Theo hồ sơ, ngày 3/12/2001, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 7231/QĐ-UB chuẩn bị đầu tư dự án Xây dựng khu nhà ở di dân giải phóng mặt bằng ao Hoàng Cầu, quận Đống Đa, do Công ty Hà Thủy (Sở NN&PTNT) làm chủ đầu tư. Ngày 23/5/2003, UBND TP ban hành quyết định thu hồi 18.390m2 đất tại phường Ô Chợ Dừa, tạm giao Công ty này tổ chức điều tra lập dự án giải phóng mặt bằng chuẩn bị thực hiện dự án.
Theo các Quyết định 1428/QĐ-UB ngày 17/4/2006, 3643-UBND ngày 30/10/2016; 4131/QĐUB-UBND ngày 14/12/2006; 2649/QĐUB ngày 29/6/2016 của UBND quận Đống Đa; phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 7 hộ dân trên với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng.
Một hộ dân đồng ý và ngày 13/10/2016 UBND quận Đống Đa đã chi trả tiền đền bù; 6 hộ còn lại không đồng ý với các quyết định về phương án bồi thường hỗ trợ của UBND quận, đã tiến hành khiếu nại. Tuy nhiên, quận vẫn tiến hành thu hồi đất và cưỡng chế. Ngày 6/6/2018, Sở Tài chính phê duyệt quyết toán hoàn thành dự án.
Theo UBND quận, số tiền còn lại hơn 1,3 tỷ đồng của 6 hộ dân, đã chỉ đạo BQL dự án đầu tư xây dựng quận nộp trả cho Quỹ đầu tư phát triển TP Hà Nội.
Sau 6 năm khiếu nại mà không được giải quyết thỏa đáng, 6 hộ dân cho rằng đã quá mệt mỏi; nên năm 2020 bốn hộ gửi đơn xin nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Tuy nhiên, đến nay UBND quận vẫn không trả tiền cho người dân, tới tận ngày 14/10/2021 mới ban hành Văn bản 2114/UBND-BQLDAĐTXD gửi Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, Quỹ Đầu tư phát triển TP, đề nghị xem xét bố trí kế hoạch vốn năm 2021 để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với 4 hộ dân số tiền 926,1 triệu đồng. Với hai hộ dân không gửi đơn, không được nhắc tới.
Quyết định của UBND quận Đống Đa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ… cho các hộ dân. |
“Khoản 3 Điều 93 đã quy định: “Trường hợp người dân có đất bị thu hồi không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thì tiền bồi thường, hỗ trợ được gửi vào tài khoản tạm giữ của Kho bạc Nhà nước”. Số tiền bồi thường đó là nguồn tiền sử dụng để chi trả đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt và đã được ghi nhận trong tổng mức đầu tư dự án, có mục đích sử dụng rõ ràng. Khi người dân chưa nhận thì phải gửi vào tài khoản tạm giữ, khi dân đồng ý nhận tiền thì Ban bồi thường GPMB quận có trách nhiệm thực hiện các thủ tục để chi trả cho người dân, chứ không phải hoàn trả, nộp lại TP”, LS Huyền nói.
Đã hơn 1 năm kể từ ngày 4 hộ dân gửi đơn đề nghị nhận tiền đền bù, nhưng theo Văn bản 2114/UBND-BQLDAĐTXD, UBND quận vẫn đề nghị xem xét kế hoạch bố trí vốn. Nghĩa là các hộ dân vẫn chưa biết đến bao giờ mới có thể nhận tiền đền bù.
LS Huyền cho rằng đây là trường hợp chậm chi trả tiền đền bù GPMB, nên theo khoản 2 Điều 93 Luật Đất đai 2013, người dân còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế tính trên số tiền chậm trả và thời gian chậm trả. “Quận Đống Đa cần trả lời rõ ràng các vấn đề nêu trên để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho các hộ dân”, LS Huyền nói.