/11/2024 09:04