Khủng hoảng giá thuốc
Khi COVID-19 càn quét khắp thế giới, vấn đề bình ổn giá thuốc, vật tư y tế trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, không phải đến năm nay, mà các gia đình ở Pakistan cần mua thuốc đã gặp phải một cú sốc lớn về giá thuốc từ trước đó.
Năm 2018, đánh dấu một đợt căng thẳng giá thuốc chưa từng có. Tại các hiệu thuốc và cơ sở y tế, giá cả đột ngột tăng vọt, khiến nhiều loại thuốc không thể đến được với những người rất cần. Và đây chỉ là sự khởi đầu.
Việc tăng giá thuốc đã “giáng” một đòn rất mạnh vào các gia đình nghèo nhất của Pakistan và những người cần thuốc cũng thường là những người khó khăn nhất. Không đủ tiền mua thuốc mặc dù đã dự trù ngân sách cẩn thận, nhiều người buộc phải từ bỏ các phương pháp điều trị và giảm đau cần thiết. Ngay cả những gia đình có thu nhập trung bình cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Những người bị bệnh bao gồm tiểu đường, bệnh tim, viêm gan và ung thư không có lựa chọn nào khác ngoài việc trả giá quá đắt cho thuốc hoặc đứng trước nguy cơ gặp nguy hiểm đến tính mạng của họ.
Không im lặng
Tham nhũng đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Pakistan và các nước láng giềng. Theo phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu (GCB) – khu vực châu Á vừa công bố, khảo sát hơn 20.000 người ở 17 quốc gia về trải nghiệm của họ về tham nhũng, gần 1/5 người châu Á tiếp cận các dịch vụ cơ bản, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe, đã phải đưa hối lộ.
Tuổi thọ ở Pakistan là 67, thấp hơn 6 năm so với tuổi thọ trung bình toàn cầu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, trong đó phải kể tới chi phí chăm sóc sức khỏe cao của Pakistan. Vấn đề sức khỏe cũng là gánh nặng tài chính lớn đối với hàng triệu hộ gia đình ở đây.
Nhiều quan chức đã bị bắt vì hành vi thông đồng với các công ty để tăng giá trái phép. Một số người đã liên hệ với Trung tâm Tư vấn Pháp lý và Vận động chính sách (ALAC) do Tổ chức Minh bạch Quốc tế Pakistan điều hành, đặt câu hỏi về sự ảnh hưởng quá mức của các công ty dược phẩm.
Điều tra tham nhũng trong việc thổi giá thuốc
Theo dõi các tố cáo của công dân, ALAC đã tiến hành nghiên cứu chi tiết về chính sách giá thuốc chính thức của Cơ quan Quản lý Thuốc Pakistan (DRAP). Thực tế cho thấy, DRAP đã tăng giá nhiều lần trong năm 2018 và 2019, thậm chí sửa đổi chính sách giá chính thức để cho phép tăng giá.
Giá tất cả các loại thuốc được phép tăng. Đặc biệt trong đó, giá của gần 500 loại thuốc đã tăng tới 200% – mức tăng cao nhất trong vòng 40 năm qua. Thu nhập của hầu hết các hộ gia đình không đủ để mua thuốc với mức giá mới này, dẫn tới hậu quả có hại hoặc gây tử vong cho vô số người.
Tuy nhiên, điều đáng nói là không có lời giải thích hợp lý nào cho những đợt tăng này. Bên cạnh đó, cũng không có cơ chế giám sát để kiểm soát chi phí thuốc cao bất hợp pháp và xử phạt vi phạm chính sách. Người dân lo ngại rằng, các công ty thuốc có thể chỉ cần trả tiền cho các quan chức để thực hiện tăng giá thuốc.
Để đảm bảo rằng các cơ quan quản lý của Pakistan ưu tiên nhu cầu của công dân hơn lợi nhuận của ngành công nghiệp dược phẩm, ALAC đã viết thư cho DRAP và Bộ Y tế, nêu rõ nhu cầu về giá cả phải chăng cho các loại thuốc và yêu cầu trừng phạt bất kỳ quan chức nào bị phát hiện có liên quan tới việc tăng giá bất thường.
ALAC cũng thúc giục Ủy ban Thường vụ Thượng viện về y tế tiến hành một cuộc điều tra về vấn đề giá thuốc, đồng thời thông báo cho các cơ quan chủ chốt khác, bao gồm Cục Giải trình Quốc gia và Tòa án Tối cao…
Kết quả đáng mừng, vào tháng 5/2019, Chính phủ Pakistan cuối cùng đã áp đặt giới hạn 75% đối với việc tăng giá thuốc. Điều này làm giảm chi phí của nhiều loại thuốc cần thiết – mặc dù những loại thuốc khác vẫn rất đắt.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế Pakistan đang nỗ lực thúc đẩy việc thực hiện trách nhiệm giải trình đầy đủ trong lĩnh vực y tế của đất nước, khuyến khích mọi người lên tiếng khi họ gặp phải tình trạng thiếu liêm chính trong chăm sóc y tế – và cung cấp hỗ trợ an toàn, dễ tiếp cận thông qua ALAC.
Trong bối cảnh COVID-19, giá thuốc gần đây đã tăng trở lại và người Pakistan sẽ cần tiếp tục thúc đẩy sự liêm chính. Bằng cách lên tiếng chống lại những bất thường đáng ngờ trong việc định giá thuốc, người dân Pakistan đã chứng tỏ rằng họ có thể tạo ra thay đổi để mang lại sự khác biệt – chấm dứt các âm mưu tham nhũng và đảm bảo giá cả công bằng hơn.
theo Hoài Phương – Báo Thanh tra